Kinh tế - Giáo dụcChuyện doanh nghiệp

Xuất khẩu gạo 2011: Mở rộng thị trường

Tạp Chí Giáo Dục

0
(0)

Ngày 10-2, tại cuộc họp của Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA), nhận định về thị trường quý 1, ông Trương Thanh Phong, Chủ tịch VFA cho biết sẽ tổ chức mua 1 triệu tấn gạo tạm trữ từ đầu tháng 3 đến giữa tháng 4, thời điểm thu hoạch rộ vụ đông-xuân 2010 – 2011 tại ĐBSCL theo giá thị trường nhưng không dưới 5.000 đồng/kg lúa.


Đóng bao gạo xuất khẩu tại Công ty Foocosa. Ảnh: Cao Thăng
Không nên chăm bẵm vào một thị trường
Theo VFA, đến 31-1-2011, Việt Nam xuất khẩu trên 485.000 tấn gạo (trị giá FOB 243,932 triệu USD), cao hơn kế hoạch dự kiến là 350.000 – 400.000 tấn, tăng 37% so cùng kỳ. Đây là tháng có lượng giao hàng cao nhất từ trước đến nay do đẩy mạnh giao nhanh cho các hợp đồng xuất khẩu tập trung với Indonesia và Bangladesh (ký tháng 12-2010 và 1-2011).

 

Giá xuất khẩu (FOB) bình quân là 503,46 USD/tấn, tăng 39,54 USD/tấn, trong đó hợp đồng tập trung chiếm trên 83%. Trong tháng 2, khả năng xuất thêm 700.000 tấn. Như vậy, chỉ trong 2 tháng đầu năm VFA đã xuất xấp xỉ 1,2 triệu tấn gạo. Dự kiến tháng 3 sẽ xuất thêm 500.000 – 600.000 tấn gạo, tổng cộng quý 1 xuất khoảng 1,8 triệu tấn.
Cho đến nay, trong số 1,515 triệu tấn gạo các doanh nghiệp (DN) đăng ký, tập trung 2 thị trường chính là Indonesia và Bangladesh, lượng gạo hợp đồng còn lại giao từ tháng 2 trở đi là 1,031 triệu tấn. Tuy nhiên, đến nay Việt Nam vẫn chưa ký hợp đồng xuất tập trung với Philippines năm 2011 và điều này làm một số DN lo ngại.
Trước tình hình trên, nhiều DN cho rằng, không nên quá chăm bẵm vào thị trường Philippines. Theo Giám đốc Công ty Trung An (Cần Thơ), hiện Philippines mới mua 50.000 – 70.000 tấn gạo ở Campuchia. Đó là cách họ tạo áp lực với Việt Nam để hạ giá mua gạo. Năm 2010, chúng ta chỉ xuất khẩu sang Philippines, không bán gạo sang Indonesia và Bangladesh mà vẫn đạt kết quả.
Nay thì ngược lại. Việc Philippines có chiến lược mới về nhập khẩu gạo, không mua theo hợp đồng tập trung mà để tư nhân mua thăm dò giá và làm áp lực giảm giá thì VFA cũng phải có chiến lược ứng phó. Năm nay, VFA và các DN cần chủ động trong việc xuất khẩu gạo, không để bị ép giá.
Điều này có thể thấy khi các hội viên của VFA ngày càng nhất trí cao trong chiến lược kinh doanh. Theo ông Cao Minh Lãm, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty Xuất nhập khẩu An Giang, kinh nghiệm cho thấy, nếu chăm bẵm vào một thị trường nào đó sẽ luôn bị động.

Mua tạm trữ 1 triệu tấn gạo

VFA nhận định, ngoài hợp đồng tập trung đã ký với Indonesia và Bangladesh, riêng với Philippines, hai bên sẽ tiếp tục đàm phán. Bên cạnh đó, VFA sẽ tăng cường mở rộng thị trường, thêm các hợp đồng tập trung với Cuba, Iraq, Malaysia. Do đó nhu cầu thương mại, số lượng hợp đồng đăng ký sẽ tăng nhanh và việc tiêu thụ gạo đông-xuân và hè-thu sẽ thuận lợi hơn.
Ông Trương Thanh Phong cho rằng, thế giới lo ngại trước tình hình lương thực diễn biến như năm 2007 – 2008, giá các loại nông sản khác tăng cao, làm tăng giá gạo. Tuy nhiên giá gạo Việt Nam vẫn thấp hơn so với Thái Lan, Pakistan là những yếu tố thuận lợi cho hạt gạo Việt Nam. Mặc dù Philippines chưa thống nhất về chính sách mua nhưng để đáp ứng nhu cầu tiêu dùng, Philippines vẫn phải mua gạo, ít nhất cũng khoảng 1,5 triệu tấn trong năm nay.
Đó là chưa kể, theo dự báo, sau khi mua tập trung trong tháng 1 và 2, Indonesia sẽ nhập tiếp với số lượng lớn vào khoảng giữa năm. Do vậy, vấn đề là Việt Nam phải tính toán phương án, có sách lược khôn ngoan để bán vào thời điểm hợp lý, với giá cao. Hơn nữa các hợp đồng thương mại đến cuối tháng 3, đầu tháng 4 mới được triển khai nên cần bình tĩnh thực hiện các hợp đồng mua bán có lợi.
Với dự báo và tính toán như trên, trước mắt VFA sẽ giao 60 – 65 DN có khả năng về kho bãi mua 1 triệu tấn gạo tạm trữ (từ 1-3 đến 15-4). DN sẽ mua theo giá thị trường và ưu tiên vốn vay cho DN mua tạm trữ với mức lãi suất hợp lý. DN mua tạm trữ sẽ được VFA phân bổ chỉ tiêu xuất khẩu gạo cho Indonesia. Như vậy kết hợp giữa tạm trữ và kinh doanh xuất khẩu, tổng lượng gạo mua 2 tháng 3 và 4 tới khoảng 1,5 triệu tấn.
Theo ông Lê Minh Trượng, Giám đốc Công ty Lương thực Sông Hậu, VFA cần có hướng dẫn và kiểm soát giá mua, không để tình trạng DN mua giá thấp và bán giá thấp, tạo sự cạnh tranh không lành mạnh trong kinh doanh. 
Công Phiên/ SGGP

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết 0 / 5. Số lượt đánh giá: 0

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)