Kinh tế - Giáo dụcChuyện doanh nghiệp

Xuất khẩu chưa ổn

Tạp Chí Giáo Dục

0
(0)

Dù hơn chục ngành hàng xuất khẩu vượt ngưỡng 1 tỉ USD song nhiều mặt hàng chủ lực lại phụ thuộc quá lớn vào nguyên liệu nhập khẩu.

Theo đánh giá của Bộ Công Thương, lần đầu tiên những ngành có kim ngạch xuất khẩu vượt ngưỡng 1 tỉ USD đạt đến con số 13 chỉ trong vòng 8 tháng đầu năm. Dự kiến tăng trưởng xuất khẩu trong 4 tháng còn lại của năm 2010 vẫn tốt, song cũng đã bộc lộ những khó khăn cản đường xuất khẩu.

Kim ngạch xuất khẩu dệt may tăng trưởng khá nhưng ngành này đang gặp khó vì phải nhập nguyên liệu rất nhiều. Ảnh: HỒNG THÚY

Thiếu lao động và nguyên liệu

 Cũng theo Bộ Công Thương, do thuận lợi về giá, cung – cầu và tỉ giá, 8 tháng đầu năm, kim ngạch xuất khẩu của VN ước đạt 44,5 tỉ USD, tăng gần 20% so với cùng kỳ năm 2009 và vượt 13,7% so với kế hoạch đã đề ra 6%. Hầu hết mặt hàng xuất khẩu đều có khả năng đạt hoặc vượt kế hoạch đề ra. Chẳng hạn: Kim ngạch xuất khẩu dệt may 8 tháng ước đạt gần 6,9 tỉ USD, tăng 18% so với cùng kỳ năm 2009 và được đánh giá là có thể hoàn thành mục tiêu xuất khẩu cả năm đạt 10,5 tỉ USD. Xuất khẩu gỗ đạt 2,1 tỉ USD, tăng 36% so với cùng kỳ, các doanh nghiệp (DN) đã ký được các đơn hàng mới đến quý II/2011. Mặt hàng cao su cũng đạt kim ngạch 1,15 tỉ USD, tăng 3% về lượng nhưng tăng tới 89% về giá trị so với cùng kỳ năm trước… 

 10 năm, nhập khẩu từ Trung Quốc tăng 24,4 lần
 Trong 10 năm, kim ngạch xuất khẩu của TQ vào VN đã tăng gấp 24,4 lần (từ mức 673 triệu USD năm 1999 lên 16,44 tỉ USD năm 2009). Trong khi đó, nhập khẩu từ VN của TQ chỉ tăng khoảng 6,6 lần (từ 746 triệu USD lên 4,91 tỉ USD). 

Năm 1999, VN xuất siêu sang TQ 73 triệu USD nhưng từ năm 2000 đến nay, VN trở thành nước nhập siêu từ TQ với tỉ lệ 90% trong tổng nhập siêu.

Thế nhưng, theo các chuyên gia kinh tế, hầu hết DN và ngành hàng xuất khẩu chủ lực của VN lại đang vấp phải rào cản do đặc thù phụ thuộc quá lớn vào nguyên liệu nhập khẩu và thiếu lao động có tay nghề. Hạn chế này không chỉ ảnh hưởng lớn đến hàm lượng giá trị gia tăng của các sản phẩm xuất khẩu mà còn chứa đựng nhiều yếu tố rủi ro về biến động giá và nguồn cung nguyên liệu khiến các DN VN dễ vấp các rào cản thương mại.

Phụ thuộc vào nguyên liệu nhập khẩu nhiều nhất hiện nay là các ngành thủy sản, nhựa, chế biến hạt điều, đồ gỗ… Ông Nguyễn Hoài Nam, Phó Tổng Thư ký Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản VN (VASEP), cho biết hiện nay đang là thời điểm căng thẳng của ngành thủy sản vì gần 100 DN đang “vướng” Thông tư 25, không đủ nguyên liệu để sản xuất. Các DN này đang đói nguyên liệu trầm trọng và tình hình có thể kéo dài đến hết năm nay, kể cả sản phẩm xuất khẩu chủ lực như tôm, cá tra.

Thứ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Thành Biên cho rằng hiện nay, các chính sách thuế, tài chính, tỉ giá đã đáp ứng tối đa nhu cầu của DN. Còn những khó khăn về lao động, nguyên liệu đầu vào cần phải giải quyết căn cơ mới có thể giữ tốc độ tăng trưởng xuất khẩu ổn định.

Cảnh báo nhập siêu từ Trung Quốc

 Điểm sáng của hoạt động xuất nhập khẩu trong 8 tháng đầu năm là nhập siêu có dấu hiệu giảm dần. Tổng mức nhập siêu 8 tháng ước đạt 8,155 tỉ USD, bằng 18,32%% kim ngạch xuất khẩu và dự kiến cả năm chỉ bằng 18% – 19% kim ngạch xuất khẩu, thấp hơn so với mức trên 20% của nhiều năm gần đây. Bộ Công thương cho biết bên cạnh giải pháp thúc đẩy xuất khẩu, bộ đang triển khai nhiều biện pháp giảm nhập siêu, như đẩy mạnh sử dụng hàng trong nước, hạn chế dùng hàng nhập khẩu, nhất là máy móc thiết bị trong nước sản xuất được. Trong tháng 8-2010, Bộ Công Thương đã có chỉ thị yêu cầu các tập đoàn, tổng công ty dùng vật tư, máy móc, các sản phẩm cơ khí sản xuất trong nước và trình Chính phủ chỉ đạo về giải pháp này…

Tuy nhiên, một vấn đề đang được giới chuyên gia liên tục cảnh báo trong hoạt động xuất nhập khẩu gần đây là hiện tượng nhập siêu của VN chủ yếu từ Trung Quốc (TQ) chiếm tỉ lệ đến 90% trong tổng số nhập siêu…

TS Trần Đình Thiên, Viện trưởng Viện Kinh tế VN, cho rằng đồng nhân dân tệ tăng giá sẽ kích thích các nền kinh tế gia tăng xuất khẩu vào TQ trong thời gian tới. Đối với VN, có thể dẫn đến tình trạng bất lợi là khi VN chưa dịch chuyển cơ cấu, DN sẽ càng tăng xuất tài nguyên sang thị trường này để kiếm lời. Đồng thời, nếu các DN nhập khẩu không tìm được nguồn hàng khác thay thế mà vẫn phải nhập khẩu nguyên liệu, thiết bị, sản phẩm từ TQ với số lượng lớn như hiện nay thì khó có thể hy vọng giảm nhập siêu từ thị trường này.

 

Phương Anh / NLĐ

 

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết 0 / 5. Số lượt đánh giá: 0

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)