Tiến sĩ Hồ Văn Chiến, Giám đốc Trung tâm Bảo vệ thực vật phía Nam, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cảnh báo, các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long cần đề phòng sâu bệnh gây hại trên trà lúa Đông Xuân, đặc biệt là các bệnh đạo ôn lá, đạo ôn cổ bông, bệnh bạc lá, rầy nâu…
Nguyên nhân xuất hiện tình trạng này là do chênh lệch nhiệt độ lớn giữa ngày và đêm, sáng sớm có sương mù bất thường. Yếu tố thời tiết này gây bất lợi cho cây lúa nhưng thuận lợi để các đối tượng sâu bệnh trên phát triển, sinh sôi.
Chăm sóc lúa đông xuân tại tỉnh Hậu Giang. (Ảnh; Duy Khương/TTXVN)
Cũng theo ông Chiến, hiện tại các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long đã có trên 20.000ha bị bệnh đạo ôn lá, trên 1.000ha bị đạo ôn cổ bông, trên 1.000ha bị bệnh bạc lá và trên 42.000ha nhiễm rầy nâu.
Trước mắt, Trung tâm Bảo vệ thực vật phía Nam đã khuyến cáo nông dân không dùng các loại thuốc tổng hợp để pha trộn, phun xịt mà chỉ dùng thuốc đặc trị đối với từng loại sâu bệnh và phun xịt khi thực sự cần thiết để đạt hiệu quả phòng trị cao, vừa tránh được ảnh hưởng không tốt đối với môi sinh, môi trường.
Trong khâu chăm sóc, người dân nên áp dụng triệt để chương trình quản lý dịch hại tổng hợp IPM, bón phân theo bảng so màu lá lúa… Đặc biệt, cần tăng thêm lượng đạm bón cho lúa từ 5kg đến 7kg/ha đối với lúa đang giai đoạn làm đòng đồng thời cần theo dõi không để lúa bị thiếu đạm dễ dẫn đến bệnh đốm nâu.
Vụ Đông Xuân 2013-2014, các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long đã xuống giống được trên 1,6 triệu ha, trong đó có trên 762.000ha đang vào giai đoạn trổ.
Dự kiến, đến đầu tháng 3 tới, toàn vùng sẽ thu hoạch rộ lúa Đông Xuân. Do là vụ chính, cho phẩm chất gạo tốt trong năm nên nông dân được khuyến cáo cần chú ý áp dụng đồng bộ các giải pháp thâm canh để đạt vụ mùa bội thu./.
Minh Trí (TTXVN)
Bình luận (0)