Sự kiện giáo dụcPhóng sự - Ký sự

Xuân về trên vùng “đất chết”

Tạp Chí Giáo Dục

Đường Hồ Chí Minh huyền thoại – con đường no ấm của đồng bào Vân Kiều, Pa Cô trên đỉnh Trường Sơn
Lìa – vùng đất thuộc 7 xã của huyện Hướng Hóa dọc biên giới Việt – Lào, gắn liền với bao chiến tích anh hùng. Sau ngày giải phóng, người dân ở đây bắt tay xây dựng lại quê hương từ những lớp hố bom còn phảng phất mùi khói đạn, thậm chí trơ trên mặt đất là vô vàn vật liệu chưa nổ, những cánh rừng trụi lá do chất độc hóa học… Thế nhưng, nhờ có tay người vun vén mà sau hơn 30 năm, vùng đất này đã hoàn toàn đổi khác!
Tạm lánh cái không khí ồn ào, náo nhiệt của phố thị Đông Hà, chúng tôi vượt 120km, ngược Đường 9 – Khe Sanh đến Lìa – vùng đất chạy dọc biên giới Việt – Lào. Đường vào Lìa đầu xuân đẹp như đi trong mộng. Màu xanh non của sắn, chuối, ngô, sắc tím của hoa cà phê ôm lấy những nếp nhà sàn cheo leo bên vách núi.
Đổi đời từ cây bản địa
Kể từ khi đường Hồ Chí Minh huyền thoại thông tuyến Bắc – Nam, nhất là ba năm trở lại đây, 70% hộ đồng bào dân tộc Vân Kiều, Pa Cô ở vùng núi cao này đều đã sắm được xe máy, nhà ít một chiếc, nhà nhiều 4, 5 chiếc. 100% con em đến trường. Đó là kết quả hoán đổi từ các nương sắn, rẫy chuối phủ kín sườn đồi dọc biên giới… 

Đồng bào Vân Kiều đã biết áp dụng phương thức sản xuất mới
Còn nhớ 10 năm về trước, rất nhiều loại cây đã được đưa về trồng thí điểm trên vùng đất này. Cuối cùng, hai loại cây có duyên “bén rễ” với nơi đây vẫn là sắn mì và chuối! Từ đó, cuộc sống của hàng ngàn đồng bào thiểu số ở Lìa thay đổi hẳn; tỷ lệ hộ giàu chiếm 15-20%, tỷ lệ hộ đói nghèo 50% (năm 2000) xuống còn 12% (năm 2009).
Anh Hồ Hanh, Trưởng thôn 7, xã Thuận phấn khởi: “Bản có hơn 55 hộ nhưng chỉ còn 8 hộ nghèo, 95% hộ gia đình có 1 đến 5ha sắn, nhà nào cũng trồng chuối, nuôi dê, nuôi bò… Nhờ nguồn thu này mà ai cũng làm được nhà mới, sắm xe máy, ti vi. Cũng là cây sắn nhưng trước đây thương lái dăm bữa, nửa tháng mới ghé vào mua một lần, lúc cao nhất giá cũng chỉ 1.000 đồng/kg sắn lát khô. Nhiều năm không ai thèm mua, sắn rục trên rẫy. Từ khi có nhà máy tinh bột sắn thu mua ổn định, củ sắn đã trở thành hàng hóa có giá trị. Bây giờ thì người người trồng sắn, nhà nhà trồng sắn”.
Ông Phan Xuân San, Phó chủ tịch UBND xã Thuận cho biết: “Xã có 473 hộ nhưng có gần 1.000 ha sắn. Hiện nhiều gia đình đang có kế hoạch mở rộng thêm diện tích trồng trọt để nâng cao thu nhập. Hiện xã đang lập kế hoạch tập trung đầu tư thâm canh để tăng năng suất và sản lượng. Bây giờ người Vân Kiều ở xã Thuận đã biết cách trồng sắn và thực sự “bị” cây sắn hấp dẫn vì ai cũng thấy rằng, việc phát triển diện tích trồng sắn có thể giúp người dân làm giàu. Điều thú vị là không ít hộ đã chủ động mua máy ủi, máy cày để khai hoang đất sản xuất. Nhiều hộ dân đã từ bỏ quan niệm lạc hậu rằng phân bón làm ô uế dòng sông thiêng, mua phân bón vi sinh về bón cho sắn”.
Chia tay “thủ phủ sắn” xã Thuận, chúng tôi tiếp tục hành trình đến A Dơi. Cựu chiến binh Hồ Mơ – người lính một thời xông pha trận mạc nay là gương điển hình sản xuất giỏi bộc bạch: “Xưa nay, đồng bào miền núi thường có thói quen có gì ăn chung, dùng chung nên nhiều người nghĩ giàu có phải san sẻ cho người khác, chi bằng làm đủ ăn. Khi tôi có ý định phát triển kinh tế trang trại, ai cũng bảo tôi là thằng khùng”. Bỏ ngoài tai những lời nói của dư luận, Hồ Mơ đầu tư phát triển kinh tế và thay vì chia của cho người khác, ông nhận trẻ mồ côi trong bản về nuôi. Ông nói, nếu ai cũng chịu khó làm ăn thì cả bản sẽ giàu lên, chẳng ai phải xin ai, lại có điều kiện cưu mang những người khốn khó. Từ đó, bà con nghe theo.
Ước tính giá trị hàng hóa từ cây sắn đã mang về cho vùng Lìa mỗi năm gần 100 tỷ đồng. Người dân vùng Lìa đã giàu lên nhờ loại cao sản này. Điều đặc biệt, đây là loại cây trồng phù hợp với thói quen canh tác còn nhiều hạn chế của bà con dân tộc ít người, nên đó là sự lựa chọn cho giải pháp xóa đói giảm nghèo nhanh chóng. Bên cạnh việc trồng sắn, ở Lìa còn có hơn 230 hộ đồng bào dân tộc thiểu số phát triển thêm 400 ha cây cao su.
Cà phê – “đũa thần” của đồng bào vùng cao

Sắc xuân ở bản làng vùng Lìa
Hơn 10 năm trước, khi nói đến vùng Lìa ai cũng nghĩ đến một vùng đất biên ải heo hút, sơn cùng thủy tận. Thế nhưng giờ đây, cây cà phê phủ kín những triền đồi, nương rẫy xã Pa Tầng. Đời sống kinh tế của người dân Pa Tầng đã khởi sắc nhờ cà phê catirmo. Không những thế, đất ở xã Pa Tầng cũng bắt đầu lên giá, nhiều “đại gia” đã lặn lội vào đây mua đất, lập trang trại trồng cà phê vì họ nhìn thấy tương lai của vùng đất này.
Nằm trên hướng tây đường Hồ Chí Minh huyền thoại, trước đây, Pa Tầng là xã có trên 70% hộ gia đình thuộc diện đói nghèo. Từ khi Công ty Đầu tư dịch vụ cà phê đường 9 đưa cây cà phê vào đây, người dân Pa Tầng đã bắt đất làm ra của cải. Toàn xã có 300 ha cà phê cho thu hoạch mỗi năm gần 7.000 tấn quả, đã có 80% hộ có thu nhập từ cà phê mỗi năm gần 50 triệu đồng. Xuân Tân Mão thật sự là mốc thời gian đáng nhớ đối với bà con Vân Kiều, Pa Cô nơi miền biên ải này. Nhìn những vườn cà phê xanh tốt đang trĩu quả không ai nghĩ rằng trước đây người dân Pa Tầng mỗi năm thiếu ăn đến 9 tháng. “Chỉ có cây cà phê mới làm được điều thần kỳ khi chỉ trong vòng 5 năm đã xóa được gần 50% hộ đói nghèo ở Pa Tầng”, già Vỗ Thiệu, một người dân ở Pa Tầng tự hào khoe.
Mùa xuân đã về trên khắp núi rừng miền Tây Quảng Trị. Trong nhịp đi hối hả của thời gian, trong sắc vàng của nắng, bản làng đồng bào Vân Kiều, Pa Cô như đang bừng lên một sức sống mới. Chứng kiến những đổi thay nơi đây mới thấm thía hết ý nghĩa trong lời tâm sự của già Hồ Mơ: “Đất vùng Lìa trồng cây gì cũng tốt. Vùng đất này làm giàu không khó, cái khó nhất là nhận thức của bà con về vấn đề đổi mới cách thức làm ăn”.
Bài, ảnh: Phan Vĩnh Yên

Bình luận (0)