Kinh tế - Giáo dụcChuyện doanh nghiệp

Xuất khẩu cá tra: Thừa nhà máy, thiếu nguyên liệu

Tạp Chí Giáo Dục

Thiếu nguyên liệu, giá nguyên liệu tăng cao và dự báo khó có thể giảm vào đầu năm tới sẽ đưa đến viễn cảnh có thể nhiều nhà máy phải giảm công suất, thậm chí là đóng cửa, công nhân mất việc làm…

Thua lỗ vẫn phải làm
Từ đầu tháng 10.2010 đến nay, giá nguyên liệu cá tra tăng tới 39%, từ trung bình 16.800 đồng/kg lên 23.000 đồng. Yếu tố đẩy giá cá tra tăng chóng mặt là do từ đầu năm nay, người nuôi không tiếp tục đầu tư vì hết tiền và sợ thua lỗ, dẫn đến khan hiếm nguồn nguyên liệu. Ông Nguyễn Văn Ký, tổng giám đốc Agrifish An Giang thừa nhận rằng, nguyên liệu doanh nghiệp tự nuôi không đủ. Để có thể duy trì hoạt động nhà máy thường xuyên, tạo công ăn việc làm hơn 3.500 lao động, Agrifish vẫn phải mua tới hơn 70% nguyên liệu bên ngoài.

 

Năm 2011, khi sản lượng tiếp tục giảm xuống còn một nửa, sẽ rất khó khăn cho các nhà máy. Ảnh: Ngọc Tùng

Giá cá nguyên liệu tăng đang gây khó khăn cho doanh nghiệp đã lỡ ký hợp đồng xuất khẩu trước. Một ký philê cá xuất khẩu, cần ít nhất 3,2 ký nguyên liệu, tức 73.600 đồng, trong khi giá cá mà doanh nghiệp đã ký xuất vào châu Âu có 3 USD/kg, tức 64.500 đồng (tỷ giá 21.500 đồng/USD), lỗ 9.100 đồng.
Phải sắp xếp lại ngành chế biến cá tra
Qua năm 2011, dự báo tình hình còn tồi tệ hơn rất nhiều vì diện tích thả mới vẫn chưa được cải thiện. “Cá đạt trọng lượng thu hoạch hiện nay cũng cạn kiệt, để có nguyên liệu doanh nghiệp phải vét mua cả loại 400 – 500g/con”, ông Ký nói.
“Nếu nông dân tiếp tục đầu tư nuôi thì mức lãi phải từ 4.000 đồng/kg trở lên mới bù đắp khoản chi phí lãi suất vay ngân hàng lên đến trên 18%/năm và giá nguyên liệu thức ăn tăng cao như hiện nay”, ông Trương Đình Hoè, tổng thư ký Vasep phân tích. Theo ông, khả năng người nuôi đầu tư lại là rất thấp, vì họ không còn tiền, tài sản cũng đã thế chấp hết vào ngân hàng, nay muốn vay lại cũng khó.
Theo nhận định của hiệp hội Chế biến và xuất khẩu thuỷ sản Việt Nam (Vasep), sản lượng cá năm 2011 sẽ giảm khoảng một nửa, tức còn tối đa 700.000 tấn, tương đương với gần 300.000 tấn sản phẩm xuất khẩu, kim ngạch dự kiến còn 1 tỉ USD, giảm 500 triệu USD so với năm 2010.
Trước tình trạng hụt nguyên liệu, nhiều doanh nghiệp cho biết mặc dù hợp đồng cho năm sau tới dồn dập nhưng lại không dám ký, do một phần vì sợ không có hàng giao, phần vì nếu giá cá nguyên liệu biến động, ký và chốt giá trước sẽ bị lỗ.
“Năm nay chúng tôi tự nuôi được khoảng 30% nguyên liệu, năm sau có cố gắng lắm cũng chỉ thêm 10%. Vì vậy, để tránh bị thua lỗ, hiện nay thay vì ký xuất khẩu dài hạn 3 – 6 tháng thì chúng tôi chỉ dám chốt giá chào bán cho nhà nhập khẩu ngay trong tuần và giao hàng trong tháng”, giám đốc một doanh nghiệp thừa nhận.
Theo ông Trương Đình Hoè, mấy năm qua, công suất các nhà máy chế biến cá tra mở rộng lên 2,5 triệu tấn, nhưng sản lượng cá tra thực tế nuôi được chỉ có 1,5 triệu tấn. Số này xem như vừa đủ để doanh nghiệp duy trì hoạt động. Nhưng năm 2011, khi sản lượng tiếp tục giảm xuống còn một nửa, sẽ rất khó khăn cho các nhà máy.
“Phải sắp xếp lại ngành chế biến cá tra theo hướng loại bỏ bớt nhà máy yếu kém và tổ chức lại đội ngũ lao động”, ông Hoè nói. Điều này cũng đồng nghĩa với việc phải sa thải bớt công nhân.
Hoàng Bảy / SGTT

Bình luận (0)