Kinh tế - Giáo dụcChuyện doanh nghiệp

Xuất khẩu chè: Không vị ngọt hậu

Tạp Chí Giáo Dục

Mỗi năm, Việt Nam xuất hàng ngàn container trà thô sang Đài Loan, Trung Quốc, song những sản phẩm này lại được đóng gói nhãn mác và quay về Việt Nam bán với giá “hàng ngoại”. 


Năm 2010, Việt Nam xuất khẩu 132.000 tấn chè – Ảnh Thi Na

Theo Hiệp hội Chè Việt Nam (Vitas), năm 2010, cả nước xuất khẩu 132.000 tấn chè, thu về gần 194 triệu USD. Tuy nhiên, trong tổng kim ngạch xuất khẩu của ngành chè Việt Nam chủ yếu là xuất khẩu thô. Hiện 95% khối lượng chè nước ta được xuất khẩu dưới dạng nguyên liệu thô và chỉ 5% dưới dạng thành phẩm.

Chênh lệch giữa giá bán thành phẩm và nguyên liệu là rất lớn, gấp từ 5 – 10 lần. Giá chè xuất khẩu của Việt Nam chưa bằng một nửa của Sri-Lanka.
Bà Trần Minh Trang, Giám đốc Công ty trà Tiến Đạt cho biết, tiềm năng của ngành chè Việt Nam rất lớn, nhưng giá trị xuất khẩu thấp vì thương hiệu không được chú trọng.
Vài năm gần đây, một vài doanh nghiệp (DN) trong ngành đã bắt đầu chú trọng đầu tư thương hiệu, bao bì, nhãn hiệu,… nhưng chưa có dấu ấn đáng kể nào. Do đó, ngành chè Việt Nam thực chất chẳng khác gì là gia công và làm “vùng nguyên liệu” cho các DN nước ngoài.
Theo quy hoạch,đến năm 2010, cả nước sẽ có 100.000 ha chè, nhưng đến nay diện tích trồng chè đã đạt 131.000ha và theo đà này thì đến năm 2015 sẽ tăng lên 150.000ha

Chè thành phẩm của Việt Nam xuất sang thị trường Đài Loan rất khó tiêu thụ. Tuy nhiên, cũng với nguyên liệu chè thô của Việt Nam nhưng được phía Đài Loan đóng gói thành phẩm và tiêu thụ thì lại được đón nhận rất nồng nhiệt. Đây là nghịch lý nhưng càng cho thấy khả năng thua thiệt trong việc đóng gói, nhãn mác và bao bì của DN xuất khẩu chè Việt Nam.

Cho đến nay, những thương hiệu chè trong nước biết đến như Tâm Châu, Thái Bảo, Tiến Đạt, Trâm Anh… cũng mới chỉ định vị ở thị trường nội địa. Theo phân tích, để khẳng định thương hiệu, các thương hiệu chè phải tự tạo hương, dư vị đặc trưng riêng.
Để làm được điều này, phải có vùng nguyên liệu, đảm bảo thành phẩm được sản xuất hoàn toàn khép kín. Song, thực tế, vào mùa cao điểm, do vùng nguyên liệu dự trữ không đủ đáp ứng nhu cầu xuất khẩu, nên nhiều DN đã phải mua nguyên liệu từ bên ngoài, vô hình trung đã làm giảm chất lượng cũng như cái gọi “đặc trưng riêng” của chè Việt Nam.
Đã có thời gian số lượng các DN chế biến chè Việt Nam lên đến gần 500. Điều này đã dẫn đến tình trạng mất cân đối với vùng nguyên liệu, không gắn bó được giữa hộ sản xuất chè với nhà chế biến một cách ổn định.
Sản lượng chè bao nhiêu, kiểu gì thì nhà chế biến cũng mua vì thiếu nguyên liệu. Do đó, đa phần sản phẩm không đạt tiêu chuẩn về dư lượng thuốc trừ sâu, về kim loại nặng…
Theo Vitas, giống chè đúng nguồn, đúng chất lượng, công nghệ trồng, chế biến, sản xuất thành phẩm, kiểm định chất lượng sản phẩm… đang là những vấn đề rất cần đầu tư.
Hiện nay, nhiều DN tại khi vực phía Nam đã bắt đầu chú trọng đến thương hiệu cũng như chất lượng sản phẩm và vùng nguyên liệu. Tiên phong trong vấn đề chọn hướng đi mới, DN Tiến Đạt gần như đã thoát ra khỏi lối mòn truyền thống bằng cách làm sao để người tiêu dùng biết đó là chè Việt Nam nhưng vẫn thích.
Từ cách thức bao bì cho đến việc trang trí cửa hàng, tất cả mọi thứ đều theo một phong cách mới”, bà Trang chia sẻ. Và tên gọi Royal Tea House là tên gọi định vị hướng đi mới của Tiến Đạt, sau hơn 40 năm mới có thể thoát khỏi lối mòn sản xuất theo tính chất gia đình, chủ yếu nhắm vào thị trường cao cấp.
Không riêng gì chè Tiến Đạt, chè Tâm Châu cũng liên tục cho ra đời những sản phẩm mới cho người dùng trong nước, mặc dù chè – cà phê Tâm Châu được tiêu thụ ở nhiều nước trên thế giới…

P

Bình luận (0)