Nếu các doanh nghiệp xuất khẩu cao su của VN tận dụng tốt cơ hội thì kim ngạch xuất khẩu cao su năm 2011 có triển vọng sẽ tăng đến 12% so với năm 2010 và đích ngắm 3 tỷ USD không phải quá khó.
Mở rộng đầu tư
Theo Hiệp hội Cao su Việt Nam, Việt Nam (VN) hiện đang đứng thứ 5 thế giới về diện tích cao su và đứng thứ 4 thế giới về sản lượng xuất khẩu cao su tự nhiên. Sản phẩm cao su của VN hiện đã xuất khẩu ra 39 nước trên thế giới, trong đó Trung Quốc chiếm 60%.
Tại hội nghị hội viên năm 2011 tổ chức tại TPHCM mới đây, Hiệp hội Cao su VN cho biết: Năm 2010, xuất khẩu cao su toàn ngành đạt mức cao nhất từ trước đến nay với sản lượng 782.200 tấn, kim ngạch trên 2,3 tỷ USD. Bình quân mỗi tấn cao su 3.053 USD, tăng 94,7% về trị giá và tăng 82% về giá. Riêng 3 tháng đầu năm 2011, xuất khẩu cao su đạt khoảng 179.000 tấn, trị giá ước 798 triệu USD, tăng 48% về lượng và 50% về giá trị so với cùng kỳ năm 2010.
Công nhân nạo mủ cao su tại tỉnh Bình Phước. Ảnh: C.THĂNG
Với kết quả đó, xuất khẩu cao su xếp vị trí thứ 2 trong các mặt hàng nông sản xuất khẩu của VN.
Để tạo điều kiện thuận lợi cho ngành cao su phát triển, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định 750/QĐ-TTg về quy hoạch phát triển ngành cao su đến năm 2015 và tầm nhìn đến năm 2020. Theo đó, mục tiêu đến năm 2015, cả nước sẽ có 800.000ha cao su và sản lượng mủ đạt 1,2 triệu tấn.
Thực hiện quyết định này, hiện nay Tập đoàn Cao su VN đang đẩy mạnh công tác trồng mới cao su, tăng cường hợp tác với các nước bạn Lào và Campuchia mở rộng diện tích cây cao su. Trước mắt, thực hiện kế hoạch năm 2011, tập đoàn đang nỗ lực trồng mới 65.000ha cao su (chủ yếu tại vùng Tây Bắc và 2 nước bạn Lào-Campuchia), tạo đà cho việc hoàn thành mục tiêu chiến lược phát triển đạt 800.000ha cao su vào năm 2015 như kế hoạch Chính phủ đã giao.
Tổng Giám đốc Tập đoàn Cao su VN Trần Ngọc Thuận cho biết: Tập đoàn hiện đang triển khai phương án trồng cao su đa mục tiêu (vừa khai thác mủ, vừa khai thác gỗ), đồng thời mở rộng diện tích trồng cao su ở những vùng đất mới như Tây Bắc, Bắc Trung bộ, Nam Trung bộ và vùng biên giới Tây Nguyên.
Ngoài ra, tập đoàn còn tìm những giống cây trồng phù hợp với từng vùng và khai thác theo hình thức liên doanh hoặc cổ phần với người dân để phát triển cây trồng này.
Một xu hướng nữa đang được tập đoàn hướng đến là mở rộng diện tích trồng cao su ở các tỉnh Bình Phước, Đồng Nai, Tây Ninh, Bà Rịa – Vũng Tàu, đồng thời hướng đầu tư ra nước ngoài do quỹ đất trong nước không còn. Những nước nằm trong chiến lược hợp tác phát triển cây cao su cùng tập đoàn có Lào, Campuchia, Myanmar, Nam Phi…
Khó khăn và triển vọng
Theo Tổ chức Nghiên cứu cao su quốc tế (IRSG), nhu cầu về tiêu thụ cao su của thế giới năm 2011 dự kiến khoảng 25,5 triệu tấn và sẽ tăng lên 27,5 triệu tấn trong năm 2012, trong khi đó sản lượng cao su thiên nhiên của thế giới chỉ đạt khoảng 10,97 triệu tấn. Nhu cầu tăng nên xuất khẩu cao su trong năm 2011 đang có nhiều thuận lợi. Đó cũng chính là lý do từ đầu năm 2011, giá cao su VN vẫn tiếp tục tăng, đạt gần 5.000 USD/tấn.
Mặc dù giá cao su thiên nhiên tăng cao, nhưng đầu tháng 3 vừa qua, phía Trung Quốc đã đưa ra nhiều biện pháp kiềm chế lạm phát và hạn chế các doanh nghiệp nhập khẩu cao su theo đường tiểu ngạch. Bên cạnh đó, sự cố động đất xảy ra tại Nhật Bản cũng ảnh hưởng tới yếu tố tâm lý trên thị trường cao su, bởi các nhà chế tạo ô tô Nhật Bản buộc phải tạm dừng sản xuất.
Chưa hết, theo đánh giá của Hiệp hội Cao su VN, mặc dù đạt nhiều thành tích qua những con số nêu trên, nhưng sản phẩm cao su của VN vẫn chưa thực sự nổi bật trên thị trường quốc tế. Các nước nhập khẩu đa phần chỉ biết đến cao su của Malaysia, Thái Lan và Indonesia. Lý do, chất lượng cao su của VN chưa đồng đều, nhất là sản phẩm cao su tiểu điền.
Bên cạnh đó, tình trạng tranh mua tranh bán theo đường tiểu ngạch qua biên giới khiến các doanh nghiệp chỉ chạy đua về số lượng chứ chưa chú trọng đến chất lượng cao su.
Các doanh nghiệp chế biến sản phẩm từ cao su thiên nhiên trong nước cũng than phiền rằng họ rất khó thu mua được cao su thô chất lượng cao do sản phẩm tốt hầu hết đều tập trung cho xuất khẩu. Ngoài ra, do các bộ ngành chưa có quy hoạch cụ thể về việc trồng và chế biến cao su nên việc sản xuất cao su phát triển ồ ạt, chất lượng không đảm bảo.
Để hạn chế tình trạng trên, Hiệp hội Cao su VN đã đề nghị các cơ quan chức năng tăng cường phối hợp quản lý việc sản xuất cao su, triển khai các giải pháp răn đe, xử phạt hành vi vi phạm pháp luật gây ảnh hưởng xấu đến sản phẩm cao su xuất khẩu của VN.
Mặc dù còn gặp không ít khó khăn, nhưng theo nhận định của Hiệp hội Cao su thiên nhiên thế giới, nếu các nhà máy xăm lốp ô tô tại Nhật Bản phục hồi sản xuất sớm và nguồn cung còn hạn hẹp trong khoảng từ tháng 2 đến hết tháng 5 (do thời tiết xấu) thì thị trường sẽ đẩy cao su tăng giá.
Dự báo của Bộ NN-PTNT cũng cho rằng, sản lượng cao su xuất khẩu trong năm nay của VN có thể đạt con số gần 830.000 tấn, tăng khoảng 50.000 tấn so với năm ngoái nếu điều kiện thị trường thế giới thuận lợi. Điều đó có thể kỳ vọng nguồn thu ngoại tệ từ xuất khẩu sản phẩm cao su có thể hơn 3 tỷ USD.
Các chuyên gia kinh tế cũng cho rằng, những tín hiệu khả quan của nền kinh tế toàn cầu trong thời gian tới sẽ khiến nhu cầu về cao su tăng mạnh, kéo theo giá cao su sẽ tiếp tục phá vỡ những kỷ lục đã đạt. Nếu các doanh nghiệp xuất khẩu cao su của VN tận dụng tốt cơ hội, kim ngạch xuất khẩu cao su năm 2011 có triển vọng sẽ tăng đến 12% so với năm 2010 và đích ngắm 3 tỷ USD không phải quá khó.
NGUYỄN THU TUYẾT / SGGP
Tin liên quan
Ngày 15-11-2024, UBND TP.Cần Thơ phối hợp Viện Kinh tế - Xã hội TP long trọng tổ chức Diễn đàn Kinh tế...
Ngày 14-11, tại TP.Đà Nẵng, UBND TP.Đà Nẵng phối hợp với Bộ Công thương tổ chức diễn đàn “Khu thương mại tự...
Tối 4-11-2024, tại Trung tâm Hội nghị Quốc gia Việt Nam đã diễn ra lễ công bố “Thương hiệu quốc gia 2024-2026"...
Ngày 1-11-2024, TP.Cần Thơ long trọng khai mạc Hội chợ Nông nghiệp quốc tế Việt Nam năm 2024. Ông Nguyễn Văn Hiếu...
Bình luận (0)