Tuyên truyền pháp luậtGia đình - Xã hội

Xuất hiện ca nhiễm COVID-19, các chợ đầu mối của TPHCM vẫn hoạt động bình thường

Tạp Chí Giáo Dục

Lượng khách đến các chợ ở TPHCM mua trực tiếp giảm nhưng lượng khách mua qua điện thoại, qua mạng tăng nên tổng lượng hàng tiêu thụ không giảm. Đã xuất hiện ca mắc COVID-19 ở các chợ đầu mối nhưng tiểu thương ở đây vẫn được phép buôn bán bình thường sau khi cơ quan y tế khoanh vùng, truy vết, xét nghiệm. Trong khi đó, thành phố đang ráo riết tiêm ngừa cho tiểu thương các chợ.

Có ca nhiễm, chợ đầu mối vẫn hoạt động 

Đại diện Ban Quản lý (BQL) chợ đầu mối Bình Điền (Q.8), cho biết một nhân viên bốc xếp hàng hóa ở chợ này mắc COVID-19, nghi nhiễm khi người này vào chăm sóc cha trong bệnh viện. Sở Y tế TPHCM đã cách ly 25 người làm chung với ca này, lấy mẫu kiểm nghiệm và kết quả ban đầu là âm tính.

Hiện 1.500 tiểu thương chợ này vẫn buôn bán bình thường; lượng nông sản, thực phẩm về chợ giữ nguyên ở mức 2.200-2.500 tấn/đêm; các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19 được áp dụng nghiêm ngặt hơn. Theo BQL, lượng khách đến giao dịch giảm đến 40%, có thể do lo ngại bị lây nhiễm. Ngoài ra, tiểu thương một số chợ lẻ cũng giảm hoặc ngưng nhập hàng từ chợ đầu mối này do việc kiểm soát buôn bán ở các chợ lẻ nghiêm ngặt hơn và các chợ tự phát cũng phải ngừng hoạt động. Dù vậy, tổng lượng hàng hóa tiêu thụ không giảm do hàng hóa phân phối đến các siêu thị, cửa hàng tiện lợi, mối sỉ tăng cao (riêng lượng rau, củ, quả phân phối vào hệ thống cửa hàng tiện lợi Satra Food tăng gấp đôi, từ hơn 20 tấn lên hơn 40 tấn/ngày, lượng thủy hải sản cũng tăng).

Các chợ đầu mối ở TP.HCM vẫn duy trì hoạt động không để nguồn cung thực phẩm, hàng hóa bị gián đoạn. Ảnh: Quốc Thái

Theo đại diện BQL chợ Bình Điền, ngoài tăng cường các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19, BQL đã phối hợp với Sở Công Thương, Sở Y tế triển khai tiêm vắc-xin ngừa COVID-19 cho người lao động, tiểu thương ở chợ. Chợ được cấp cho 11.078 liều vắc-xin; tính đến ngày 24/6, đã tiêm được 5.000 liều và sắp tới, sẽ tiêm cho toàn bộ người lao động, tiểu thương ở đây.

Ông Nguyễn Tiến Dũng – Giám đốc Công ty TNHH Quản lý và Kinh doanh chợ đầu mối Hóc Môn – cho biết hiện tại, chợ đã đóng cửa, phong tỏa 23 ki-ốt, chủ yếu kinh doanh trái cây. Đó là các ki-ốt từ A1 đến A29 và B15 đến B25. Những hộ kinh doanh thuộc diện bị phong tỏa ki-ốt được tạo điều kiện để bán chạy hàng hóa trong khoảng 30 phút nhằm thu hồi vốn. Sau thời gian này, hàng hóa còn lại sẽ được đưa đi tiêu hủy. BQL chợ cũng cho phun khử khuẩn những quầy sạp có người nhiễm COVID-19. Ngoài ra, tiểu thương các khu nhà lồng kinh doanh trái cây trong chợ cũng phải đồng loạt khai báo y tế và lấy mẫu xét nghiệm. Hiện ngành y tế đã lấy khoảng 3.300 mẫu để xét nghiệm và đang chờ kết quả. Nhiều hộ phải tạm ngưng kinh doanh trong khi chờ kết quả và sẽ được buôn bán trở lại nếu có kết quả xét nghiệm âm tính.

Theo ông Nguyễn Tiến Dũng, tổng nguồn hàng về chợ không biến động. Để nguồn hàng không bị gián đoạn trong khâu phân phối, tiêu thụ, nhiều tiểu thương phân bổ hàng qua điện thoại, các kênh trực tuyến, hoặc phân bổ ngay từ bên ngoài khu vực chợ. Trước thời điểm phát hiện các ca nhiễm COVID-19, BQL chợ đã lập danh sách hơn 4.000 người để tiêm chủng vắc-xin ngừa COVID-19. Tuy nhiên, thời điểm tiêm vắc-xin có thể bị dời lại do chợ đang dồn lực cùng ngành y tế truy vết nguồn lây.

Không để nguồn hàng đứt đoạn

Việc khống chế dịch không ảnh hưởng đến việc lưu thông hàng hóa theo hình thức này được hiện tại các siêu thị suốt thời gian qua.

Đại diện Saigon Co.op cho biết, bất cứ điểm bán nào của hệ thống (gồm cả Co.opmart, Co.opXtra, Co.opFood) có ca nghi nhiễm hoặc nằm trong diện truy vết, các điểm này sẽ chủ động tạm dừng hoạt động và phối hợp các cơ quan chức năng rà soát, đánh giá, xử lý hàng hóa, sau đó khử trùng toàn bộ không gian mua sắm, xét nghiệm nhân viên. Các siêu thị, cửa hàng sẽ hoạt động ngay sau khi đủ các điều kiện an toàn. Điểm bán của Co.opmart tại Xa lộ Hà Nội (Q.9), đường Thắng Lợi (Q.Tân Phú), đường Phan Văn Hớn (Q.12), đường Bình Triệu (TP.Thủ Đức), đường Phú Thọ (Q.11) đã diễn ra các tình huống này.

Hiện toàn hệ thống siêu thị đều phân luồng, hướng dẫn khai báo y tế và điều tiết khách hàng ngay từ cổng vào, tránh tình trạng khách vào cùng lúc quá đông, không đảm bảo khoảng cách an toàn. Nguồn hàng vẫn được đảm bảo kể cả khi nhu cầu tăng đột biến. “Saigon Co.op vẫn đang vận hành trơn tru tổng cộng hơn 800 cửa hàng, siêu thị, trong đó TP.HCM chiếm đến một phần tư địa điểm. Chúng tôi đang áp dụng nhiều chương trình ưu đãi để khuyến khích khách mua hàng qua điện thoại, app (ứng dụng)” – đại diện Saigon Co.op chia sẻ.

Ông Nguyễn Nhơn Quý – Trưởng phòng Truyền thông Aeon Việt Nam – cho biết số đơn hàng qua điện thoại, ứng dụng GrabMart, Now tăng mạnh. Chẳng hạn, tại siêu thị Aeon Tân Phú, lượng đơn hàng tăng gấp 2-3 lần, giá trị giỏ hàng của khách cũng lớn hơn, doanh thu trên các kênh bán hàng qua điện thoại tăng từ 1,5-2 lần. 

Ông nói: “Chúng tôi phải tăng cường nhân sự hỗ trợ các kênh bán hàng online; sắp xếp, điều phối nhân sự để giao hàng cho khách trong thời gian sớm nhất. Siêu thị bố trí thêm các khu vực riêng để tài xế ngồi chờ, đảm bảo giãn cách và bổ sung các quầy thu ngân riêng để tính tiền cho các đơn hàng đặt qua ứng dụng. Chúng tôi sắp xếp riêng một khu có các mặt hàng được khách lựa chọn nhiều, giúp nhân viên lấy hàng cho khách dễ dàng, nhanh chóng, giảm thời gian chờ”. 

Theo Nguyễn Cẩm – Quốc Thái/PNO

 

Bình luận (0)