Kinh tế - Giáo dụcChuyện doanh nghiệp

Xuất khẩu cá ngừ – hứa hẹn bứt phá

Tạp Chí Giáo Dục

0
(0)

Theo Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (VASEP), năm 2010 cá ngừ Việt Nam đã đạt được những thành tích ngoài mong đợi, góp phần đáng kể trong tổng kim ngạch xuất khẩu của ngành thủy sản.

Bên cạnh những thuận lợi như giá xuất khẩu (XK) cá ngừ tăng, nhu cầu tiêu thụ cao, … thì các doanh nghiệp XK cá ngừ còn một số khó khăn. Tuy nhiên, căn cứ vào tình hình chung thị trường có thể đự đoán năm 2011, xuất khẩu cá ngừ sẽ tiếp tục gặt hái nhiều thành công.
Tăng trưởng mạnh

Năm 2010 là một năm quá thành công đối với cá ngừ Việt Nam, XK cá ngừ đã có sự tăng trưởng mạnh mẽ. Tính đến hết ngày 30/11/2010, Việt Nam đã XK gần 76.000 tấn cá ngừ, trị giá trên 265,7 triệu USD, tăng 49,5% về khối lượng và 62% về giá trị so với cùng kỳ năm 2009. Theo thống kê chưa đầy đủ, khối lượng XK cá ngừ của cả nước năm 2010 đạt khoảng 82,6 nghìn tấn, trị giá 287 triệu USD. Theo VASEP, nguyên nhân chính của sự tăng trưởng này là do giá XK trung bình cá ngừ cao, nhu cầu tiêu thụ tăng trong khi một số nước trên thế giới đang đề xuất cắt giảm hạn ngạch khai thác đối với một số loài cá ngừ.

Trong năm 2010, sản lượng cá ngừ khai thác trên thế giới giảm thấp trong khi nhu cầu tiêu thụ trên thế giới có xu hướng tăng lên dẫn đến tình trạng cung không đủ cầu, nên đã đẩy giá cá ngừ thế giới lên cao. Trong 11 tháng đầu năm 2010, giá XK trung bình cá ngừ của Việt Nam đạt 3,49 USD/kg, tăng 8% so với 3,23 USD/kg năm 2009, trong đó giá XK trung bình cá ngừ của Việt Nam sang các thị trường chính như Mỹ, EU và Nhật Bản đều ở mức cao, 4,41 USD/kg, 3,6 USD/kg và 4,78 USD/kg.
Đến đầu tháng 6/2010, Mỹ đã vượt qua EU trở thành thị trường NK cá ngừ lớn và ổn định nhất của Việt Nam. Đến hết ngày tháng 11/2010, Mỹ đã NK trên 27.000 tấn cá ngừ từ Việt Nam, trị giá trên 120 triệu USD, tăng 54,6% về khối lượng và 94,6% về giá trị so với cùng kỳ năm 2009. Dự báo sắp tới, nhu cầu cá ngừ của thị trường này sẽ tiếp tục tăng.
Tuy nhiên, các doanh nghiệp XK cá ngừ cho biết, EU là thị trường rất ưa chuộng cá ngừ, đó thực sự là một thị trường lớn, đa dạng và có nhiều triển vọng cho cá ngừ Việt Nam. Tuy nhiên, để giữ được thị trường và đáp ứng yêu cầu khắt khe của người tiêu dùng nơi đây, các DN cá ngừ cần có biện pháp đảm bảo chất lượng và duy trì hình ảnh cá ngừ Việt Nam trên thị trường này. Trong 11 tháng đầu năm 2010, EU đã NK trên 15.690 tấn cá ngừ Việt Nam, trị giá gần 57 triệu USD, tăng 3,9% về khối lượng và 12% về giá trị so với cùng kỳ năm ngoái.
Hiện nay, Nhật Bản vẫn là quốc gia có mức tiêu thụ cá ngừ bình quân cao nhất trên thế giới. Trung bình một năm mỗi hộ gia đình tiêu thụ 41 kg thực phẩm từ cá ngừ (cá ngừ tươi và các sản phẩm từ cá ngừ), do đó Nhật Bản vẫn là thị trường tiêu thụ cá ngừ lớn nhất thế giới với khoảng 80% tổng sản lượng cá ngừ trên thế giới được tiêu thụ tại thị trường này. Trong 11 tháng đầu năm 2010, Nhật Bản đã NK trên 4.350 tấn cá ngừ từ Việt Nam, trị giá trên 20,8 triệu USD.
Một số khó khăn cần vượt qua
Có một thực tế bất lợi cho xuất khẩu cá ngừ hiện nay là kỹ thuật khai thác và bảo quản cá ngừ nước ta còn lạc hậu, chủ yếu sử dụng phương tiện thủ công và bảo quản bằng nước đá. Vì thế, nguồn nguyên liệu cá ngừ đạt tiêu chuẩn không đáp ứng đủ nhu cầu chế biến XK. Do vậy, để hoàn thành các đơn hàng XK các doanh nghiệp phải nhập khẩu nguyên liệu từ nước ngoài.
Tuy nhiên, khi nhập khẩu nguyên liệu để chế biến, doanh nghiệp cá ngừ Việt Nam phải hoàn tất nhiều thủ tục và nhiều loại giấy tờ để gửi tới các cơ quan chức năng; trong khi, các nhà nhập khẩu cá ngừ tại Thái Lan và Philippin được chính phủ nước họ tạo điều kiện thuận lợi nhất nhằm giảm sức ép về nguyên liệu. Do đó, nhiều nhà cung cấp chuyển sang hợp tác với các nhà nhập khẩu Thái Lan, Philippin… do thủ tục mua bán đơn giản và không phải lo giấy tờ.
Ngày 1/10/2009, Hiệp định Đối tác kinh tế Việt-Nhật (VJEPA) chính thức có hiệu lực. Lúc đó, các DN có điều kiện so sánh, lựa chọn biểu thuế giữa AJCEP (Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện ASEAN- Nhật Bản ký ngày 1/04/2008, có hiệu lực từ ngày 1/12/2008 đối với một số nước), thuế suất MFN và VJEPA để xin mức thuế suất thấp nhất. Tuy nhiên, từ khi VJEPA có hiệu lực cho đến nay, nhiều DN cá ngừ vẫn lo lắng với mức thuế suất 7,2%, cao hơn rất nhiều (khoảng 40%) so với các nước trong khu vực như Thái Lan, Philippin… Do vậy, cá ngừ Việt Nam rất khó cạnh tranh với các nước láng giềng tại thị trường này.
Để đáp ứng quy định EC về thiết lập hệ thống kiểm soát nhằm phòng ngừa, ngăn chặn và xóa bỏ hoạt động khai thác thủy sản bất hợp pháp (khai thác IUU), Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã ban hành quy chế cấp Giấy chứng nhận thủy sản khai thác cho các lô hàng thủy sản có nguồn gốc khai thác có hiệu lực từ 1/1/2010.
Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện vẫn còn nhiều “bất cập” nảy sinh. Để tránh thủ tục “rườm rà” này, nhiều ngư dân đã bán cá ngay tại tàu cho nậu vựa Trung Quốc với giá cao mà họ lại không yêu cầu chứng nhận. Cùng với đó, nhiều khách hàng EU cũng cầm chừng trong việc ký hợp đồng, thậm chí tạm thời ngừng nhập khẩu hải sản trong giai đầu thực thi quy định về khai thác IUU này.

Xuất khẩu thuận lợi trong năm 2011

Với sự tăng trưởng ấn tượng và lớn mạnh không ngừng của ngành khai thác và xuất khẩu cá ngừ Việt Nam, ngày 27/11/2010, Hiệp hội Cá ngừ Việt Nam đã chính thức được thành lập. Đây là cầu nối giữa ngư dân với DN và tạo điều kiện thúc đẩy sự lớn mạnh của thương hiệu cá ngừ bền vững Việt Nam trên thị trường thế giới.

Hiệp hội Cá ngừ đề ra mục tiêu sản lượng khai thác cá ngừ đại dương năm 2011 là 15.000 tấn, tiêu thụ 120.000 tấn (gồm cả cá ngừ nhập khẩu để chế biến) và năm 2015 là 30.000 tấn, tiêu thụ 200.000 tấn. Đồng thời phát triển nhanh đội tàu khai thác cá ngừ công nghiệp hiện đại và đạt tiêu chuẩn.
Dự đoán, năm 2011 sản lượng cá ngừ trên thế giới sẽ giảm mạnh do nhiều tổ chức quốc tế đã cắt giảm hạn ngạch khai thác cá ngừ trên các vùng biển. Cụ thể như vào tháng 11/2010, Ủy ban quốc tế về Bảo tồn cá ngừ vây xanh Đại Tây Dương (ICCAT) đã thống nhất giảm từ 13.500 tấn xuống còn 6.000 tấn vào năm 2011 (khoảng 40%); Một số nước thành viên trong Ủy ban Bảo tồn cá ngừ vây xanh phương Nam cũng đề xuất giảm hạn ngạch khai thác cá ngừ tại vùng này trong năm 2011 từ 11.810 tấn xuống còn 9.449 tấn (khoảng 20%). Đây là cơ hội lớn để các doanh nghiệp đẩy mạnh XK và mở rộng thêm thị trường mới cho cá ngừ Việt Nam.
Theo dự đoán của VASEP, với những kết quả đạt được trong năm 2010, cùng với những tín hiệu tốt từ thị trường xuất khẩu, XK cá ngừ của Việt Nam trong năm 2011 sẽ tiếp tục tăng trưởng và đạt giá trị khoảng 300 triệu USD.
Nguồn NOIT

 

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết 0 / 5. Số lượt đánh giá: 0

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)