Y tế - Văn hóaSức khỏe đời sống

Xử trí đúng để tránh tử vong do bệnh dại

Tạp Chí Giáo Dục

Chó là ổ chứa vi rút dại chủ yếu, chiếm 96 – 97%, sau đó là mèo với 3 – 4%.

Xử trí đúng để tránh tử vong do bệnh dại
Ảnh: Shutterstock
Đến khám càng sớm càng tốt
Theo Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế, bệnh dại là bệnh nhiễm vi rút cấp tính của hệ thống thần kinh trung ương lây từ động vật sang người. Bệnh lây truyền qua nước bọt của động vật bị bệnh bài tiết ra ngoài theo vết cắn, vết liếm, vết xước trên da bị rách hoặc qua màng niêm mạc vào cơ thể.
Trong cơ thể con vật, vi rút dại theo dây thần kinh đến các hạch và thần kinh trung ương. Khi đến thần kinh trung ương, vi rút sinh sản rất nhanh rồi theo dây thần kinh đi đến tuyến nước bọt. Lúc này, nhìn bề ngoài con vật vẫn bình thường nhưng trong nước bọt đã có vi rút dại. Sau đó, vi rút bắt đầu hủy hoại dần các tế bào thần kinh trung ương và làm xuất hiện các triệu chứng điển hình của bệnh dại.
Người khi bị chó, mèo cắn cần thực hiện nghiêm ngặt việc xử trí vết thương: rửa ngay vết cắn bằng nước xà phòng đặc, sau đó rửa bằng nước muối, bôi chất sát khuẩn như: cồn, cồn i ốt để làm giảm lượng vi rút tại vết cắn.
Ông Trần Đắc Phu, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng, khuyến cáo: Người bị chó, mèo cắn nói riêng và súc vật cắn nói chung, cần được khám càng sớm càng tốt để bác sĩ có thể chỉ định điều trị phòng dại bằng vắc xin hoặc huyết thanh kháng dại. Hiệu quả điều trị dự phòng phụ thuộc vào nhiều yếu tố: loại vắc xin, kỹ thuật tiêm, đáp ứng miễn dịch của người bệnh. Khi xác định bị chó, mèo dại cắn cần được tiêm vắc xin phòng dại hoặc dùng cả vắc xin và cả huyết thanh kháng dại.
Chỉ định tiêm
Theo TS Trần Đắc Phu, trong nước hiện đã sử dụng loại vắc xin dại an toàn và hiệu lực bảo vệ cao. Chỉ định tiêm vắc xin tùy vào tình trạng vết cắn, vị trí cắn và tình trạng của vật cắn. Theo hướng dẫn của Cục Y tế dự phòng, nếu vết cắn khiến da bị xước ở vị trí gần thần kinh trung ương (đầu, mặt, cổ, đầu các chi), tình trạng súc vật bình thường, người bị cắn cần được tiêm vắc xin dại. Nếu cùng tình trạng vết thương như trên nhưng vật cắn có triệu chứng dại, kể cả súc vật đã được tiêm phòng thì người bị cắn cần tiêm huyết thanh kháng dại và vắc xin dại.
Trường hợp vết cắn khiến da bị xây xước nhẹ ở vị trí xa thần kinh trung ương và vật cắn có tình trạng bình thường thì sẽ theo dõi con vật. Cùng tình trạng vết thương này nhưng con vật có triệu chứng dại hoặc bệnh thì cần tiêm vắc xin ngay.
Bệnh nhân có chỉ định tiêm vắc xin dại ngay trong trường hợp không theo dõi được vật cắn, dù vết cắn và vết xước nhẹ ở vị trí xa thần kinh trung ương. Nếu con vật đã có triệu chứng dại, người bị cắn cần tiêm cả huyết thanh kháng dại và cả vắc xin dại mặc dù vết cắn chỉ là xước nhẹ và ở vị trí xa thần kinh trung ương.
Cục Y tế dự phòng đặc biệt lưu ý: Các vết thương do súc vật (chó, mèo) cắn ở vị trí gần não, vết thương sâu, bị nhiều vết thương; vết thương vùng đầu chi cần được tiêm cùng lúc huyết thanh kháng dại và vắc xin dại càng sớm càng tốt dù vật đó có biểu hiện bình thường.
Ông Phu lưu ý thêm: Thời kỳ ủ bệnh trung bình 5 – 10 ngày, nhưng có khi lên đến 2 – 3 tháng, thậm chí một năm sau khi bị chó cắn mới xuất hiện cơn dại. “Trong mọi trường hợp khi bị chó dại cắn tuyệt đối không được điều trị bằng thuốc nam, dễ dẫn đến trì hoãn tiêm vắc xin, huyết thanh kháng dại, khiến bệnh nhân tử vong. Bởi khi đã lên cơn dại thì tỷ lệ tử vong gần như 100%, không thuốc nào điều trị được”, ông Phu nhấn mạnh.

Liên Châu

(TNO)

 

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)