Xuất bản sách góp phần như thế nào vào việc xây dựng đô thị thông minh? Vì sao sách viết về đô thị thông minh còn ít? Những khó khăn trong việc xuất bản sách về đô thị thông minh… là những vấn đề được các diễn giả đặt ra trong tọa đàm Sách về đô thị thông minh với chiến lược phát triển đô thị thông minh của TP.HCM hôm 13.10.
Ông Nguyễn Tuấn Quỳnh, Chủ tịch HĐQT Saigon Books (thứ 2, từ phải sang), đề xuất việc vinh danh những cuốn sách hay về đô thị thông minh tại tọa đàm. Ảnh: T.A
Tọa đàm là hoạt động trong Tuần lễ Doanh nhân và sách năm 2020 do Báo Doanh nhân Sài Gòn phối hợp với Hội Xuất bản Việt Nam – văn phòng phía nam và Công ty TNHH Đường sách TP.HCM tổ chức, thu hút sự quan tâm của các đơn vị xuất bản, công ty phát hành sách. Theo ông Nguyễn Tuấn Quỳnh, Chủ tịch HĐQT Saigon Books, hiện nay các đơn vị phát hành sách đã bắt đầu rục rịch cho ra mắt nhiều cuốn sách viết về đô thị, thành phố thông minh tại Việt Nam. Có thể kể đến một số cuốn nổi bật về chủ đề này như: Tôi, tương lai và thế giới; Nym – Tôi của tương lai; Chạy đua với robot (Saigon Books); Thành phố thông minh – Nền tảng, nguyên lý và ứng dụng; Định hình cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư (Thái Hà Books); Phát minh cuối cùng (Omega Plus)… Đa phần nội dung của những cuốn sách này đều nói về các xu hướng có thể xảy ra trong tương lai, đi sâu nghiên cứu một cách hệ thống các quan điểm khoa học về nền tảng và nguyên lý để mở rộng ứng dụng đa lĩnh vực cho sự phát triển trong các thành phố thông minh.
Dù vậy, ông Quỳnh cho rằng sách về đô thị thông minh tại Việt Nam khá hiếm, vì đây là lĩnh vực khá mới mẻ, chủ yếu ở tài liệu dạng hội thảo, chỉ dành cho các chuyên gia. “Để những cuốn sách viết về đô thị thông minh được phổ biến nhiều hơn đến bạn đọc, cần những nguồn ngân sách từ T.Ư và địa phương đầu tư cho hoạt động xuất bản nói chung và đặt hàng xuất bản phẩm nói riêng”, ông nói. Bên cạnh đó, một vấn đề khác là các NXB tư nhân tại Việt Nam gặp không ít khó khăn về nguồn kinh phí mua bản quyền sách. Việc chọn lọc để mua được bản quyền cũng như việc đảm bảo xuất bản một cuốn sách mang tính ứng dụng cao cho các doanh nghiệp và khung kinh tế Việt Nam hiện nay là điều không dễ dàng, như ý kiến từ đại diện Alphabooks. “Thiết nghĩ, TP.HCM cũng nên xem xét đưa các cuốn sách viết về AI (trí tuệ nhân tạo), đô thị thông minh trở thành một mặt hàng được trợ giá, bởi nếu không được trợ giá thì các NXB gặp rất nhiều khó khăn trong việc làm ra các ấn phẩm này”, ông Quỳnh đề xuất.
Với diễn giả Nguyễn Phi Vân, chị đưa ra góc nhìn rất khác từ cư dân sống trong đô thị sắp thông minh, rằng chúng ta nói mọi thứ về cơ sở vật chất, công nghệ, thiết kế… nhưng đích đến cuối cùng của một đô thị thông minh phải chăng là hạnh phúc của những người sống trong đô thị đó? Đó là lý do vì sao chị viết 2 cuốn sách Tôi, tương lai và thế giới (về kỹ năng sống số, những phẩm chất của con người để chống chọi với mặt trái của công nghệ) và Nym – Tôi của tương lai (công nghệ ảnh hưởng đến đời sống, sự nghiệp, tương lai của chúng ta thế nào, làm sao có thể đưa kỹ năng sống số đến cho từng người dân để họ không cảm thấy bị áp lực khi nói về đô thị thông minh). Chị cũng đưa ra kiến nghị: “Có nhiều bạn trẻ rất giỏi, hiểu rất rõ về chuyển đổi số nhưng không dám viết vì chưa bao giờ viết. Nên chăng chúng ta phát động phong trào để cố vấn, giúp các bạn trẻ này mạnh dạn viết sách. Hiện tại bản thân tôi cũng đang cố vấn cho 5 bạn trẻ viết sách về chuyển đổi và cách mạng công nghệ 4.0 sao cho sát sườn nhất với người dân Việt Nam trong tương lai”.
Theo Thiên Anh/TNO
Bình luận (0)