Hai bệnh nhân tới khám tại Viện Các bệnh truyền nhiễm và nhiệt đới Quốc gia với biểu hiện SXH rất rõ rệt. Tuy nhiên, phim chụp phổi cũng cho thấy bệnh nhân có tổn thương phổi nặng. Kết quả xét nghiệm khẳng định bệnh nhân nhiễm cả hai bệnh SXH và cúm A/H1N1.
Tại cuộc họp Ban chỉ đạo phòng chống dịch chiều 4/11, TS Nguyễn Văn Kính, Viện trưởng Viện Các bệnh truyền nhiễm và nhiệt đới quốc gia cho biết:“Đây là 2 trường hợp đồng lây nhiễm hai bệnh cấp tính do vi rút đầu tiên được xác nhận tại Viện. Bệnh viện đã phải tiến hành điều trị cho hai bệnh nhân này theo cả hai phác đồ điều trị cúm và điều trị SXH. Bệnh nhân vừa được uống Tamiflu, vừa được truyền dịch chống đông máu trong SXH. Rất may, nhờ được điều trị kịp thời nên bệnh tình của hai bệnh nhân đã ổn định hơn”.
Về trường hợp đồng nhiễm cả hai bệnh vi rút cấp tính, TS Nguyễn Huy Nga, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng và Môi trường (Bộ Y tế) cho biết, trên thế giới cũng đã có nước báo cáo về các ca đồng nhiễm cả hai loại bệnh này, trong đó có một trường hợp tử vong. Vì thế, trong thời điểm hiện nay, khi cả hai dịch bệnh đang song hành người dân càng phải cảnh giác, đến viện ngay khi có biểu hiện bất thường.
Còn hiện tại, diễn biến dịch cúm A/H1N1 bệnh nhân vẫn tăng lên. Đến nay đã có 38 ca tử vong liên quan đến cúm A/H1N1 trên tổng số hơn 10 nghìn ca nhiễm cúm A/H1N1 được khẳng định bằng xét nghiệm.
TS Kính cảnh báo, trong bối cảnh cả hai dịch bệnh SXH và cúm A/H1N1 song hành như hiện nay, bệnh nhân khi có sốt nên tới ngay cơ sở y tế để được khám và chữa trị. Vì với cúm A/H1N1, phần lớn cúm A/H1N1 biểu hiện nhẹ, nhưng có từ 7-10% bệnh nhân có biểu hiện nặng nề, diễn tiến viêm phổi nhanh. Đặc biệt là với SXH, dù đã là đuôi của dịch, nhưng số bệnh nhân nhập viện với biểu hiện bệnh cảnh nặng vẫn rất đông. Nếu không kịp thời điều trị, bệnh nhân có nguy cơ giảm tiểu cầu, xuất huyết trong rất nguy hiểm, nguy cơ tử vong cao.
|
Hồng Hải/Dan tri
Bình luận (0)