Kinh tế - Giáo dụcChuyện doanh nghiệp

Xuất khẩu gạo đầu 2011: mùa được giá

Tạp Chí Giáo Dục

0
(0)

Thị trường xuất khẩu gạo sắp bước vào mùa sôi động khi hàng loạt quốc gia có nhu cầu nhập khẩu số lượng lớn sắp mở thầu. Doanh nghiệp xuất khẩu gạo nhận định: giá gạo sẽ ở mức cao và nhiều khả năng tăng thêm vào đầu năm tới…

Nếu như đầu tháng 11 năm ngoái, Philippines chính thức khởi động mở thầu nhập khẩu gạo thì năm nay, dự kiến kế hoạch này chậm lại hơn một tháng.

“3 triệu tấn gạo đông xuân đã có thị trường”
Đánh giá về động thái trên, sáng 30/11, ông Huỳnh Minh Huệ, tổng thư ký hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA), cho rằng sẽ không ảnh hưởng nhiều lắm đến tiến độ xuất khẩu gạo của Việt Nam những tháng đầu năm 2011. Vì theo ông, nội dung chi tiết về kế hoạch mua gạo năm tài khoá 2011 sẽ được chính phủ nước này công bố vào ngày 6/12 tới. Và có thể trong tháng này hoặc chậm nhất là qua đầu tháng 1/2011, họ sẽ mở thầu nhập khẩu khoảng 1,4 – 2 triệu tấn gạo.

Gạo xuất khẩu tăng giá, hy vọng giá lúa cũng tăng theo đem lại lợi ích cho người nông dân. Ảnh: Lê Quang Nhật
Ngoài Philippines, hai thị trường khác là Indonesia và Malaysia cũng hứa hẹn mang lại sự sôi động cho thị trường gạo vào đầu năm tới. Indonesia, sau hai năm nỗ lực tự túc bằng cách tăng cường sản xuất thì đến cuối năm nay, họ cũng nhập hơn nửa triệu tấn gạo và dự kiến nhập thêm khoảng 700.000 tấn trong tháng 1/2010.
Ngoài ra, có dự báo nguồn gạo tồn kho ở Cuba, các quốc gia châu Phi, Trung Đông còn khá thấp cũng khiến họ phải đẩy mạnh việc mua gạo dự trữ.
Có thể nói, nhu cầu nhập khẩu gạo vào các tháng đầu năm 2011 là rất lớn, trong khi đó, do ảnh hưởng thời tiết hạn hán, mưa bão khiến sản lượng lúa ở nhiều quốc gia nhập khẩu và xuất khẩu giảm sút.
Đến cuối tháng 10 vừa qua, Thái Lan chính thức thừa nhận vụ mùa chính (đang thu hoạch và kết thúc tháng 3/2011) giảm khoảng 1,6 triệu tấn lúa, từ 23,5 triệu tấn năm ngoái, xuống còn 21,9 triệu tấn và dự kiến năm 2011 chỉ có thể xuất khẩu 8,5 – 9 triệu tấn, thấp hơn 500.000 tấn so năm 2010…
Ấn Độ tuy tồn kho gấp đôi năm ngoái, lên đến hơn 20 triệu tấn, nhưng đứng trước mối lo giá cả tăng cao, lạm phát nên họ phải cân nhắc quyết định tham gia xuất khẩu…
Từ những phân tích nói trên, ông Huỳnh Minh Huệ cho rằng, vào đầu năm tới, trong lúc nhu cầu mua rất lớn thì hầu như chỉ còn Việt Nam là nước duy nhất có khả năng đủ nguồn cung ứng cho thị trường. Philippines, Indonesia hay Malaysia là những thị trường tập trung truyền thống của Việt Nam. Chủng loại gạo họ mua thường là 25% tấm nên chúng ta có nhiều cơ hội bán gạo cho họ. Hơn nữa, các nước này mua gạo từ Việt Nam không chỉ có giá cả cạnh tranh hơn Thái Lan, Pakistan, hay Myanmar mà còn lợi thế về cước vận chuyển rẻ do cự ly gần…
“Tuy các nước chưa mở thầu, nhưng tôi khẳng định hợp đồng xuất khẩu cho toàn bộ sản lượng gạo hàng hoá vụ đông xuân 2011 – khoảng 3 triệu tấn – gần như cơ bản đã có”, ông Huệ tự tin nói như vậy.
Nông dân sẽ có lời cao?
Cho đến cuối tháng 11, lúa gạo hàng hoá ở các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long vẫn ổn định mức khá cao: lúa thu đông trên 6.300 đồng/kg, gạo nguyên liệu từ 8.100 – 8.300 đồng/kg. Hiện giá gạo xuất khẩu cũng đang khá tốt, loại 5% tấm khoảng 500 USD/tấn, 25% tấm trên 450 USD, tăng khoảng 10% so với với một tháng trước.
Nhận định về xu hướng giá trong thời gian tới, ông Phạm Văn Bảy, phó chủ tịch VFA cho rằng, giá gạo sẽ rất khó giảm, vì nhu cầu nhập khẩu gạo rất lớn vào đầu năm sẽ là đòn bẩy để giữ, thậm chí nâng giá cao hơn mức hiện nay. Ngoài yếu tố cung cầu, cơ sở nhận định giá gạo sẽ tiếp tục đứng vững mức cao, theo ông Bảy, còn xuất phát từ nguyên nhân giá thành sản xuất lương thực trên thế giới (bắp, đậu nành, lúa mì…) đã tăng mạnh trong vòng nửa năm nay do tác động từ giá dầu tăng đẩy nguyên liệu đầu vào như phân bón, thuốc trừ sâu tăng. Giá thành đầu vào tăng, cộng với những bất ổn về sản lượng đã khiến cho giá hầu hết các mặt hàng lương thực trên thế giới tăng rất mạnh và lúa gạo cũng không nằm ngoài quy luật này.
Còn theo bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn, giá thành sản xuất lúa vụ đông đông xuân 2010 – 2011 ở các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long (dự kiến hơn 1,6 triệu ha) cũng sẽ cao hơn năm trước. Hiện nay, giá phân bón tăng trung bình trên 30% so với vụ hè thu và đang có xu hướng tăng nữa do ảnh hưởng tỷ giá, lãi suất và giá thế giới tăng.
Tuy nhiên, với việc thị trường đầu ra sáng sủa, giá gạo thế giới dự kiến đứng vững mức cao thì theo VFA, nông dân có thể yên tâm với giá lúa vụ đông xuân sắp tới.
“Chúng ta không phải lo thị trường, lo giá lúa thấp mà cần xuống giống tối đa diện tích, tập trung đầu tư nâng cao năng suất, chất lượng lúa”, ông Phạm Văn Bảy khuyến cáo.
Nguồn SGTT

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết 0 / 5. Số lượt đánh giá: 0

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)