Kinh tế - Giáo dụcChuyện doanh nghiệp

Xuất khẩu dệt may 2010: Thoát cảnh ăn đong

Tạp Chí Giáo Dục

0
(0)

Sau một thời gian khá dài băng giá, tình hình sản xuất, xuất khẩu hàng dệt may đang dần ấm trở lại với rất nhiều đơn hàng xuất khẩu cho năm 2010.  

Dệt may Việt Nam bước dần qua sự ảm đạm. Ảnh: Đại Dương
“Năm tới sẽ thoát cảnh ăn đong đơn hàng” – Phó Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam (Vitas), ông Phạm Xuân Hồng, chia sẻ với Tiền Phong. Theo ông Hồng, từ quý 3 năm 2009 trở lại đây, đơn hàng nhiều hơn so với nửa năm về trước. Nhờ vậy, kim ngạch xuất khẩu toàn ngành dệt may Việt Nam 2009 có phần nhỉnh hơn so với con số 9,1 tỷ USD của năm 2008.
Đến nay, ông Hồng cho biết, hầu hết các doanh nghiệp (DN) đã nhận được đơn hàng sản xuất đến hết quý 1 và nhiều DN khác nhận được đơn hàng đến hết quý 2 năm 2010. Riêng Cty CP May Sài Gòn 3, DN do ông Hồng làm tổng giám đốc nhận được đơn hàng sản xuất đến hết quý 2 năm 2010 với tổng trị giá gần 40 triệu USD, tăng 20% so với cùng kỳ năm trước.
Ông Phan Văn Kiệt – Phó TGĐ Tổng Cty may Việt Tiến, cho hay: “Đến giờ phút này đơn hàng của Việt Tiến nhận đã đủ sản xuất đến gần hết quý 2 năm 2010, với tổng trị giá trên 80 triệu USD”. Ông Kiệt cũng đánh giá, dù đơn hàng chưa thể bằng như chưa xảy ra khủng hoảng nhưng, so với hai năm 2008 và 2009, đây là điều rất đáng mừng.
Bà Đinh Thị Phương Phi – Chủ tịch Cty Dệt may Thế Hòa thở phào: “Đơn hàng cuối năm rất tốt và tăng 30-40% so với tháng 7 và 8-2009”. Bà Phi tính toán, đến thời điểm hiện tại, Thế Hòa đã nhận đơn hàng sản xuất đến hết tháng 2 và đến cuối tháng 12 sẽ nhận đơn hàng đến hết quý 1 năm 2010.
Theo các DN, đặc điểm chung nhất của những đơn hàng mới là lớn hơn về số lượng sản phẩm và giá đơn giá tăng lên đáng kể so với những đơn hàng trong năm 2008 và 2009. Về đơn giá, bà Phi cho biết ví dụ, một áo sơ mi đơn giá gia công trước đây là 1,3 USD, nay tăng lên 1,4 hoặc 1,5 USD/sản phẩm. Ông Hồng cũng xác nhận, đơn giá có khi tăng lên khoảng 10% so với giữa năm 2009.
Hồi phục trong khó khăn
Tuy nhiên, các DN cũng đang phải đối mặt với những khó khăn mới. Sau một thời gian thu hẹp sản xuất và cắt giảm lao động, năng lực sản xuất của DN đã giảm mạnh. Khi đơn hàng dồi dào, DN bung trở lại, song do chưa có sự chuẩn bị kịp nên nhiều DN gặp lúng túng, nhất là thiếu công nhân.
Ông Hồng cho biết có DN trước đây có 500 lao động nhưng đã cắt giảm còn một nửa. Nhiều DN đã nhận nhiều đơn hàng với mục đích chia lại cho các cơ sở gia công vệ tinh, nhưng do không nắm bắt được đầy đủ thông tin về tình hình nhân lực, năng lực sản xuất hiện tại của các cơ sở vệ tinh nên vô tình DN tự đưa mình vào thế kẹt.
Cũng do không có sự chuẩn bị thấu đáo nên theo ông Hồng, nhiều lúc DN phải từ chối bớt đơn hàng. Thông thường đó là những đơn hàng mà năng lực của DN không đáp ứng được cả về yêu cầu kỹ thuật, số lượng lẫn thời gian giao hàng.
Ông Phan Văn Kiệt cho biết, yêu cầu của khách hàng hiện rất khác biệt so với trước. Chẳng hạn, thời gian giao hàng chỉ còn khoảng 60 ngày kể từ khi ký hợp đồng, thay vì 90 hay 100 ngày như trước đó. Bên cạnh đó, hàm lượng chất xám, tức các yêu cầu về thiết kế, kỹ thuật cũng cao hơn. Nếu các DN không có sự chuẩn bị kỹ sẽ không thể đáp ứng tốt các yêu cầu của khách hàng.          
Hướng đến con số 10,5 tỷ USD
Ông Phạm Xuân Hồng – Phó Chủ tịch Vitas: Có hai yếu tố quan trọng nhất tác động đến sự chuyển biến tích cực của ngành dệt may Việt Nam trong sáu tháng cuối năm 2009 và thời gian tới:
Một là các thị trường xuất khẩu lớn, nhất là Hoa Kỳ, có phần phục hồi. Hai là, Hiệp định Đối tác Kinh tế Việt – Nhật (VJEPA) được thực thi với nhiều dòng thuế xuất nhập khẩu giữa hai nước có thuế suất bằng không (0%), trong đó có hàng dệt may.
Ngoài ra, do có sự dịch chuyển đơn hàng dệt may từ các nước có giá cả tăng cao như Trung Quốc và Pakistan về Việt Nam. Chính vì vậy, có nhiều cơ sở để tin rằng kim ngạch xuất khẩu dệt may Việt Nam sẽ đạt được con số 10,5 tỷ USD trong năm 2010.
Đại Dương/TPO

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết 0 / 5. Số lượt đánh giá: 0

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)