Kinh tế - Giáo dụcChuyện doanh nghiệp

Xuất khẩu cá tra: hồi phục nhưng thiếu bền vững

Tạp Chí Giáo Dục

0
(0)
Chế biến cá tra xuất khẩu tại nhà máy của Công ty cổ phần Hùng Vương ở Tiền Giang Ảnh: Hồng Văn.
Vào hai tháng cuối cùng của năm 2009, xuất khẩu cá tra đã hồi phục trở lại, giúp kim ngạch con cá này đạt 1,3 tỉ đô la Mỹ, xấp xỉ năm 2008 dù vào đầu năm, cả doanh nghiệp lẫn cơ quan quản lý đều dự báo chỉ 1 tỉ đô la Mỹ.
Tuy nhiên, khó khăn trong xuất khẩu cá tra của năm 2009 đã phần nào làm bộc lộ những yếu kém, thiếu bền vững trong nội tại ngành sản xuất và tiêu thụ cá tra của Việt Nam.  
Tranh nhau bán cá  
Có thể nói rằng hiếm có ngành sản xuất nào trong nước đạt tốc độ tăng đầu tư nhanh như chế biến cá tra. Từ dưới 100 công ty mấy năm trước thì trong năm ngoái số nhà máy tăng lên 150, nâng công suất chế biến lên 600.000 tấn sản phẩm mỗi năm. Theo lý thuyết gần 3 kg cá nguyên liệu cho ra 1 kg cá phi lê thành phẩm thì sản lượng cá nguyên liệu ở ĐBSCL năm ngoái phải 1,8 triệu tấn, thực tế thì thấp hơn nhiều, đồng nghĩa với các nhà máy chạy không hết công suất.
Theo Hiệp hội chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam (Vasep), phong trào ồ ạt xây dựng nhà máy chế biến cá tra kéo dài trong hai năm qua. Đầu năm ngoái, trong kiến nghị gửi Chính phủ và Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, hiệp hội này cũng đã cảnh báo hiện tượng đầu tư vượt quá năng lực nuôi cá, dẫn tới hậu quả xấu là lúc thì tranh mua đẩy giá cá lên cao, lúc thì tranh bán với khách hàng nước ngoài đẩy giá xuất khẩu xuống thấp, sau đó quay lại kéo giá mua cá của nông dân rớt xuống thê thảm.  
Ngoài ra, việc có quá nhiều nhà máy chế biến, vượt quá khả năng của vùng nuôi còn để lại hệ quả xấu là khó ổn định chất lượng (mua cá tạp, cá chết để chế biến và pha trộn với cá sống) và phát triển thị trường tiêu thụ một cách bền vững.  
Việc một số  nhà máy mới ra đời không có khách hàng ổn định ban đầu, hoạt động dưới công suất dẫn đến việc phải nhận gia công chế biến cho các công ty thuần túy thương mại, thậm chí không được tham gia kiểm soát chất lượng sản phẩm, để cho các công ty thương mại thao túng, chế biến sản phẩm kém chất lượng thấp, chào giá thấp để dễ bán, dẫn đến việc cạnh tranh không lành mạnh, làm ảnh hưởng uy tín cá tra Việt Nam.  
Theo thống kê, hiện có tới 272 doanh nghiệp tham gia xuất khẩu cá tra nhưng chỉ một nửa trong số này là thuộc hội viên của Vasep,.có nhà máy chế biến, có vùng nguyên liệu, có thị trường.  
Nếu tính kim ngạch cá tra năm 2009 là 1,3 tỉ đô la Mỹ thì bình quân quy mô xuất khẩu mỗi công ty chưa tới 5 triệu đô la Mỹ, một quy mô quá nhỏ. Thực tế thì chỉ có 20 công ty hàng đầu xuất khẩu chiếm tới 70% sản lượng, chứng tỏ 250 công ty còn lại mỗi công ty bình quân chỉ xuất 1,5 triệu đô la Mỹ.  
Nhà máy phải có vùng nguyên liệu  
Ngày 4-12-2009, Thủ tướng đã phê duyệt Đề án phát triển sản xuất và tiêu thụ cá tra vùng ĐBSCL với mục tiêu đến năm 2010 đạt sản lượng cá nguyên liệu 1,5 triệu tấn, xuất khẩu  600 nghìn tấn, kim ngạch 1,5 tỉ đô la Mỹ; năm 2015 đạt sản lượng cá nguyên liệu 1,8 triệu tấn, xuất khẩu 750 nghìn tấn, kim ngạch 2,2 tỉ đô la Mỹ; và năm 2020 sản lượng nguyên liệu đạt 2 triệu tấn, xuất khẩu 900 nghìn tấn, trị giá 3 tỉ đô la Mỹ. 
Để phát triển bền vững cả ở trong nước và xuất khẩu, Vasep trong văn bản kiến nghị gửi Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, đã đề nghị chính quyền các địa phương cân nhắc khi cấp phép việc xây mới hoặc mở rộng các nhà máy chế biến cá tra, mà trong đó yếu tố quan trọng là thực hiện nguyên tắc nhà máy chế biến phải có vùng nguyên liệu, phải chứng minh có thị trường ổn định.  
Đồng thời, đề xuất biện pháp quản lý cộng đồng thông qua hiệp hội trong xuất khẩu cá tra. Thực tế đã chứng minh ở thị trường Nga, năm 2008 doanh nghiệp xuất bán vào thị trường này ào ạt, dẫn tới cạnh tranh đẩy giá bán xuống thấp lẫn giảm chất lượng cá, khiến sau đó thị trường này phải tạm dừng nhập khẩu và mất nửa năm sau, tức giữa năm ngoái mới mở trở lại.  
Sự mở cửa trở lại đối với thị trường Nga dự báo năm nay đạt kim ngạch hơn 100 triệu đô la Mỹ cá tra, phần nào nhờ vào biện pháp cùng quản lý của cộng đồng doanh nghiệp, thông qua Ban điều hành xuất khẩu cá tra vào thị trường Nga do chính các doanh nghiệp cùng nhau chia sẻ, cộng đồng trách nhiệm trong việc thống nhất giá xuất khẩu, quy cách, sản lượng.  
Có lẽ chính từ thị trường Nga, rồi thị trường Trung Đông, Tây Ban Nha hay một số thị trường khác mà con cá tra của Việt Nam trong hai năm qua từng gặp nạn, cuối cùng các doanh nghiệp phải hợp lực cùng nhau thông qua Vasep để giải quyết, khai thông trở lại là lý do chính đáng êể  

Ngoài ra, Vasep cũng kiến nghị Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành các quy định cụ thể để triển khai Đề án phát triển sản xuất và tiêu thụ cá tra vùng ĐBSCL đến năm 2020 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt nhằm đạt được mục tiêu của đề án là phát triển sản xuất cá tra năm nay đạt sản lượng cá nguyên liệu 1,5 triệu tấn và xuất khẩu có kim ngạch 1,5 tỉ đô la Mỹ. Đặc biệt là việc nhà nước sớm ban hành các tiêu chuẩn vệ sinh an toàn thực phẩm và chất lượng sản phẩm thống nhất đối với cá tra xuất khẩu.      

Theo TBKTSG

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết 0 / 5. Số lượt đánh giá: 0

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)