Y tế - Văn hóaSức khỏe đời sống

Xử trí nhanh khi trẻ bắt đầu bị sổ mũi

Tạp Chí Giáo Dục

Thời tiết thay đổi đột ngột khiến cơ thể nhiều trẻ không thích nghi kịp, dễ mắc các bệnh về mũi họng. Chảy nước mũi làm cho trẻ khó chịu do làm giảm lượng không khí lưu thông trong mũi…

Hiện tượng chảy nước mũi có thể tự hết nhưng cũng có thể để lại những biến chứng do không điều trị kịp thời như viêm xoang, viêm tắc vòi tai, viêm họng, viêm thanh khí phế quản…


Ảnh minh họa.
Bình thường hốc mũi được lót bởi một lớp niêm mạc thuộc đường hô hấp. Trên bề mặt lớp biểu mô này được bao phủ lớp thảm nhầy có chức năng bảo vệ nhờ tác dụng giữ bụi bẩn, vi khuẩn rồi vận chuyển ra phía sau và xuống họng. Khi lớp biểu mô trong hốc mũi bị kích thích bởi thời tiết, hóa chất, viêm nhiễm, dị vật, các khối u lành hoặc ác tính… làm cho các tuyến chế tiết nằm trong lớp biểu mô tăng sản xuất dịch tiết nhiều hơn mức độ bình thường, từ đó gây ra hiện tượng chảy nước mũi.
Theo các bác sĩ chuyên khoa tai mũi họng, Bệnh viện Nhi đồng 2, sổ mũi làm cho trẻ khó chịu do làm giảm lượng không khí lưu thông trong mũi, bệnh nhân không tự tin khi giao tiếp vì cứ phải xì mũi hoặc khịt khạc thường xuyên. Hiện tượng chảy nước mũi có thể tự hết nhưng cũng có thể để lại những biến chứng do không điều trị kịp thời như viêm xoang, viêm tắc vòi tai, viêm họng, viêm thanh khí phế quản…
Xử trí tại nhà khi bị chảy nước mũi
Nếu nước mũi chảy ra trước có màu trắng trong, bạn chỉ cần nhỏ nước muối 0,9% ngày 4-5 lần, mỗi bên mũi 3-4 giọt. Khi nước mũi đã chuyển sang màu vàng xanh, lúc này bệnh nhân cần phải được thăm khám bởi thầy thuốc tai mũi họng để xác định chính xác mức độ, nguyên nhân gây bệnh giúp cho việc dùng thuốc an toàn và hợp lý.
Cách nhỏ mũi đúng cách cho trẻ:
– Để bé nằm ngữa, đầu ngữa nhẹ ra sau.
– Nhỏ nước muối sinh lý ấm vào mỗi mũi. Trẻ dưới 1 tuổi nhỏ 2 đến 3 giọt, trẻ lớn hơn nhỏ 4 đến 5 giọt.
– Để khoảng 30 giây đề nước thấm vào làm loãng đàm nhớt trong hốc mũi.
Làm sạch hốc mũi: nếu trẻ lớn biết xì mũi thì cho bé ngồi dậy và xì mũi ra một khăn sạch. Nếu trẻ nhỏ không xì mũi được thì dùng bóng hút hút đàm nhớt trong hốc mũi. Bóp xẹp bóng hút, đưa đầu hút vào trong cửa mũi, lấy tay bít mũi bên kia rồi đột ngột buông bóng phình ra, khi đó chất đàm nhớt trong hốc mũi sẽ được hút vào trong bóng hút.
Rửa bóng hút mũi: bóp mạnh bóng hút mũi để đàm nhớt trong bóng xì vào cái khăn hoặc miếng giấy. Sau khi hút hết cả hai hốc mũi bóng hút được làm sạch bằng cách hút xả nhiều lần dưới vòi nước.
Có thể thực hiện việc nhỏ mũi và hút mũi mỗi ngày 4 lần cho đến khi bé không còn dấu hiệu của nghẹt mũi. Cũng có thể thực hiện nhiều lần trong ngày khi bé có dấu hiệu nghẹt mũi và tình trạng tiết nước mũi nhiều.
Phòng tránh sổ mũi cho trẻ khi giao mùa
Do sức đề kháng của trẻ còn rất kém, khả năng thích nghi với môi trường không cao, nên khi mùa đông xuân khí hậu ẩm ướt, lạnh… trẻ rất dễ bị sổ mũi. Sổ mũi là một trong những hội chứng lớn của mũi. Chảy nước mũi có thể nhìn thấy ở ngay trước mũi hoặc chảy xuống họng làm cho trẻ ho.
Nếu không ngăn chặn sớm, bệnh sẽ tiến triển nặng dẫn tới viêm mũi – họng, viêm phế quản… Để điều trị hết sổ mũi cho trẻ cần phải xác định đúng nguyên nhân gây ra viêm và xử lý chính xác.
Các bác sĩ khuyến cáo, khi trẻ có dấu hiệu sổ mũi nên xịt nước muối sinh lí, sau đó dùng các dụng cụ hút nước mũi, rồi nhỏ mũi bằng các loại thuốc dành riêng cho trẻ em. Tránh dùng các thuốc có dầu và các loại thuốc làm co mạch máu. Nếu nước mũi của trẻ có màu vàng, chứng tỏ trẻ đã bị nhiễm khuẩn. Nếu kèm theo sốt, thì ngoài xịt mũi như trên cần cho trẻ dùng thuốc hạ sốt và thuốc kháng sinh theo liều lượng đã được bác sĩ chỉ định.
Việc làm sạch mũi trước khi nhỏ thuốc là cần thiết, tuy nhiên cần tránh thực hiện động tác này bằng cách dùng miệng của người lớn hút mũi cho trẻ. Vì bình thường ở họng miệng của người lớn chứa rất nhiều loại vi khuẩn và virus, nấm khác nhau nên khi hút mũi cho trẻ bằng phương pháp này người lớn vô tình truyền thêm cho trẻ vi khuẩn, những loại mà trẻ chưa hề tiếp xúc làm bệnh nặng thêm và khó điều trị.
 Trong thời tiết hiện nay, để tránh các bệnh đường mũi – họng cho trẻ, ngoài việc giữ ấm, nhất là vùng họng và chân tay, nên bổ sung thêm vitamin và sắt cho trẻ, không khí trong phòng trẻ phải khô, thoáng. Không cho trẻ tiếp xúc với khói bụi, phấn hoa hay khói thuốc lá. Vệ sinh thường xuyên vùng mũi cho trẻ. Khuyến khích trẻ vận động và tập thể dục thể thao để nâng cao sức đề kháng cho cơ thể.
Theo VnMedia

 

Bình luận (0)