Kinh tế - Giáo dụcChuyện doanh nghiệp

Xuất khẩu đang rộng mở

Tạp Chí Giáo Dục

Đã hơn 5 năm trôi qua, hoạt động xây dựng đình đốn, thị trường bất động sản đóng băng khiến cho việc tiêu thụ vật liệu xây dựng (VLXD) giảm mạnh, lượng hàng tồn kho cao. Hầu hết doanh nghiệp trong lĩnh vực VLXD đang phải đối mặt với nhiều khó khăn, thậm chí có số doanh nghiệp phải ngừng sản xuất hoặc phá sản. Nguyên nhân dẫn đến thực trạng đáng buồn này, theo đánh giá của các chuyên gia kinh tế, đầu tiên cần “điểm mặt chỉ tên” là do tiềm lực tài chính của các doanh nghiệp trong ngành VLXD không đủ mạnh.

Trong khi đó, vốn vay để sản xuất kinh doanh có thời điểm vượt ngưỡng trên 20%, từ đó dẫn đến tỷ lệ vay trên tổng vốn đầu tư lớn, nên khi có biến động sẽ bị ảnh hưởng rất nhiều. Tiềm lực tài chính yếu khiến doanh nghiệp không mua được các thiết bị tốt, quá trình sản xuất dễ gặp trục trặc, dẫn tới ảnh hưởng chất lượng và giá thành. Ngoài ra, hoạt động quản lý sản xuất ở nhiều đơn vị còn chưa tốt nên chi phí cao, tiêu hao vật tư, thiết bị và năng lượng lớn. Chưa kể, trong giai đoạn này ngành sản xuất VLXD ở nước ta tuy có thị trường lớn nhưng không ổn định, lại chịu ảnh hưởng từ cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu và sự suy giảm của thị trường bất động sản trong nước. Đồng thời, bị cạnh tranh gay gắt do các sản phẩm VLXD nhập ngoại, nhất là hàng Trung Quốc, tràn lan thị trường nên tình hình tiêu thụ VLXD giảm mạnh. Trên thực tế, ngành VLXD luôn được Nhà nước quan tâm phát triển. Ở cấp quốc gia có quy hoạch phát triển tổng thể ngành VLXD toàn quốc do Thủ tướng Chính phủ phê duyệt; ở các địa phương cũng có quy hoạch ngành công nghiệp VLXD… Tuy nhiên, phải thừa nhận, thời gian gần đây xảy ra hiện tượng cung vượt cầu ở một số mặt hàng như sắt xép, xi măng, gạch ốp lát, kính xây dựng… một phần do tình trạng đầu tư quá nóng, các doanh nghiệp tư nhân và nhà nước đều ồ ạt triển khai với kỳ vọng vào thị trường lớn, tiềm năng nhiều và việc bổ sung quá nhiều dự án nằm ngoài quy hoạch đã làm tăng thêm sức ép về nguồn cung VLXD đối với thị trường. Bài học đắt giá này không riêng ở Việt Nam, nhiều nước trong khu vực như Thái Lan, Nhật Bản, Trung Quốc… cũng đang đối mặt.

Trước thực trạng trên, tiềm năng xuất khẩu ngành hàng VLXD được xem là cơ hội, kỳ vọng lớn, khi mà cánh cửa hàng rào thuế đang dần mở toang. Xuất khẩu sẽ mang lại nhiều lợi ích như tăng thu ngoại tệ để bù đắp vào việc nhập khẩu thiết bị, góp phần giảm sức ép dư cung khi tồn đọng để doanh nghiệp đảm bảo sản xuất và liên tục quay vòng vốn. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp VLXD cũng có điều kiện tham gia thị trường quốc tế để cạnh tranh và trưởng thành về nhiều mặt. Trước mắt, ngành VLXD cần đầu tư, phát triển có kế hoạch, bám sát vào quy hoạch, cải tiến công nghệ sản xuất để đạt được năng suất cao hơn, chất lượng tốt hơn, chi phí thấp hơn. Song song đó, ngành VLXD cần nâng cao trình độ quản lý, điều hành của các doanh nghiệp, lựa chọn những mặt hàng có lợi thế cạnh tranh, chủ động tham gia thị trường quốc tế. Đặc biệt, cần chú trọng sử dụng nguyên liệu là nhiên liệu có thể tái tạo được và các nguồn năng lượng mới… Bên cạnh đó, các doanh nghiệp trong ngành VLXD cũng cần tăng cường đầu tư thiết bị, công nghệ hiện đại để sản xuất các loại sản phẩm có chất lượng cao, phù hợp với từng thị trường xuất khẩu; tăng cường cải tiến kỹ thuật, đa dạng hóa mẫu mã và chủng loại, tiết kiệm nguyên-nhiên vật liệu. Về phía nhà nước, cần tăng cường hỗ trợ các doanh nghiệp xuất khẩu VLXD trong công tác xúc tiến thương mại, tăng cường kiểm soát các mặt hàng hóa lưu thông trên thị trường, đặc biệt là hàng hóa nhập khẩu và đơn giản hóa các thủ tục hành chính.

Trong xu thế hội nhập kinh tế khu vực và thế giới, khoa học và công nghệ phát triển nhanh, thương mại toàn cầu cạnh tranh ngày càng gay gắt. Do đó, để có thể thâm nhập thị trường thế giới, các nhà sản xuất kinh doanh VLXD trong nước cần phải có sự hợp tác rộng rãi, chặt chẽ hơn nữa với đối tác nội địa và nước ngoài, tạo dựng được thương hiệu có uy tín xuất khẩu lâu dài, ổn định. Bởi dù cánh cửa xuất khẩu đã mở toang, song cơ hội chỉ dành riêng cho những doanh nghiệp biết chớp lấy thời cơ

LẠC PHONG (SGGP)

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)