Mùa xuân, những bản làng trên đỉnh Trường Sơn thuộc huyện Tây Giang (Quảng Nam) sáng bừng một sức sống mới. Những khu rừng nguyên sinh trở mình với muôn ngàn chồi lộc xanh mướt sau một mùa đông dài. Nơi đó, trong những bản làng, trong những nếp nhà sàn, đồng bào Cơ Tu giữ nếp sống thuần hậu với thiên nhiên và đón chào năm mới trong niềm hân hoan, yên bình.
Người Cơ Tu ở Tây Giang bảo vệ rừng
Yên bình những bản làng tái định cư
Chúng tôi quyết định thực hiện một chuyến du xuân ngược núi đến những bản làng tái định cư để trải nghiệm không khí đầu năm của đồng bào ở huyện miền núi Tây Giang. Vượt qua những cung đèo quanh co, uốn lượn, đón chúng tôi ở khu tái định cư Achoong, xã Ch’Ơm là những nụ cười trong trẻo của đám trẻ đang chơi trò đuổi bắt bên đường. Achoong nằm ở độ cao 1.000 mét so với mực nước biển, lọt giữa trập trùng mây trắng và những ngọn núi xanh mướt tầm mắt. Trưởng thôn Alăng Lơ tiếp chúng tôi trong nhà gươl với đủ trà bánh đãi khách ngày Tết. “Trước đây, đồng bào có thói quen dựng nhà, sống biệt lập giữa rừng, dọc bên triền đồi, nơi có những con suối chảy qua. Cuộc sống bình thường nhưng vào mùa mưa lũ, nhất là nhiều năm gần đây, nguy cơ sạt lở luôn là nỗi âu lo. Nhiều đêm nghe tiếng mưa, cả nhà không ai dám ngủ”, Alăng Lơ nhớ lại.
Chục năm trước, khi chính quyền bắt đầu cuộc vận động bà con bỏ tập quán du canh, du cư về nơi ở ổn định để hạn chế thiệt hại do thiên tai gây ra, Alăng Lơ nhiều đêm không ngủ. Là người trẻ, anh nghĩ cần có trách nhiệm đi đầu để bà con tin. Rồi tiếp đó, những cuộc vận động kiên trì diễn ra, nhiều bà con bắt đầu thấy cái lý của chính quyền đúng, họ gật đầu đồng ý phá bỏ hoa màu, cây cối để hiến cả hécta đất cho xã lấy mặt bằng xây dựng thôn Achoong. Câu chuyện trầm bổng của vị trưởng thôn trẻ càng lúc có nhiều người ghé lại góp vui. Bà Tơ Ngôl Chín cười lộ hàm răng đen, bảo: “Thấy cán bộ xã phân tích, lợi ích thuộc về con cháu sau này nên tôi hiến 20.000m2 đất để làm mặt bằng. Nhiều bà con không có đất dựng nhà đã có mái nhà ở từ mảnh đất của mình hiến tặng, cái bụng rất vui”.
Phụ nữ Tây Giang tìm hiểu thông tin về phòng chống rác thải nhựa
Nhắc đến chuyện nhiều hộ dân một thời không tấc đất cắm dùi nay đã có nhà mới, Alăng Lơ nhìn ra cửa sổ, chỉ tay về phía ngôi nhà khang trang trong bản, nói: “Nhà của Tơ Ngôl Nhang đấy. Nhang năm nay 33 tuổi, cưới vợ sớm nhưng không có đất để dựng nhà riêng, phải sống chung với bố mẹ cùng đàn em trong căn nhà nhỏ chỉ vài chục mét vuông bên sườn núi. Nhiều lần mưa lớn, đất lở vào sát vách, cả nhà cõng nhau chạy lánh nạn. Nhang nằm trong danh sách các hộ dân được tái định cư ở Achoong. Bây giờ có nhà cửa đàng hoàng để ở, vợ chồng chí thú làm ăn”.
Khu tái định cư Achoong, xã Ch’Ơm
Achoong được thành lập, có 32 hộ dân, 132 nhân khẩu, 100% là đồng bào Cơ Tu. Alăng Lơ kể, làng dựng lên, bằng đôi bàn tay của bà con, những rẫy sắn, nương ngô ngày trước được quy hoạch thành vườn cây cao su. Nhiều thửa đất hoang hóa gần nguồn nước được cải tạo thành ruộng lúa. Rồi đường bê tông vào tận bản làng, hệ thống điện lưới được dẫn vào, có thêm nước tự chảy, trường, trạm… Một nhịp sống rộn rã của cộng đồng quần cư trong làng được hình thành.
Dọc biên giới Tây Giang, còn có nhiều bản làng khác được chính quyền sắp xếp, bố trí nơi ở an toàn, ổn định, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế và tạo điều kiện hơn cho con trẻ đến trường. Đơn cử như làng Aur (xã A Vương), Rabhươp (xã A Tiêng), Ga’nil (A xan)…
Ứng xử văn minh với rừng
Mỗi ngày, ông Alăng Sen, Trưởng thôn Ta Lang, xã Bha Lêê đều dành thời gian ghé qua từng nhà dân để chia sẻ về việc giữ gìn môi trường, giữ rừng. “Tôi rất vui khi bà con đã nêu cao ý thức bảo vệ môi trường, bảo vệ rừng. Sống ở rừng phải biết dựa vào rừng và yêu rừng như chính người thân mình thì cuộc sống cộng đồng mới bền vững”, Alăng Sen nói. |
Sống ở rừng, đồng bào ở các bản làng vùng cao biên giới Tây Giang coi rừng như sinh mệnh của mình. Còn rừng thì còn bản làng. Dưới tán rừng, người dân gắn với bảo vệ rừng là khai thác các lâm đặc sản quý hiếm để phát triển kinh tế. Nhưng tuyệt nhiên không gây ảnh hưởng đến sự sống của cây rừng. Thống kê cho thấy, hiện Tây Giang có độ che phủ rừng chiếm 73%, trong đó quần thể pơ mu cổ ở núi Zi’liêng rất lớn, nhiều cây có độ tuổi từ khoảng 300 năm đến 1.000 năm tuổi, được công nhận là cây di sản Việt Nam. Vào mỗi dịp đầu năm mới, đồng bào Cơ Tu ở Tây Giang lại hân hoan tổ chức lễ tạ ơn rừng với nhiều nghi thức thiêng liêng để tạ ơn mẹ thiên nhiên đã che chở, nuôi nấng, ban phát cho họ sự sống.
Đồng bào ở Tây Giang vài năm nay không còn xa lạ với cụm từ chống rác thải nhựa. Thậm chí, phong trào “người Cơ Tu dùng đồ truyền thống – nói không với rác thải nhựa” được phát động mạnh mẽ đến từng thôn bản, gia đình. 10 xã trên địa bàn huyện đã được Hội Liên hiệp Phụ nữ huyện Tây Giang phát động phong trào “Chống rác thải nhựa”. Hưởng ứng phong trào này, các cơ sở hội ở từng xã, thôn cũng chủ động xây dựng, đăng ký thực hiện mô hình bảo vệ môi trường và nhân rộng trên địa bàn. Khuyến khích hội viên là chủ cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm, nhà hàng, tiểu thương buôn bán tại các chợ sử dụng sản phẩm thân thiện môi trường thay thế túi nilon.
Thiên Phúc
Bình luận (0)