Tuyên truyền pháp luậtGia đình - Xã hội

Xuất hiện dịch vụ tạt sơn đòi nợ qua mạng

Tạp Chí Giáo Dục

Thủ đoạn tạt sơn, chất bẩn… của các đường dây cho vay nặng lãi gây bức xúc dư luận thời gian qua, nay càng thêm phức tạp khi trên mạng xã hội xuất hiện tình trạng nhận dịch vụ thực hiện trò bẩn này.
Căn nhà trên đường Hai Bà Trưng (P.Tân Định, Q.1) bị nhóm nhận tạt sơn qua mạng xã hội thực hiện /// ẢNH: CÔNG AN Q.1 CUNG CẤP
Căn nhà trên đường Hai Bà Trưng (P.Tân Định, Q.1) bị nhóm nhận tạt sơn qua mạng xã hội thực hiện. ẢNH: CÔNG AN Q.1 CUNG CẤP
Mới đây, Công an Q.1 (TP.HCM) triệt phá một nhóm tạt sơn nhà dân trên đường Hai Bà Trưng (P.Tân Định, Q.1). Đáng chú ý, các nghi can khai phi vụ tạt sơn được kết nối thông qua mạng xã hội Facebook.
Lần đầu phát hiện
Trao đổi với PV, một cán bộ trực tiếp điều tra vụ việc (thuộc Đội cảnh sát hình sự Công an Q.1) cho biết qua nhóm “Nợ xấu SG” trên Facebook, Nguyễn Quang Khương (33 tuổi, quê Hà Nội, tạm trú Q.11), sử dụng tài khoản tên “Uyên Uyên” để thuê Trần Hoàng Quân (30 tuổi, ngụ Q.Gò Vấp), Vũ Thị Minh Nguyệt (33 tuổi, ngụ Q.Tân Bình, thành viên nhóm “Nợ xấu SG”) tạt sơn vào một căn nhà mặt tiền đường Hai Bà Trưng (P.Tân Định, Q.1) nhằm đòi nợ. Khi hoàn thành phi vụ, Quân gửi hình ảnh qua mạng cho Khương kiểm chứng, nếu “Ok” sẽ chuyển khoản 700.000 đồng tiền công cho Quân và Nguyệt.
Từ trái qua: Trần Hoàng Quân, Vũ Thị Minh Nguyệt, Nguyễn Quang Khương ẢNH: CÔNG AN Q.1 CUNG CẤP
Từ trái qua: Trần Hoàng Quân, Vũ Thị Minh Nguyệt, Nguyễn Quang Khương. ẢNH: CÔNG AN Q.1 CUNG CẤP
Theo tài liệu của cơ quan công an, trong nhóm “Nợ xấu SG” có nhiều thành viên “hành nghề” tạt chất bẩn, khóa cửa ngoài… Quân, Nguyệt đã thực hiện nhiều phi vụ tạt sơn “khủng bố” con nợ, khóa trái cửa ngoài theo yêu cầu của khách đặt hàng thông qua nhóm “Nợ xấu SG”. Giá mỗi lần tạt sơn bình quân 700.000 đồng, khóa cửa ngoài 600.000 đồng và tăng giảm tùy từng khu vực, có thể lên đến vài triệu đồng.
Trong khi đó, một cán bộ của Công an TP.HCM cho biết đơn vị đã xử lý nhiều vụ việc liên quan đến tình trạng đòi nợ bằng hình thức tạt chất bẩn. Tuy nhiên, tình trạng thuê người tạt chất bẩn thông qua mạng xã hội là trường hợp lần đầu phát hiện. “Các băng nhóm đòi nợ xưa nay thường dùng đàn em dưới trướng để tạt sơn, khóa cửa ngoài nhằm uy hiếp, khủng bố con nợ. Giờ tình trạng này lại xuất hiện trên mạng nên càng thêm phức tạp, khó truy tìm tung tích của kẻ đứng sau”, vị cán bộ điều tra nói.
“Tụi tôi làm chuyên nghiệp”
Từ vụ án mà Công an Q.1 triệt phá, PV thử lên mạng xã hội tìm hiểu thì thấy nhóm “Nợ xấu SG” đang hoạt động với hơn 8.400 thành viên, trong đó rất nhiều thành viên đưa lên thông tin cá nhân các con nợ, kèm lời lẽ mạt sát, hăm dọa để… đòi nợ. Bên cạnh đó, dịch vụ… tạt chất bẩn đòi nợ cũng được một số thành viên “quảng cáo” cho những ai có nhu cầu.
Một tài khoản Facebook “quảng cáo” về dịch vụ tạt chất bẩn trong nhóm “Nợ xấu SG” ẢNH: TRÁC RIN
Một tài khoản Facebook “quảng cáo” về dịch vụ tạt chất bẩn trong nhóm “Nợ xấu SG”. ẢNH: TRÁC RIN
Trung tuần tháng 11, trong vai khách đang cần người tạt sơn “khủng bố” con nợ chây ì ở một địa chỉ trên đường Trần Đại Nghĩa (H.Bình Chánh, TP.HCM), chúng tôi liên hệ với nam thanh niên tự xưng tên Vân Dương qua số điện thoại 0815992xx (thành viên nhóm “Nợ xấu SG”). Dương sau khi quảng cáo “chuyên cung cấp biệt đội tạt sơn, mắm tôm, khóa cửa ngoài, đánh dằn mặt… có uy tín tại TP.HCM” thì báo giá: “Tạt sơn, mắm tôm là 1,5 triệu đồng/lần, khóa cửa 500.000 đồng/lần”.
Khoảng 1 tiếng sau, Dương gọi điện lại cho khách, nói đang cùng “đồng đội”… đi khảo sát vị trí tạt sơn. “Quãng đường cả đi và về của tụi tôi hơn 60 km lận. Giờ tới đường Võ Văn Kiệt rồi, còn mười mấy ki lô mét nữa là đến vị trí”, Dương cho hay. PV thắc mắc tại sao lại “hành động” ngay ban ngày, Dương giải thích: “Tụi tôi làm chuyên nghiệp. Trước khi thực hiện bất cứ phi vụ nào đều phải đến kiểm tra trước. Vì khách nói địa chỉ đó, nhưng đến lại hoàn toàn khác. Vì sự an toàn nên chúng tôi phải đến trước để canh me, né camera, xe thì gắn biển số giả… Riêng mấy cái này phải chắc chắn!”.
Dương tiết lộ, những phi vụ này không thể báo trước điều gì cho khách. “Cả giờ giấc, ngày thực hiện… đều không báo trước được. Vì sự an toàn cho đôi bên nên thường chúng tôi phải tạt sơn vào rạng sáng”, Dương nói và nhắc khách: “Nếu Ok thì gửi trước vài trăm ngàn đồng phụ anh em tiền mua đồ nghề (sơn, mắm tôm, ổ khóa…). Khi nào thực hiện xong phi vụ, chúng tôi sẽ chụp hình, quay phim gửi qua Zalo cho khách xem. Sau đó mới chuyển khoản nốt số tiền còn lại”.
Khách đề nghị gặp trực tiếp thương lượng, nhưng Dương từ chối vì “để đảm bảo an toàn, tránh bị lực lượng chức năng gài bắt”. “Làm trót lọt, hợp tác vài ba vụ sẽ đủ uy tín để gặp bên ngoài cà phê cà pháo…”, Dương nói và trấn an: “Tụi tôi làm nhiều rồi, có kinh nghiệm mới dám làm chứ. Yên tâm, vì kèo có bị gì thì tụi tôi dính đầu tiên, chứ khách không bị sao hết. Vì khách chỉ ở khâu trung gian, công an họ cũng chẳng biết đâu mà lùng tìm. Chỉ sợ công an họ nhận diện được dáng người, xe cộ… mà phần này là tụi tôi làm, khách chẳng dính dáng gì”.
Hình ảnh một căn nhà nhóm Dương tạt sơn thành công gửi cho khách làm bằng chứng ẢNH: TRÁC RIN
Hình ảnh một căn nhà nhóm Dương tạt sơn thành công gửi cho khách làm bằng chứng. ẢNH: TRÁC RIN
Để kiểm chứng “năng lực” nhóm của Dương, khách yêu cầu gửi những hình ảnh, clip về các phi vụ tạt sơn mới nhất qua tin nhắn Facebook. Dương nhanh chóng gửi một loạt hình ảnh nhằm chứng minh “người thật, việc thật”. Từ hình ảnh Dương gửi, chúng tôi đến một địa chỉ căn nhà bị tạt sơn (thuộc P.Hiệp Thành, Q.12, TP.HCM) xác minh thì thấy đúng như những gì nhóm Dương miêu tả.
Thời điểm PV tới, cửa ngoài căn nhà khóa kín mít, lớp sơn đỏ bị tạt vẫn còn loang lổ. Tối cùng ngày, bà V. (42 tuổi, chủ nhà) đi làm về, bức xúc cho chúng tôi biết mấy ngày trước có một nhóm lén lút tạt sơn vào nhà bà. “Trước khi bị tạt sơn, có người đến nói chồng tôi vay nợ không trả và đe dọa nếu không trả nợ thay sẽ “có chuyện”. Tôi cự tuyệt vì đã ly hôn hơn 1 năm nay nên không có trách nhiệm trả nợ thay cho chồng cũ”, bà V. nói và cho biết thêm chồng cũ của bà vay nhiều nhóm với số tiền từ vài triệu đến vài chục triệu đồng, hiện bỏ trốn đi đâu không rõ. “Tụi nó tạt sơn lúc rạng sáng, tôi không hay biết. Nhà có hai mẹ con nên tôi rất lo sợ, hoang mang khi bị “khủng bố” đòi nợ không liên quan đến mình”, bà V. lo lắng.
Có thể phạt tù đến 7 năm
Luật sư Lê Văn Hoan (Đoàn luật sư TP.HCM) cho biết luật hiện hành đã có những quy định để thể hiện trách nhiệm của người sử dụng mạng xã hội.
Cụ thể, khoản 5 điều 8 luật An ninh mạng quy định nghiêm cấm sử dụng không gian mạng để xâm phạm trật tự, an toàn xã hội, quyền và lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân. Vì vậy, hành vi “quảng cáo” về dịch vụ tạt chất bẩn trên mạng xã hội gây bất an xã hội sẽ bị xử phạt hành chính từ 10 – 20 triệu đồng theo điều 101 Nghị định 15/2020, khi người sử dụng dịch vụ mạng xã hội cung cấp thông tin gây hoang mang trong nhân dân, kích động bạo lực, tệ nạn xã hội…
Còn theo luật sư Nguyễn Đức Chánh (Đoàn luật sư TP.HCM), người có hành vi thuê và được thuê để tạt chất bẩn, khóa cửa ngoài… có dấu hiệu của tội “cố ý làm hư hỏng tài sản” theo điều 178 bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017). Tùy vào giá trị tài sản bị hư hỏng mà những người có hành vi trên sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo khung hình phạt tương ứng.
Chẳng hạn, làm hư hỏng tài sản của người khác trị giá từ 2 triệu đồng đến dưới 50 triệu đồng thì khung hình phạt là bị phạt tiền từ 10 – 50 triệu đồng; phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù từ 6 tháng đến 3 năm. Gây thiệt hại cho tài sản trị giá từ 50 triệu đồng đến dưới 200 triệu đồng thì khung hình phạt là bị phạt tù từ 2 đến 7 năm.
Phan Thương

Theo Trác Rin/TNO

 

Bình luận (0)