Y tế - Văn hóaSức khỏe đời sống

Xử trí hóc đường thở

Tạp Chí Giáo Dục

Người lớn cần cẩn thận khi cho trẻ ăn để tránh bị hóc sặc. Ảnh: H.Tr

Hóc đường thở là một tai nạn thường gặp và rất nguy hiểm ở trẻ em. Nguyên nhân chủ yếu là do người chăm sóc (ba mẹ, ông bà, cô giáo…) cho trẻ bú, ăn không đúng cách hoặc trẻ vô tình hít phải các vật nhỏ, hạt trái cây.
Ví dụ, người mẹ đang cho con ăn, bé từ chối không chịu ăn. Người mẹ vẫn cố ép, bé vùng vẫy la khóc. Hoặc có trường hợp, một cô giáo phải cùng lúc đút cho 4 – 5 trẻ ăn. Trẻ không chịu ăn, cô giáo cứ cố nhồi nhét. Hậu quả là trẻ bị ho sặc sụa, khó thở, tím tái.
Khi tai nạn xảy ra, thông thường người lớn sẽ rất hốt hoảng. Do vậy, không ít ông bố, bà mẹ hoặc cô giáo mới vào nghề thường vội vàng móc họng trẻ hoặc chở trẻ đi cấp cứu mà không thực hiện các biện pháp sơ cứu. Điều này rất nguy hiểm, vì có thể làm dị vật rơi sâu thêm, trẻ có thể bị ngạt và tử vong trong vòng vài phút nếu không được sơ cứu kịp thời. Trong khi đó biện pháp sơ cứu lại rất đơn giản và có thể kịp thời cứu nguy cho trẻ.
Vậy biện pháp sơ cứu là gì?
Phương pháp vỗ lưng ấn ngực: dùng cho trẻ dưới 2 tuổi
Đặt trẻ nằm sấp, đầu thấp trên cánh tay trái, giữ chặt đầu và cổ trẻ bằng bàn tay trái. Sau đó, dùng gót bàn tay phải vỗ 5 cái thật mạnh vào khoảng giữa 2 bả vai. Kế đến, đặt trẻ nằm trên nền cứng, nếu thấy trẻ vẫn còn khó thở, dùng 2 ngón tay trái ấn mạnh 5 cái ở vùng nửa dưới xương ức, dưới đường nối 2 vú khoảng 1-2cm. Lặp lại khoảng 5-6 lần nếu dị vật vẫn chưa rơi ra ngoài.
Thủ thuật Heimlich: dùng cho trẻ trên 2 tuổi và người lớn
Trong trường hợp trẻ còn tỉnh: Đứng sau lưng trẻ, vòng 2 tay ôm lấy thắt lưng trẻ. Rồi nắm chặt một bàn tay làm thành một quả đấm đặt ở vùng thượng vị, ngay dưới chóp xương ức, phía trên rốn, đặt bàn tay còn lại lên. Ấn 5 cái dứt khoát theo hướng từ trước ra sau và từ dưới lên trên, mạnh và nhanh. Lặp lại 6-10 lần ấn bụng cho tới khi dị vật được tống ra khỏi đường thở.
Trong trường hợp trẻ bị hôn mê: Để trẻ nằm ngửa, quỳ xuống dạng 2 chân cạnh đùi trẻ. Đặt gót lòng bàn tay lên vùng thượng vị, dưới chóp xương ức, đặt tiếp bàn tay thứ hai chồng lên bàn tay thứ nhất. Ấn 5 cái dứt khoát, mạnh và nhanh vào bụng theo hướng từ dưới lên trên. Lặp lại 6-10 lần ấn bụng cho tới khi dị vật được tống ra khỏi đường thở.
Lưu ý: Nếu bé ngưng thở, thổi ngạt 2 cái chậm trước và xen kẽ thổi ngạt với việc làm thủ thuật Heimlich hay vỗ lưng ấn ngực cho tới khi bé thở lại được.
Sau sơ cứu, nên đưa người bị nạn đến cơ sở y tế để kiểm tra.
ThS. BS Nguyễn Hữu Nhân
(Khoa Cấp cứu Bệnh viện Nhi đồng I)

 

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)