Kinh tế - Giáo dụcChuyện doanh nghiệp

Xuất khẩu gạo: Thắng trước mắt, thua lâu dài?

Tạp Chí Giáo Dục

0
(0)

Nông dân đang lời 100%; giá gạo xuất khẩu Việt Nam đã cao hơn Thái Lan; Việt Nam đã giành được thị trường của Thái Lan, Ấn Độ… Đó là những thông tin rất phấn khởi cho xuất khẩu gạo Việt Nam giữa bối cảnh “người khôn của khó” hiện nay.

Tuy nhiên những “động tác” giống như “nhường sân” của Thái Lan – nước xuất khẩu gạo lớn nhất thế giới – khiến nhiều chuyên gia giật mình…
Xuất khẩu gạo đang đà thắng. Ảnh: Ngô Nguyên
Đang đà thắng
Trong nước, tính đến hôm qua 13.4.2011, giá lúa mua tại ruộng phục vụ xuất khẩu ở một số nơi tại ĐBSCL đã lên cao, từ 6.000 – 6.900đ/kg tùy loại (như lúa Jasmine từ 6.700 – 6.900đ/kg, OM 1490 từ 6.000 – 6.200đ/kg). Theo dự báo, giá lúa sẽ còn tiếp tục tăng bởi hiện nay, nhu cầu thu mua gạo phục vụ xuất khẩu đang tăng rất mạnh. Theo Cục Trồng trọt, giá thành lúa đông xuân 2010 – 2011 ở ĐBSCL vào khoảng 3.000 – 3.200 đồng/kg. Như vậy, với mức giá bán tại ruộng hiện nay, nông dân ĐBSCL đang thu lời khoảng 3.000đ/kg, tức lợi nhuận đạt tới 100%, vượt xa mức tối thiểu 30%.
Trên thị trường thế giới, giá gạo xuất khẩu của Việt Nam đã tăng 22,4% so với cùng kỳ năm ngoái. Giá gạo 5% tấm tăng 4%, lên 470 – 480USD/tấn, trong khi gạo loại 1 của Thái Lan giá giảm xuống 460USD/tấn từ mức 465USD/tấn tuần trước đây. Các thương gia ở Thái Lan dự báo giá gạo của họ sẽ còn giảm hơn nữa, bởi khách hàng đã chuyển qua mua gạo Việt Nam. Đơn cử chỉ riêng 20 Cty Trung Quốc đã mua tới 130.000 tấn gạo Việt Nam – chiếm gần 9% trong tổng 1,5 triệu tấn sẽ bốc xếp trong quý II năm nay.
Hiệp hội lương thực Việt Nam (VFA) còn phấn khởi cho hay, DN Việt Nam cũng giành được thị trường Bangladesh từ Ấn Độ, Pakistan và Thái Lan, nhờ vậy đã bù đắp sự sụt giảm của thị trường Philippines, Châu Phi và Bắc Phi. Nhiều khả năng Nhật Bản nhập khẩu trở lại gạo thơm từ Việt Nam với giá rất cao.
Ông Trương Thanh Phong – Chủ tịch VFA còn hồ hởi rằng từ khi đất nước tham gia xuất khẩu gạo (1989) đến nay, lần đầu tiên trong quý I/2011, VFA đạt kỷ lục xuất khẩu gạo với sản lượng 1,849 triệu tấn, tăng 42,23% về số lượng và tăng 45,72% về giá trị FOB so với năm 2010.
“Động thái” lạ của Thái Lan
Gạo Việt Nam đang đà tăng tốc cả sản lượng, giá cả và thị trường. Ngay thời điểm này, Chính phủ Thái Lan lại khuyến khích nông dân giảm từ 3 vụ xuống còn 2 vụ mỗi năm, đồng nghĩa việc sẽ làm giảm tiếp khoảng 2 triệu tấn gạo xuất khẩu/năm của nước này.
Những yếu tố trên khiến “nhiều người” chắc chắn rằng chỉ thời gian ngắn nữa, Thái Lan – một nước trong nửa thế kỷ qua luôn giữ ngôi đầu thế giới về xuất khẩu gạo – sẽ phải nhường “ngai” lại cho Việt Nam.
Tuy nhiên những “động tác” này lại khiến nhiều chuyên gia lo ngại. Chính phủ Thái khuyến khích giảm từ 3 xuống 2 vụ lúa dãn cách vụ sẽ làm giảm nạn rầy nâu, loại bọ này sẽ chết nếu rời bỏ cây lúa quá 25 ngày.
Việc giảm này cũng giúp đất đai Thái không bị “vắt kiệt sức” và “lờn thuốc”. Cùng với giảm vụ, Chính phủ Thái lại muốn nông dân tập trung vào giống lúa chất lượng cao hơn, để xâm nhập vào những thị trường nhập khẩu cao cấp hơn.
Chưa hết, mới đây cơ quan chức năng nước này còn lên kế hoạch để đưa gạo trắng 5% tấm lên sàn giao dịch nông sản kỳ hạn Thái Lan kể từ ngày 29.4.2011, khối lượng giao dịch là 50 tấn, theo giá FOB. Theo phân tích, việc giao dịch gạo trên sàn sẽ giúp người dân chủ động được kế hoạch sản xuất và kinh doanh, đưa lúa gạo Thái ra thị trường một cách hiệu quả hơn.
Với hệ thống giao dịch hiện đại, tiêu chuẩn cao cùng hệ thống an toàn trong thanh toán tiền mặt, cộng với sự tiện lợi trong việc phân phối sản phẩm, sàn này sẽ tạo điều kiện cho thị trường lúa gạo phát triển.
Các nhà nhập khẩu từ một số nước có thể cũng có nhiều lợi thế hơn khi tham gia giao dịch bởi cơ chế bảo hiểm chống lại biến động bất thường về giá. Các đơn vị của chính phủ được theo dõi biến động của thị trường lúa gạo trên màn hình và từ đó đưa ra những chính sách quản lý hệ thống gạo tốt hơn. Người Thái kỳ vọng, giá gạo giao dịch hợp đồng sẽ trở thành giá gạo chuẩn cho toàn cầu.
Như vậy Thái Lan đang đi theo hướng “quý hồ tinh bất quý hồ đa”, nâng giá trị hạt gạo nước này, phù hợp với xu hướng tiêu dùng ngày càng cần chất lượng cao của thế giới.
Còn Việt Nam thì đang mải miết với “năng suất, sản lượng năm sau luôn cao hơn năm trước” khiến độ màu mỡ của đất đai ngày càng kiệt quệ do phải tăng cường khai thác, phải sử dụng nhiều phân bón, thuốc trừ sâu.
Hơn thế nữa, như thừa nhận của VFA, đến giờ này, dù là nước đứng thứ hai thế giới về xuất khẩu gạo nhưng đến nay chúng ta vẫn chưa có bộ giống lúa nào có chất lượng đảm bảo để xây dựng thương hiệu gạo của Việt Nam.
Như vậy, khả năng gạo Việt sẽ tiếp tục thua dài dài gạo Thái(?!).
Ngô Sơn/ Lao Động

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết 0 / 5. Số lượt đánh giá: 0

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)