Gặp gỡ, gần gũi với học sinh là niềm vui của người làm hiệu trưởng |
Trong cuộc sống ai cũng có những lúc vui, buồn. Người làm hiệu trưởng cũng không tránh khỏi những chuyện như thế. Ngoài những lo toan, trăn trở về trường lớp, giáo viên, học sinh… họ cũng có những niềm vui, những kỉ niệm giản dị thật khó quên.
Triệu… nỗi lo
Trả lời câu hỏi “Làm hiệu trưởng dễ hay khó?”, thầy Nguyễn Minh Sơn, Hiệu trưởng Trường THPT Tạ Quang Bửu nói nửa thật, nửa đùa: Làm hiệu trưởng là… hưởng triệu, triệu niềm vui – triệu nỗi buồn và cũng có triệu điều để lo lắng. Có lẽ, đó cũng là suy nghĩ chung của những ai làm công tác quản lý trường học. Hơn ai hết, họ ý thức được những vấn đề xảy ra hàng ngày trong trường mình, tự tìm cách xoay xở để mọi chuyện diễn ra đều êm đẹp. Và khi xử lý những tình huống đó, cái tâm của họ cũng được thể hiện trong cách nhìn nhận vấn đề. Là người đảm nhiệm nhiều vai trò khác nhau trong nhà trường nên mỗi hiệu trưởng cũng mang trong mình những niềm vui rất giản dị. “Làm hiệu trưởng đã 34 năm, điều tôi thấy vui nhất là mình có tới mấy ngàn học sinh. Chúng là những đứa con tinh thần, là động lực để chúng tôi phấn đấu. Mỗi năm một lứa học sinh vào trường, cũng là lúc lứa khác ra trường. Chỉ cần nghĩ vậy thôi tôi đã thấy mình giàu có lắm rồi”, thầy Hoàng Quốc Việt, Hiệu trưởng Trường THPT Phú Nhuận tâm sự. Niềm vui chung của họ là mỗi lần tới trường đều được nhìn thấy học sinh. Và hạnh phúc của người hiệu trưởng không gì hơn bằng những học sinh đã ra trường vẫn còn nhớ đến thầy cô, vẫn dành cho họ những lời chào, những suy nghĩ tốt đẹp về người đã dành cả cuộc đời cho sự nghiệp giáo dục, ươm mầm biết bao thế hệ học trò. Nhưng họ sẽ càng hạnh phúc hơn khi những đứa con của mình thành đạt, về trường báo lại những thành tích mà chúng đạt được. “Thành quả của nhà trường không phải là bằng khen này nọ, là những lời tán dương trên các phương tiện truyền thông mà chính là thành quả của học sinh sau khi ra trường. Chúng làm được những gì, làm như thế nào và bước đi kế tiếp sẽ ra sao… Đó mới là thành tích thực sự của một ngôi trường”. Những lời tâm huyết này được thầy Hiệu trưởng Nguyễn Bác Dụng, Trường THPT chuyên Trần Đại Nghĩa rút ra sau một thời gian dài làm hiệu trưởng.
Và ngàn niềm vui
Cũng bởi gắn bó, gần gũi với học sinh nên những người hiệu trưởng cũng có những kỉ niệm thật khó quên. Chính những kỉ niệm đó là phần thưởng quý giá nhất mà họ có được trong suốt những năm gắn bó với nhà trường. Một thầy hiệu trưởng đã kể lại niềm hạnh phúc bằng một kỉ niệm mà có lẽ suốt đời thầy sẽ không bao giờ quên. Đó là trường hợp một học sinh do chịu áp lực từ gia đình và một phần từ thầy cô đã có suy nghĩ và biểu hiện tiêu cực – cắt ven tay tự vẫn. Dù đã được thầy cô và bạn bè khuyên nhủ nhưng tất cả đều không khả thi. Thầy hiệu trưởng là người được mời đến sau cùng để thuyết phục em. Thầy đã dùng những lời lẽ chân tình khuyên nhủ nên đã ngăn chặn kịp thời hành động bồng bột của em. Sau đó, chính thầy đã trực tiếp gặp phụ huynh em này để phân tích và đưa ra cách giải quyết. “Chính trong giờ phút nguy cấp đó, tôi không nghĩ rằng tôi là người cuối cùng em học sinh đó tin tưởng. Sau này, em mới tâm sự với tôi rằng em tin tôi bởi chính tôi là người đã mở cổng trường cho em trong một kì thi mà em tới trễ – bởi theo quy định của trường thì học sinh đi trễ sẽ không được dự thi. Cũng từ sự việc đó, tôi ý thức hơn về mỗi hành động của mình, vì mỗi hành động của thầy cô giáo ít nhiều cũng có tác động tới học sinh của mình”. Một cô hiệu trưởng trường THPT khác bồi hồi kể lại: “Lần đó, tôi đi ăn tiệc cưới một người quen. Bất ngờ có một thanh niên chạy tới và hỏi thăm tôi rất nhiệt tình. Đang định thần suy nghĩ xem người đó là ai thì chàng trai đó đã giới thiệu rằng em là học sinh cũ ở trường THCS do tôi làm hiệu trưởng cách đây hơn 12 năm. Em là thủ phạm của những vụ ăn cắp vặt trong lớp. Sau khi bị phát giác, học sinh này bị rơi vào trạng thái trầm cảm nghiêm trọng. Chính tôi đã tới tận nhà động viên em, chở em đi học và giúp em vượt qua cú sốc tinh thần đó. Dù không nhớ lại nhiều nhưng câu nói của em trong bữa tiệc ngày hôm đó đã khiến tôi thực sự cảm động: “Không có cô, em sẽ chẳng thể nên người như ngày hôm nay””. Đối với những người hiệu trưởng, họ luôn coi nỗi buồn như những cơn gió thoảng qua, có chăng chỉ để phân tích rồi rút ra bài học kinh nghiệm cho mình. “Cái cần giữ lại là những niềm vui để lúc nhìn lại, thấy cuộc đời còn nhiều ý nghĩa”, thầy Phạm Thành Tâm, Hiệu trưởng Trường THPT tư thục Hồng Đức chia sẻ.
Bài, ảnh: Ngọc Anh
Bình luận (0)