Ngọn núi Ka Lóc dọc dãy Trường Sơn bao đời chắn nắng, che mưa cho người dân xã Hướng Việt (huyện miền núi Hướng Hóa, Quảng Trị) bỗng phát ra những tiếng nổ như sấm rền, kéo theo hàng triệu tấn đất đá, cây cối đổ ập xuống trung tâm xã, biến trường học, nhà dân, nương rẫy… trở thành một bãi bùn dày cả mét. Sau 3 tháng nhọc nhằn với công cuộc tái thiết, một nhịp sống mới lại bắt đầu, nụ cười trẻ thơ đã trở lại trên sân trường trước thềm xuân năm mới!
Sân trường TH&THCS Hướng Việt – nơi từng xảy ra thảm họa sạt núi vùi lấp bản làng vài tháng trước
Ám ảnh kinh hoàng
Ngọn núi Ka Lóc sau trận lũ quét kinh hoàng diễn ra đêm 17, rạng sáng 18-10-2020 vẫn nguyên màu đất đỏ ối như một vết thương lớn. Các bản làng trung tâm xã Hướng Việt vẫn nhuốm một màu bùn. Nhắc đến vụ sạt núi vài tháng trước, những người từng đối diện tử thần trong đêm chạy lũ vẫn chưa hết thất thần. Trong câu chuyện, nhiều lần thầy Trần Công Thành – giáo viên Trường TH&THCS Hướng Việt ngước nhìn lên phía vách núi nham nhở. Mười năm cắm bản, lần đầu tiên thầy Thành chứng kiến cảnh mưa lũ quét đến kinh hoàng đó.
Sống cuộc đời ngót 60 năm bên chân núi Ka Lóc, ông Hồ Văn Phức nói, đây là lần đầu tiên cảm thấy núi không còn là điểm tựa an toàn của bản làng. “Mưa lớn nên chiều ngày 17-10-2020, nghe tin một nhóm người dân đi tuốt lúa gặp nạn trên rẫy nên con trai tui cùng các anh công an và chính quyền xã đi cứu nạn. Trời tối, chờ mãi mà con và mọi người chưa về nên mình cứ thao thức. Nửa đêm nghe con gọi “chạy đi bố ơi, sạt núi rồi” thì cả nhà bật dậy gọi bà con cùng chạy. Nhằm chỗ cao mà chạy thục mạng, không kịp mang theo gì ngoài bộ áo quần trên người. Nửa tiếng sau thì đất đá ào ào đổ xuống bản làng. Sớm mai khi mặt trời lên, nhìn về bản chỉ thấy bùn và cây cối gãy đổ ngổn ngang. Căn nhà sàn, chuồng bò và hàng trăm gốc mít lâu năm không còn dấu tích, ba con bò cũng chết. Công sức làm lụng bao năm trở về con số không. Cả xóm có 3 ngôi nhà khác cũng cảnh tương tự, nhiều nhà chỉ còn cái xác, tài sản chìm trong bùn hư hỏng hết”, ông Phức chưa hết bàng hoàng.
Nụ cười đã trở lại trên môi của các em học sinh Trường TH&THCS Hướng Việt
Sau đêm kinh hoàng đó, bà con bản Chai ở trung tâm xã – nơi xảy ra sạt lở chạy đến bản Ka Tiêng cách đó hơn cây số để sống nhờ. Thầy Thành và 3 đồng nghiệp cũng chạy. “Một nhà dân tốt bụng cho chúng tôi ở nhờ. Tôi tìm đến một quầy tạp hóa mua được vài gói mì tôm và ít gạo, bà con dân bản mang đến cho thêm gạo nếp. Thế là suốt 5 ngày dài tự xoay xở để tồn tại. Không có sóng điện thoại, không điện thắp sáng, mọi liên lạc đều bị cắt đứt. Đến ngày thứ 5 thì trực thăng quân đội tiếp tế thả lương thực xuống”, thầy Thành kể.
Gượng dậy sau lũ
Tròn một tuần sau vụ sạt lở, đường giao thông chia cắt, thầy Nguyễn Văn Tý – Hiệu trưởng Trường TH&THCS Hướng Việt mới tiếp cận được trường của mình. Quãng đường từ nhà thầy Tý ở xã Hướng Phùng đến Hướng Việt chỉ cách nhau 25 cây số. Nhưng sau lũ, thầy phải đi xa gấp 10 lần như vậy. “Đường Hướng Phùng qua Hướng Việt bị sạt hàng chục điểm nên phải về Đông Hà, ngược ra tỉnh Quảng Bình rồi từ đó theo đường Hồ Chí Minh trở vào Hướng Việt. Hơn 200 cây số chạy xe máy, đi bộ thêm 15 cây nữa mới tới trường”. Bất lực là từ thầy Tý dùng để diễn tả tâm trạng của một vị chủ trường trước sức tàn phá của lũ quét, sạt núi. Ngôi trường rợp bóng cây xanh, hoa lá, sân bóng và dãy tường rào vững chãi bên chân núi Ka Lóc sau lũ đã biến mất, chỉ còn những dãy phòng bị bùn ngập ngang cửa sổ, cây cối ngổn ngang.
Ít hôm sau bà con lần lượt kéo về làng, bắt tay vào công cuộc tái thiết. Nhà trường cũng không ngoại lệ. Cùng với sự giúp sức của lực lượng Đoàn Thanh niên Công an tỉnh, Tỉnh đoàn, bộ đội, biên phòng… cộng thêm các phương tiện cơ giới hỗ trợ, ngót hơn tuần lễ, cây cối được cưa xẻ chở đi, bùn được đẩy ra xa. Không thể trả lại hiện trạng ban đầu nhưng hình hài của nhà cửa, trường lớp qua sức lao động của con người đã dần lộ ra dưới lớp bùn dày. Định thần lại sau lũ quét, ông Phức dựng tạm túp lều nhỏ bên đường dẫn vào trung tâm xã. Gọi là nhà nhưng chỉ rộng tầm 5 mét vuông đủ che nắng. Cái bắt đầu của ông Phức có lẽ là ở đàn lợn 7 con tầm hai tháng tuổi may mắn sót lại sau lũ quét. “Giờ mình chăm sóc, chọn con giống từ đây để chăn nuôi”, ông Phức nói.
Đàn lợn con sót lại sau lũ quét là niềm hy vọng của ông Phức để bắt đầu lại cuộc sống mới
Cái nắng khiến bùn trên sân trường TH&THCS Hướng Việt tung bụi mù, gương mặt thầy Nguyễn Văn Tý đã tươi hơn vài tháng trước. “Lũ qua, nhà trường cắt cử giáo viên đến tận từng nhà để vận động học sinh trở lại, rồi tiếp đó là tăng tốc dạy học để bắt kịp chương trình. Hậu quả của sạt núi không thể giải quyết trong vài tháng, còn đó nhiều khó khăn khác nữa nhưng về cơ bản nụ cười đã trở lại trên sân trường rồi”, thầy Tý nói. Ngừng giây lát, thầy lại tiếp: “Nếu có băn khoăn thì điều trước tiên đó là mong mỏi có một khu nhà tập thể mới vững chãi hơn cho các giáo viên nội trú. Bởi nhà tập thể cũ đã quá xuống cấp, lại xoay lưng vào vách núi lở, nói gỡ chớ không ai dám chắc được điều gì”, thầy Tý trải lòng.
Mùa xuân đã về, các bản làng ở Hướng Việt vẫn còn phủ một màu bùn nhưng lòng người đã phấn khởi trở lại với nhịp sống thường nhật. Tiếng đọc bài vang vang trong hương rừng buổi sớm như thấy yêu hơn những nỗ lực của người dân, thầy cô giáo hàng chục năm bám bản nơi miền biên cương của Tổ quốc. Vất vả, gian lao nung rèn ý chí con người. Qua mùa đông giá rét là một mùa xuân ấm!
Phan Vĩnh Yên
Bình luận (0)