Y tế - Văn hóaVăn hóa nghệ thuật

Xuân và tuổi trẻ một ca khúc xuân trẻ trung, nồng thắm

Tạp Chí Giáo Dục

Trong hàng ngàn khúc ca xuân, bài “Xuân và tui tr” cho đến nay vn là mt trong nhng giai điu tr trung, tươi thm nht, va ro rc va nng nàn như tui tr phơi phi xuân thì. Xut x ca tác phm y và thân thế ca tác gi có l vn còn không ít ngưi trong qun chúng thưng thc âm nhc chưa biết rõ.


Chân dung nhc sĩ La Hi

Tác giả của ca khúc nổi tiếng “Xuân và tuổi trẻ” là nhạc sĩ La Hối, còn có tên là La Doãn Chánh, người Việt gốc Hoa, sinh năm 1920, ra đời và lớn lên ở thành phố Hội An, tỉnh Quảng Nam. Nơi đây không chỉ có phố cổ với những đình chùa, đền miếu, những ngôi nhà ở kiến trúc cổ xưa đa dạng nằm bên bờ sông Hoài và cửa Đại, mà còn là một trong những địa phương ở miền Trung có truyền thống âm nhạc lâu đời.

Trong thời gian hoạt động âm nhạc với giới trẻ Hội An, nhạc sĩ La Hối đã sáng tác nhiều ca khúc vui tươi, trong sáng như: Gió thiêng liêng, Thanh niên tiến hành khúc… và nổi tiếng nhất là bài “Xuân và tuổi trẻ”. Ông viết bài này vào khoảng năm 1944, lúc mới 24 tuổi. Đây là một bài theo nhịp valse (nhịp 3/4) được nhạc sĩ La Hối sáng tác với chủ định ban đầu là để cho dàn nhạc của Hội người yêu âm nhạc thành phố Hội An (Société philharmonique de Faifoo) biểu diễn, về sau do có nhiều người yêu thích nên tác phẩm được viết thêm ca từ để hát. Tư duy khí nhạc thể hiện khá rõ nét trong khúc thức của bản “Xuân và tuổi trẻ”. Mở đầu có đoạn dạo nhạc (introduction) với tiết tấu khá rộn ràng, sôi nổi để chuẩn bị bước vào bài. Trước khi chấm dứt bài lại có đoạn kết (coda) cũng rộn ràng, sôi nổi không kém. Ngoài hai đoạn mở đầu và kết thúc, phần chính của bài gồm ba đoạn ABA.

Đoạn A là mấy câu mở đầu ca khúc, giai điệu rộn ràng sôi động:

“Ngày thắm tươi bên đời xuân mới

Lòng đắm say bao nguồn vui sống

Xuân về với ngàn hoa tươi thắm

Ta muốn hái muôn ngàn đóa hồng…

… Ta muốn luôn luôn cười cùng hoa…”

Riêng đoạn B có 3 phân đoạn mang những âm hình tiết tấu khác nhau khá hay và đều dùng thủ pháp mô phỏng để phát triển giai điệu. Tất cả các đoạn và phân đoạn đều được nhắc lại hai lần. Ta thử nghe phân đoạn 1 trong đoạn B:

“… Xuân thắm tươi, én tung bay cao tít trời

Vui sướng đi, cất tiếng ca mừng reo

Đừng để lòng thổn thức tình mê đắm

Ta trẻ vui, ta trẻ vui đời xuân thắm tươi…”

Tiếp đến là phân đoạn 2 với giai điệu rộn ràng, sôi động hẳn lên như từng đợt sóng dâng trào nối tiếp, âm hình giai điệu gồm các nốt đen và nốt trắng:

“… Vui sướng đi cho đời tươi sáng

Vui sướng đi cho lòng thêm tươi

Ta hát ca đón mừng xuân mới

Ta hát ca cho lòng thêm hăng hái…”

Sang phân đoạn 3, giai điệu trở lại nhẹ nhàng, đằm thắm nhưng vẫn không kém phần vui tươi, trẻ trung:

“… Hát vang lên đời ta thắm tươi

Tiết xuân huy hoàng muôn sắc hoa

Tiết xuân êm đềm muôn tiếng ca

Hát vang hòa lòng thêm hăng hái…

… Xuân tưng bừng…”

Sau 3 phân đoạn trong đoạn B, ca khúc tái hiện trở lại đoạn A như khi mở đầu với giai điệu vừa nồng thắm vừa rạo rực như cảm xúc của muôn người khi mùa xuân đang về:

“… Ngày thắm tươi bên đời xuân mới

Lòng đắm say bao nguồn vui sống

Xuân về với ngàn hoa tươi thắm

Ta muốn hái muôn ngàn đóa hồng…

… Ta muốn luôn luôn cười cùng hoa”               

Và để kết bài hát “Xuân và tuổi trẻ” là đoạn nhạc không lời “coda”.

Với giai điệu vui tươi, trong sáng, tiết tấu trẻ trung, sôi động, “Xuân và tuổi trẻ” nhanh chóng được quần chúng rộng rãi yêu thích, nhất là giới trẻ đặc biệt hâm mộ. Nhà thơ Thế Lữ trong một dịp đi từ Bắc vào Nam, khoảng cuối 1945 đầu 1946, cùng đoàn kịch Anh Vũ (có các nhạc sĩ Nguyễn Xuân Khoát, Văn Chung, Bùi Công Kỳ… tham gia), khi đến Hội An nghe bài “Xuân và tuổi trẻ”, ông rất tâm đắc và yêu thích. Thấy bài hát mới chỉ có lời ca bằng tiếng Hoa của Diệp Truyền Hoa, Thế Lữ liền viết thêm lời Việt như ta đã thấy trên đây. Sau đó ông đề nghị biên đạo của đoàn dàn dựng bài “Xuân và tuổi trẻ” thành điệu múa với sự tham gia của nam nữ thanh thiếu niên Việt – Hoa và đưa vào chương trình biểu diễn tại địa phương.

Bà con ở Quảng Nam – Đà Nẵng kể lại rằng: Trong những năm tháng trước cuộc Tổng khởi nghĩa tháng Tám năm 1945, cao trào cách mạng cả nước dâng cao cuốn hút hàng chục vạn thanh niên trong tỉnh, trong đó có chàng trai La Hối. Ông tham gia vào một tổ chức kháng Nhật của bà con người Việt gốc Hoa ở Hội An. Ngày 9-3-1945, phát xít Nhật làm đảo chính ở Đông Dương, ông và một số đồng chí trong tổ chức này bị quân Nhật lùng bắt và sát hại ở chân núi Phước Tường, phía Tây thành phố Đà Nẵng. La Hối hy sinh ở tuổi 25 đang tràn đầy nhựa sống. Ông ra đi mang theo nhiều ước mơ và hoài bão to lớn về cuộc sống và nghệ thuật. Bà con Việt và Hoa ở địa phương và nhất là giới trẻ vô cùng thương tiếc ông, đã lập bia kỷ niệm ông cùng 11 thành viên khác trong tổ chức kháng Nhật đã hy sinh.

La Hối đã nằm xuống, nhưng con cháu của nhạc sĩ vẫn tiếp tục sự nghiệp âm nhạc của người đi trước. Đi qua căn nhà La Hối ở lúc sinh thời trên phố cổ Hội An, bà con địa phương vẫn nghe vang lên tiếng đàn, tiếng hát của con cháu dòng họ La, tất cả như đang nhịp nhàng tiếp bước theo chân nhạc sĩ La Hối, người đã đem tuổi trẻ của mình hiến dâng cho mùa xuân quê hương.

Hơn nửa thế kỷ qua, mỗi khi xuân về không chỉ riêng trên miền đất Hội An mà còn khắp nẻo đường đất nước, giai điệu “Xuân và tuổi trẻ” của nhạc sĩ La Hối vẫn vang lên tươi vui, trẻ trung như âm thanh mùa xuân bất tận của đất trời.

Nhạc sĩ Trương Quang Lc

Bình luận (0)