Số liệu từ Bộ NN&PTNT cho biết khối lượng bắp nhập khẩu năm tháng đầu năm nay đạt 2,87 triệu tấn, giá trị nhập khẩu đạt 622 triệu USD, tăng 30,3% về khối lượng và tăng 16,8% về giá trị so với cùng kỳ năm ngoái.
Thu hoạch lúa hè thu tại ấp Thạnh Thới, xã Thạnh Lộc, huyện Giồng Riềng, tỉnh Kiên Giang tháng 6-2015 – Ảnh: Hữu Khoa |
Cũng trong thời gian này, xuất khẩu gạo của VN chỉ đạt 2,081 triệu tấn với trị giá 875 triệu USD, giảm 255.000 tấn và 138 triệu USD.
Ngoài bắp, VN cũng nhập khẩu trên 700.000 tấn đậu nành (về ép dầu và bã dùng cho chăn nuôi), trị giá gần 1,4 tỉ USD thức ăn gia súc chế biến và các loại nguyên liệu khác.
Như vậy nếu xét về giá trị, số tiền để nhập khẩu thức ăn gia súc và nguyên liệu của VN trong năm tháng đầu năm nay gần 2,3 tỉ USD, gấp gần ba lần so với tiền xuất khẩu gạo.
Chuyện xuất khẩu gạo rồi nhập bắp đã diễn ra trong nhiều năm qua. Nhưng trong khi xuất khẩu gạo ngày một giảm và khó khăn hơn, nhập khẩu thức ăn chăn nuôi (trong đó có bắp) lại liên tục tăng trưởng đã đặt ra câu hỏi tại sao không giảm trồng lúa, chuyển sang các loại cây trồng khác để vừa giảm nhập khẩu vừa bớt áp lực tiêu thụ lúa gạo?
Việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng từ lúa sang các loại cây hoa màu khác, trong đó có bắp, được triển khai mạnh mẽ từ năm 2013 khi xuất khẩu gạo của VN gặp rất nhiều khó khăn.
Tuy nhiên sau hai năm triển khai, chương trình này gặp nhiều trở ngại và nhiều nơi đã thất bại.
Nguyên nhân đầu tiên phải kể đến đó là giá nông sản thế giới, trong đó có giá bắp, liên tục giảm thời gian qua, sản phẩm trong nước làm ra rất khó cạnh tranh với hàng nhập khẩu. Giá bắp giảm xuống mức 5.000 đồng/kg từ cuối năm ngoái đến nay nên làm bắp không lời bằng làm lúa và nhiều nông dân đã quay lại với cây lúa.
Tuy nhiên, nhiều chuyên gia cho rằng việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng rất khó khăn vì không dễ để… thoát lúa.
Theo GS Võ Tòng Xuân, bao nhiêu năm qua chính sách của nông nghiệp VN đều chỉ tập trung vào trồng lúa, từ cơ sở hạ tầng đến chính sách thương mại đều tập trung vào tiêu thụ cho hạt lúa nên các loại cây trồng khác không được đầu tư.
Một khi nông dân đã quen với trồng lúa, họ rất khó chuyển đổi sang loại cây trồng khác vì bỡ ngỡ bởi tập quán canh tác, hạ tầng không dành cho cây trồng khác ngoài lúa và thị trường cũng không đủ lớn để tiêu thụ.
Chưa kể chính sách mua tạm trữ đã vô tình tạo ra một “hợp đồng bảo hiểm” cho nông dân với thông điệp rằng: cứ sản xuất đi, nếu không bán được thì Nhà nước sẽ mua. Vì vậy dù thu nhập có thấp, người dân vẫn cứ bám vào cây lúa.
Thế nhưng, việc bám lấy mục tiêu sản xuất mỗi năm ba vụ lúa để có vị trí xuất khẩu hàng đầu thế giới, hạt gạo của VN lại càng mất giá và đời sống nông dân sẽ càng khó khăn hơn. Từ đầu năm đến nay, giá bán gạo của VN luôn ở mức thấp nhất thế giới.
Ông Huỳnh Thế Năng, chủ tịch Hiệp hội Lương thực VN, cho rằng khi xuất khẩu gạo gặp khó khăn, nhiều ý kiến nhận định rằng do VN chưa làm thương hiệu gạo, chưa nâng cao chất lượng, doanh nghiệp không tích cực tìm kiếm thị trường…
Điều đó đúng nhưng một điều quan trọng hơn là cung cầu gạo thế giới đã thay đổi rất nhiều so với 5-10 năm về trước. Trong khi các nước xuất khẩu gạo ngày càng tăng sản lượng, các nước nhập gạo chủ lực cũng tăng cường sản xuất trong nước để tự túc lương thực, ngoại trừ Philippines do thiên nhiên không thuận lợi.
Thế giới đang chuyển dần từ thiếu gạo sang thừa gạo thương mại dẫn đến xu hướng giá gạo giảm trong thời gian qua. “Đã đến lúc VN nghiêm túc nhìn lại vấn đề sản xuất và xuất khẩu gạo theo hướng nâng cao giá trị, đồng thời mạnh dạn chuyển đổi từ cây lúa sang những loại cây cần thiết hơn” – ông Năng nói.
Bình luận (0)