(Nhìn lướt từ xuân trong Truyện Kiều)
Một đặc điểm nghệ thuật tả trong Truyện Kiều là cảnh bao giờ cũng gắn bó hữu cơ với tình. Tình này thì cảnh phải thế ấy, cảnh kia tất sinh ra tình nọ. Thật ra thơ ca hầu hết có đặc điểm này hoặc cũng có thi sĩ khi tả chỉ để là tả. Cảm nhận là quyền bạn đọc. Bức tranh quê của Anh Thơ thuộc loại dùng chữ vẽ tranh. Nguyễn Du viết Truyện Kiều là cảnh sinh tình, tình nhìn thấy cảnh.
Mùa xuân đẹp đẽ, đầy sức quyến rũ là chung cho mọi người. Nhưng không dưới 20 lần tả mùa xuân đích thực, Nguyễn Du dùng cho đời chỉ vài lần. Tả cảnh mọi người náo nức đón xuân: Gần xa nao nức yến anh, (từng đàn, từng đàn chim yến, chim anh bay về). Hay cảnh vui xuân: Dập dìu tài tử giai nhân/Ngựa xe như nước áo quần như nêm. Cảnh xuân ấy dưới mắt Thúy Kiều là trời đất bao la, khoáng đạt, màu sắc êm dịu trong sáng: Cỏ non xanh tận chân trời/Cành lê trắng điểm một vài bông hoa. Cũng là cảnh chung cho mọi người nhưng Nguyễn Du muốn cái đặc điểm của mùa xuân, màu sắc xuân trong cái nhìn của Thúy Kiều. Bởi buổi chiều mùa xuân ấy một chàng trai, hiện thân của đất trời hiện ra, đến với Thúy Kiều. Tuyết in sắc ngựa câu giòn/Cỏ pha màu áo nhuộm non da trời.
Cũng vậy, dưới con mắt của chàng Kim mùa xuân tụ lại nơi có hai chị em Thúy Kiều, nơi hai nàng e lệ nép vào dưới hoa. Chàng thấy trước mắt mình một vùng như thể cây quỳnh cây giao. Cái không gian thu nhỏ ấy bật nổi hai bông hoa: Xuân lan (hoa lan của mùa xuân), Thu cúc (hoa cúc mùa thu) mặn mà cả hai.
Chính vì góc nhìn gặp nhau nên Thúy Kiều và Kim Trọng dễ đến với nhau, yêu nhau và suốt đời không thể quên nhau.
Mới gặp một chốc ở mộ Đạm Tiên mà cả chàng và nàng đều lâm bệnh tương tư. Cái tài của cụ Nguyễn là tả hai nỗi tương tư với hai hình thái khác biệt. Chàng trai thì rầu rĩ, mơ màng, trách móc rồi bước chân đi tìm người đẹp. Nguyễn Du dùng phương thức tả trực diện, bộc tuệch toàn bộ nỗi tương tư ở chàng trai đa tình Kim Trọng. Còn Thúy Kiều, cô gái nết na đức hạnh, Nguyễn Du dùng cảnh xuân để nói lên sự xốn xang, xao động trong lòng Thúy Kiều: Gương nga vằng vặc đầy song/Vàng gieo ngấn nước cây lồng bóng sân/Hải đường lả ngọn đông lân/Giọt sương gieo nặng cành xuân la đà. Màu vàng đẹp đẽ, quý báu của trăng không phải gieo đầy mặt nước mà mặt nước ấy có chút xôn xao, thổn thức: Vàng gieo ngấn nước. Cái cây trước sân nhà không còn đứng lẻ loi, cô độc mà đẫm mình trong ánh trăng, ôm ấp ánh trăng. Cụ Tản Đà cho rằng giọt sương gieo nặng, chữ gieo chưa sướng, mà phải là trĩu nặng – Giọt sương không đủ sức làm cho cành cây mùa xuân ấy la đà. Giọt sương đang cố làm ra nặng. E ấp, kín đáo trong sự xốn xang sau cái phút ban đầu gặp gỡ chàng Kim, Nguyễn Du đã chuẩn bị cho Thúy Kiều đón nhận những lời tỏ tình châu ngọc của chàng trai. Lặng nghe lời nói như ru/Chiều xuân dễ khiến nét thu ngại ngùng. Kim Trọng nói những điều gì với Thúy Kiều, âm điệu du dương ngọt lịm thế nào mà Kiều cảm thấy lời nói ấy có sức cuốn hút tột cùng. Cái tình tứ ấy (cái chiều xuân ấy) khiến cho trên ánh mắt xinh đẹp của Thúy Kiều đã hiện lên sự cảm mến và khó lòng từ chối lời nói đẹp, tấm lòng đẹp (mới đây, trong một công bố khoa học (ngày 3-11-2009) các học giả đã thống kê: 60% phụ nữ trên toàn thế giới bị thu hút bởi giọng nói quyến rũ của người đàn ông. Âm điệu du dương có sức hấp dẫn nhất là người Ireland – thứ 2 là Ý – Scotland (3) – Pháp (4) – Úc (5)… Như vậy, đến bây giờ khoa học mới phát hiện và kết luận, còn cụ Nguyễn hơn 200 năm trước đã viết: Lặng nghe lời nói như ru! Các cụ xưa bảo: Nguyễn Du có con mắt trông thấy cả sáu cõi… chắc không phải là lộng ngôn).
Thế là họ yêu nhau: Thúy Kiều thì xăm xăm băng lối vườn khuya một mình, Kim Trọng như sống trong mơ: đỉnh Giáp non Thần. Họ chỉ có một con đường là gặp nhau, yêu nhau. Không biết văn học nước nhà có câu thơ nào tả một đôi trai gái ôm nhau hay và kín đáo như cụ Nguyễn: Chén hà sách giọng quỳnh tương/Giải là hương lộn bình gương bóng lồng. (Ngày xưa con trai, con gái mặc áo có một cái giải (giải áo) buộc bên ngoài và quanh người ở chỗ thắt lưng. Giải áo của Kim Trọng có mùi hương của Thúy Kiều và ngược lại. Như vậy họ ôm nhau phải lâu lắm, sát nhau lắm mới có tình trạng hương lộn. Và nếu nhìn vào gương thì thấy bóng lồng. Hai trong một, một trong hai! Nguyễn Du đã có cái nhìn rất hiện đại). Chất xuân tươi trẻ, êm dịu còn tỏa khắp mối tình của Kim và Kiều.
Thật thiếu sót nếu không nói chi tiết sau cùng của câu chuyện. Thúy Kiều xa Kim Trọng 15 năm, 15 mùa xuân đi qua, tuổi tác, sắc đẹp, sự non trẻ đã đổi thay nhiều lắm. Nhưng ở đời có chuyện khách quan lại liền đấy là chủ quan. 15 năm trôi qua là khách quan, còn mùa xuân, tuổi xuân của Thúy Kiều dưới mắt chàng Kim là chủ quan: Chừng xuân tơ liễu còn xanh… Kim Trọng thấy Thúy Kiều như ngày nào mới yêu nhau!
Mong rằng các bạn trẻ, các bạn đời ngày nay luôn thấy người yêu của mình luôn đẹp như ngày nào.
Lê Xuân Lít
Bình luận (0)