Kinh tế - Giáo dụcChuyện doanh nghiệp

Xuất khẩu gạo: Thị trường hút hàng, chờ giá cao mới bán

Tạp Chí Giáo Dục

0
(0)

Năm 2010, lần đầu tiên xuất khẩu gạo đạt kim ngạch kỷ lục hơn 3 tỉ USD. Dự báo thị trường gạo 2011 vẫn khá tốt, hứa hẹn giá xuất cao, nhưng tính toán làm sao xuất khẩu có hiệu quả cao nhất là bài toán được Hiệp hội lương thực Việt Nam (VFA) đưa ra bàn thảo sáng 6/12 tại Long An.

Đạt kim ngạch 3,1 tỉ USD

Theo VFA, đến hết tháng 11, các doanh nghiệp đã xuất khẩu được 6,267 triệu tấn gạo, đạt giá trị 2,673 tỉ USD (giá FOB), quy ra giá trị CIF là 2,916 tỉ USD. Cũng đến hết tháng 11, tổng lượng gạo đã ký hợp đồng là 6,927 triệu tấn, trong đó 460 ngàn tấn được giao trong tháng 12 này, số còn lại giao tháng 1 năm sau.

VFA khuyến cáo các doanh nghiệp bám sát tình hình sản xuất trong nước cũng như những biến động trên thị trường gạo thế giới để bán được gạo với giá tốt.

Lượng gạo tồn kho đến 30/11 là 838.759 tấn. Trên cơ sở đó, ông Trương Thanh Phong, chủ tịch VFA khẳng định, giao hàng trong tháng 12 chắc chắn sẽ đạt trên 400 ngàn tấn gạo và trong năm nay, xuất khẩu gạo sẽ đạt 6,7 triệu tấn, đạt giá trị khoảng 3,1 tỉ USD (giá CIF).
Để vượt ngưỡng 3 tỉ USD, trước hết là nhờ vào số lượng gạo xuất khẩu năm nay tiếp tục đạt mức kỷ lục mới, tăng 500 ngàn tấn so với 2009. Bên cạnh đó, giá xuất khẩu tăng cao hơn nhiều so với năm trước cũng đã góp phần quan trọng vào thành tích này. Trong 11 tháng đầu năm nay, giá xuất khẩu bình quân (FOB) cao hơn cùng kỳ 2009 tới 58,76 USD/tấn.
Năm 2011 xuất hơn 6 triệu tấn
Theo VFA, do lượng gạo xuất khẩu năm nay quá lớn, nên lượng gạo tồn kho chuyển sang đầu năm 2011 khá thấp, chỉ khoảng 500 ngàn tấn, giảm tới 900 ngàn tấn so với lượng gạo từ năm 2009 chuyển sang 2010. Lượng gạo đã ký hợp đồng xuất khẩu giao đầu năm 2011 cũng khá thấp, mới chỉ có 200 ngàn tấn. Đến thời điểm này, các thị trường tập trung, thị trường châu Phi vẫn chưa bắt tay vào nhập khẩu cho năm tới, nhiều khả năng phải tới tháng 2, họ mới bắt đầu chương trình nhập khẩu gạo. Vì thế, trong quý 1 năm tới, tiến độ xuất khẩu gạo sẽ chậm.
Ngoài ra, sản xuất trong nước năm tới dự kiến gặp nhiều khó khăn do thiên tai, hạn hán, nước mặn xâm nhập và chi phí đầu vào cao. Đối với các tỉnh, các ý kiến lo ngại năng suất, sản lượng vụ đông xuân 2010-2011 sẽ giảm do năm nay không có lũ, đồng ruộng thiếu phù sa, sâu bệnh nhiều… Tình trạng lũ lụt ở miền Trung, khô hạn ở miền Bắc cũng gây ra những lo ngại về sản lượng lúa gạo cả nước. Trong khi đó, nguồn lúa gạo từ Campuchia sẽ không sang nhiều như trước do thương lái Thái Lan đã và sẽ sang mua rất nhiều.
Chính vì vậy, theo VFA, chỉ tiêu xuất khẩu gạo năm 2011 chỉ dừng lại ở mức tối đa 6 triệu tấn. Tuy nhiên, đây không phải là con số cố định mà tùy tình hình cụ thể về cung, cầu sẽ có điều tiết phù hợp.
 

Không bán gạo dưới 500 USD/tấn

Về thị trường gạo thế giới năm 2011, theo VFA, đến thời điểm này, dự báo vẫn lạc quan cho các nước xuất khẩu do sản lượng giảm, nguồn cung cấp hạn chế và nhu cầu tăng, đặc biệt tại khu vực châu Á. Ngoài Indonesia đang chi phối thị trường với việc mua số lượng lớn (550 ngàn tấn từ Việt Nam và 50 ngàn tấn từ Thái Lan), một số nước nhập khẩu lớn cũng bắt đầu quay lại thị trường gạo thế giới như Iran, Iraq…

Tuy nhiên, thị trường gạo thế giới năm tới vẫn ẩn chứa nhiều yếu tố bất thường, khi tình hình thiên tai trên thế giới càng ngày càng khó đoán. Ấn Độ đang có tồn kho gấp đôi năm ngoái nhưng không biết nước này có bán ra hay không. Trung Quốc mặc dù bị thiên tai nhiều nơi nhưng việc nhập khẩu gạo vẫn còn là ẩn số.
Ông Trương Thanh Phong khuyến cáo các doanh nghiệp cần phải bám thật sát tình hình sản xuất trong nước cũng như những biến động bất thường trên thị trường gạo thế giới để có được quyết định hợp lý, bán được gạo với giá tốt, qua đó giúp cho cả doanh nghiệp lẫn nông dân đều được hưởng lợi.
“Chúng ta không vội ký hợp đồng, cần lựa chọn thời điểm để bán giá tốt nhất. Tinh thần là gạo 5% tấm không được bán dưới giá 500 USD/tấn", ông Phong yêu cầu.
Nguồn SGTT

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết 0 / 5. Số lượt đánh giá: 0

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)