Sự kiện giáo dụcVấn đề - Sự kiện

Xuân về, Tết đến và niềm vui đổi mới giáo dục

Tạp Chí Giáo Dục

Mỗi khi khí trời se lạnh, ánh nắng rực rỡ xuyên qua lớp mù sương buổi sáng, những luống hoa được người làm vườn chăm bón rộn ràng hơn là những báo hiệu mùa xuân, lòng người bắt đầu rạo rực nghĩ về ngày Tết với những cảm xúc đặc biệt xen lẫn những ước mơ và bao kỷ niệm.
1. Người lớn thường nhớ như in những cảm xúc của cái Tết ngày xưa, của một thời khó khăn, vất vả. Tết là được ăn ngon, mặc đẹp và có thời gian vui chơi thỏa thích, gặp gỡ bạn bè, thắt chặt thêm thâm tình gia tộc, làng xóm, cơ quan…
Các em thiếu nhi thì nghĩ về những bao lì xì với những tình cảm dạt dào sâu đậm của người thân gửi gắm những ước mơ, những mong đợi về một tương lai tốt đẹp, một năm mới thành công, an lành.
Tết được tính bằng thời gian, từng ngày, nhưng đối với dân tộc thì Tết như lời hiệu triệu của trời đất, không ai hẹn ai mà người người, nhà nhà đều tất bật chuẩn bị đón xuân. Tất bật một cách tự nguyện và chân thành với niềm vui và ước vọng, ai cũng sẽ thấy buồn tủi khi chẳng may Tết không đến nhà mình! Không có hoa, không có bánh tét hay bánh chưng là sự thiếu thốn lớn lao trong ngày Tết!
Sự thiêng liêng của ngày Tết ấy đã tồn tại và phát triển lâu đời trong lòng dân tộc tuy xã hội ngày nay có nhiều thay đổi, đời sống của từng gia đình đã có những biến đổi khác hơn, sự ăn ngon, mặc đẹp không còn là đặc trưng chung của ngày Tết mà đòi hỏi nhiều về đời sống tinh thần, nên Tết không chỉ là ăn, là mặc mà lễ hội và các chương trình văn hóa, văn nghệ được tổ chức phong phú hơn, những khu vui chơi giải trí được mở ra nhiều hơn và đặc biệt là hoạt động du lịch được nâng cấp, phát triển rộng khắp cả trong và ngoài nước.
Những đổi thay tích cực của ngày Tết mà chúng ta cảm nhận được là sự tiến hóa theo quy luật, là sức sống của con người để tồn tại với vạn vật cùng thời gian như cây mọc chồi mỗi lần xuân đến.
2. Sự nghiệp giáo dục, một hoạt động mang đậm tính nhân văn cũng đang có nhu cầu đổi mới theo đặc điểm của xã hội và sự phát triển nhân cách của con người, khi mà cơ chế xã hội thay đổi, khoa học kỹ thuật phát triển, tâm sinh lý của học sinh không hoàn toàn như trước.
Vui Tết, chúng ta thường ước vọng về một năm mới, về một tương lai xán lạn. Ở đó, chúng ta dễ bắt gặp những ý nghĩ về một nền giáo dục tốt đẹp cho đất nước mà trước hết là tư duy giáo dục, lĩnh vực mà một năm qua công luận đã dành nhiều thời gian, công sức và giấy mực. Đổi mới giáo dục chắc sẽ là đề tài hấp dẫn cho những câu chuyện đầu xuân và hứa hẹn trong năm mới Giáp Ngọ.
Nói đến đổi mới giáo dục là nói đến đổi mới mục tiêu giáo dục từ con người khoa bảng sang con người năng lực, đổi mới nội dung từ phân hóa sang tích hợp, đổi mới phương pháp từ áp đặt một chiều sang tương tác đa chiều, đổi mới đánh giá từ được đánh giá sang tự đánh giá theo quan điểm học để biết, học để làm, học để chung sống và học để tự hoàn thiện mình.
Đón xuân năm nay, ngành GD-ĐT cả nước còn nhận được lời hiệu triệu của Đảng về công cuộc đổi mới căn bản và toàn diện để nơi nơi, người người góp phần tô đậm sắc xuân trong từng hoạt động giáo dục hàng ngày. Sắc xuân ấy là sự tôn trọng con người, phát huy từng năng lực có được của con người cho cuộc sống, cho sự tiến bộ của cộng đồng và của mỗi bản thân.
Với cán bộ quản lý, giáo viên và những thành viên của ngành GD-ĐT TP.HCM lời hiệu triệu nói trên còn đem lại niềm vui gấp bội lần, khẳng định con đường đổi mới căn bản, toàn diện mà mình đã đi qua. Chúng ta không những không còn đơn độc, khó khăn như trước mà còn có những thành tựu để phát huy, để làm bệ phóng tiếp tục vai trò tiên phong trong công cuộc đổi mới, chấn hưng giáo dục của nước nhà.
Tết đến, vui xuân, chúng ta chúc nhau một năm Giáp Ngọ sức khỏe, hạnh phúc và đổi mới giáo dục thành công!
(Tháng 12-2013)
TS. Huỳnh Công Minh
(Nguyên Giám đốc Sở GD-ĐT TP.HCM)

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)