Y tế - Văn hóaSức khỏe đời sống

Xử trí các phiền phức của chân

Tạp Chí Giáo Dục

0
(0)
Rất nhiều người gặp phải các vấn đề về chân. Một số gợi ý trên tạp chí Indiatimes có thể giúp bạn hạn chế điều này.
Dùng kem bôi phù hợp có thể cải thiện gót chân nứt hoặc chai – Ảnh: Shutterstock
Chai chân
Là hiện tượng một lớp da ở chân dày lên và cứng khác thường, có khi kèm theo lớp biểu bì sưng tấy, gây đau. “Thủ phạm” gây chai chân thường do giày dép. Có thể khắc phục bằng cách tránh mang giày quá chật hoặc cao gót. Có thể loại bỏ cục chai với đá bọt. Ngoài ra, có thể dùng dầu dừa, ô liu, thầu dầu thoa lên lớp sần; dùng nước cốt chanh thấm vào bông gòn bôi vào; bôi kem dưỡng da có chứa thành phần dầu vazơlin hay lanolin vào chỗ chai mỗi tối trước khi đi ngủ.
Viêm tấy kẽ ngón chân
Bạn từng nghe nói những người ưa thích giày gót nhọn thường bị sưng tấy ở kẽ ngón chân cái? Đi giày cao gót trọng lượng cơ thể sẽ dồn lên đầu ngón chân. Nếu giày chật, lực này ép ngón chân vào khoảng không gian hẹp, kích thích sự hình thành các nốt sưng tấy ở kẽ ngón chân cái. Vì vậy, nên chọn giày cao khoảng 3-4 cm, tránh mang giày túm mũi, nên sử dụng miếng lót giày.
Mụn cóc
Là những cục sần cứng nhô trên da, sần sùi, hình tròn, màu xám. Nguyên nhân gây mụn cóc là do nhiễm trùng bởi vi rút HPV. Ngoài việc mất thẩm mỹ, mụn cóc còn gây đau và tạo cảm giác vướng cộm khó chịu khi đi lại. Nếu mụn cóc gây đau đớn, có thể nhờ y khoa can thiệp. Bên cạnh đó, để không bị mụn cóc tấn công cần tránh đi chân đất. Chọn giày dép vừa vặn, giữ chân luôn khô ráo và thay tất (vớ) thường xuyên. Dùng các miếng đệm lót ở vị trí có mụn cóc để giảm đau hay khó chịu. Ngoài ra, có thể dùng đá bọt nhám, khi tắm chà lên bề mặt mụn cóc để giảm bớt độ sần.
Nấm kẽ chân
Đây là một bệnh nhiễm trùng do nấm gây ra. Bệnh này thường tấn công những người hay vận động. Khi bị nấm, chân có mùi, và luôn ngứa ngáy khó chịu. Nấm lây khá nhanh qua đường tiếp xúc khi đi chân đất trong môi trường ẩm ướt và nhiều vi khuẩn. Nấm cũng phát triển rất nhanh trong giày, đặc biệt là những loại giày chật, thiếu sự lưu thông của không khí. Có thể giải quyết nấm bằng cách chọn xăng đan thay thế trong thời gian ngắn. Thay tất hằng ngày và sử dụng thuốc chống nấm hoặc kem chống nấm có hoạt chất clotrimazole.
Khoằm ngón chân
Đây là một trong nhiều loại biến dạng của ngón chân. Ngón chân cong như hình chữ C hoặc cụp xuống như móng chân chim, vì các sợi gân của ngón chân co lại, kéo đầu ngón chân xuống và đẩy khớp cong lên. Trong một số trường hợp, ngón chân khoằm gây đau và khó chịu. Việc mang giày quá chật là nguyên nhân làm ngón chân khoằm. Cách phòng ngừa là mang giày phù hợp, có đủ khoảng trống ở mũi giày; hoặc có thể dùng đến tiểu phẫu. 
Móng chọc thịt
Tức là cạnh móng chân mọc lẹm vào trong thịt, gây đau và có thể nhiễm trùng. Thường thì ngón cái xảy ra tình trạng này. Ngoài yếu tố di truyền, nguyên nhân phổ biến là do mang giày quá chật, cắt tỉa móng không đúng cách, nấm móng. Trường hợp nhẹ, có thể ngâm chân trong nước muối pha loãng để da và móng mềm, rồi làm hết mủ dưới móng.
Theo TNO

 

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết 0 / 5. Số lượt đánh giá: 0

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)