Kinh tế - Giáo dụcChuyện doanh nghiệp

Xuất khẩu gạo: Vẫn là bài học dự báo

Tạp Chí Giáo Dục

0
(0)

Sẽ là không ngoa khi nói rằng năm 2010 là năm nhiều kịch tính trong xuất khẩu gạo. Sau bước khởi đầu “như mơ”, tưởng như đã có thể cầm chắc một “năm vàng” trong xuất khẩu mặt hàng nông sản chiến lược này, khó khăn lại chồng chất nảy sinh, rồi lại có một đoạn kết có hậu…

Còn nhớ, vào những ngày đầu năm 2010, không chỉ nông dân trồng lúa mà hết thảy những người “ngoài cuộc” đều rất hân hoan với mục tiêu kép của Hiệp hội Lương thực VN (VFA): giữ nguyên kỷ lục về khối lượng gạo xuất khẩu 6 triệu tấn như năm 2009, nhưng kim ngạch xuất khẩu sẽ tăng vọt lên 3-3,2 tỉ USD.
Bài học của 22 năm xuất khẩu gạo trên quy mô lớn vẫn là bài học về dự báo, dù dự báo giá của loại nông sản chiến lược này luôn là vấn đề nan giải đối với bất kỳ ai.
Như vậy, giá và giá trị gạo xuất khẩu sẽ không chỉ tăng 16% so với năm 2009 (406 USD/tấn và 2,437 tỉ USD) như quan chức cao nhất của VFA cho biết, mà sẽ tăng vọt 93-126 USD/tấn để đạt 500-533 USD/tấn, tức chỉ kém “chút xíu” kỷ lục 569 USD/tấn mà ta đã đạt được trong năm giá gạo thế giới đạt kỷ lục mọi thời đại (trên 1.000 USD/tấn năm 2008). Kim ngạch xuất khẩu của nước ta sẽ lần đầu tiên đạt kỷ lục ở ngưỡng 3 tỉ USD, thậm chí 3,2 tỉ USD.
“Lỗi hẹn” trong mục tiêu giá cả

Bối cảnh thị trường thế giới năm nay lại khác xa. Theo một vài dự báo, sản lượng gạo vẫn tăng khá mạnh, xuất nhập khẩu tăng không đáng kể, nhưng tiêu dùng tăng rất mạnh nên tồn kho giảm nhẹ. Tình hình cung cầu một số loại ngũ cốc chủ yếu trên thế giới lại có những thay đổi rất lớn: cung giảm, cầu tăng, nên dự trữ giảm rất mạnh. Triển vọng giá gạo trong mối quan hệ qua lại giữa các loại ngũ cốc chủ yếu này ra sao, diễn biến như thế nào trong thời gian tới là một câu hỏi rất khó tìm ra lời giải.
Tuy nhiên, các số liệu thống kê của VFA cho thấy tổng khối lượng gạo xuất khẩu tuy đạt kỷ lục chưa từng có trên 6,72 triệu tấn nhưng tổng kim ngạch xuất khẩu chỉ đạt 2,9 tỉ USD. Giá bình quân mỗi tấn gạo xuất khẩu mới đạt 433 USD/tấn, tăng 26 USD/tấn so với năm 2009.

Cho dù khối lượng gạo xuất khẩu kỷ lục chưa từng có như vậy được coi là một thành công lớn, song không thể phủ nhận những bất cập không nhỏ vẫn tồn tại trong hoạt động này, dẫn đến việc “lỗi hẹn” trong thực hiện mục tiêu giá cả.
Trước hết, so với diễn biến giá cả thế giới nói chung, mức tăng của các doanh nghiệp nước ta trong năm 2010 không đủ bù cho mức giảm quá lớn trong năm 2009. Bởi lẽ, từ mức “đỉnh” 295 điểm phần trăm trong năm 2008, giá gạo thế giới năm 2009 chỉ giảm 14,2% xuống còn 253 điểm phần trăm; với mức giảm 9,5% xuống còn 229 điểm phần trăm trong năm 2010, tổng mức giảm của năm 2010 so với năm 2008 cũng chỉ là 22,2%. Trong khi đó, giá gạo xuất khẩu của nước ta đã “rơi tự do” từ 569 USD/tấn (năm 2008) xuống còn 407 USD/tấn (năm 2009). Do vậy, cho dù tăng 6,5% trong năm 2010 nhưng so với năm 2008, giá gạo xuất khẩu của nước ta năm 2010 vẫn giảm tới 23,8%. Nói cách khác, dù đã tăng trong năm 2010 nhưng giá gạo xuất khẩu của nước ta vẫn thấp so với giá thế giới.
“Lạc nhịp” trong chu trình xuất khẩu
Việc giá gạo xuất khẩu trong năm 2010 thấp quá xa so với dự kiến như vậy là do nhiều nguyên nhân khác nhau. Ba nguyên nhân sau có lẽ là quan trọng nhất:

Thứ nhất, nếu nhìn vào tiến độ xuất khẩu gạo trong năm 2010, có thể thấy rất rõ nguyên nhân quan trọng bậc nhất khiến giá gạo quá thấp so với mục tiêu VFA đề ra là do đã đẩy mạnh xuất khẩu đúng vào thời đoạn giá gạo “bèo” nhất trong năm. Các số liệu của VFA cho thấy khi giá gạo xuất khẩu quý 1 đạt kỷ lục 472 USD/tấn thì khối lượng xuất khẩu chỉ đạt 1,292 triệu tấn, quý 4 có giá về nhì với 464 USD/tấn thì khối lượng xuất khẩu đạt 1,368 triệu tấn, nhưng trong hai quý giữa năm, khi giá chỉ đạt 385 USD/tấn và 429 USD/tấn thì khối lượng xuất khẩu đều lên tới trên 2 triệu tấn.

Như vậy, tính chung lại, ở hai quý được giá đầu năm và cuối năm, tổng khối lượng gạo xuất khẩu chiếm chưa tới 40%, trong khi hai quý giữa năm giá thấp thì tổng khối lượng xuất khẩu chiếm trên 60%. Trong đó, điển hình nhất là khối lượng gạo xuất khẩu đã được đẩy lên cao kỷ lục 813.000 tấn trong tháng 8 – một mức có lẽ chưa từng có trong suốt 22 năm xuất khẩu quy mô lớn của nước ta – nhưng đó cũng chính là thời điểm giá gạo xuất khẩu đứng ở mức “đáy” trong năm 2010 chỉ với 371,7 USD/tấn.
Thứ hai, diễn biến giá gạo xuất khẩu theo quý như nói trên của nước ta có phần “lạc nhịp” so với giá gạo xuất khẩu của thế giới. Từ các số liệu thống kê của Tổ chức Lương nông Liên Hiệp Quốc (FAO) có thể thấy đối với nhóm gạo Indica chất lượng thấp (gạo từ 20% tấm trở lên), nếu giá bình quân trong quý 1 bằng 104% giá bình quân của cả năm, còn quý 4 đạt đỉnh 111%, thì quý 2 đứng ở mức “đáy” với 87%, còn quý 3 gần đạt mức trung bình của cả năm (97%). Trong khi đó, theo cách tính này, giá gạo xuất khẩu của VN đạt đỉnh 109% ngay trong quý 1 và quý 4 cũng chỉ đạt 107%, quý 2 tuy giảm mạnh so với quý 1 nhưng cũng gần đạt mức trung bình (99%) và quý 3 chạm đáy chỉ với 89%.
Sự “lạc nhịp” này chắc chắn có phần quyết định là do các doanh nghiệp nước ta đã liên tục thắng thầu với giá cao ngất ngưởng những khối lượng gạo rất lớn cung ứng cho thị trường Philippines trong nửa đầu năm, còn sau đó, khi giá gạo thế giới đã bắt đầu tăng từ tháng 6 thì giá gạo của VN vẫn tiếp tục tụt dốc đến tháng 9 mới bắt đầu nhích lên. Từ các số liệu cập nhật của VFA và các kết quả bốn cuộc đấu thầu theo như công bố của Cơ quan Thực phẩm quốc gia Philippines (NFA), nếu loại trừ 1,4 triệu tấn gạo với giá cao ngất ngưởng gần 575 USD/tấn mà các doanh nghiệp nước ta giành quyền cung ứng cho thị trường này, giá xuất khẩu bình quân của hơn 5,3 triệu tấn gạo còn lại chỉ đạt 396 USD/tấn…
Thứ ba, khoảng cách quá xa giữa mức giá thực tế đã đạt được so với giá mục tiêu chính là do mục tiêu VFA đề ra từ đầu năm quá cao, ngược chiều so với xu thế biến động của giá thế giới. Cũng số liệu thống kê của FAO cho thấy giá gạo thế giới năm 2009 đã giảm 14,2% và năm 2010, trái ngược với dự báo sẽ tăng “khủng” của VFA, đã tiếp tục giảm 9,5%.
Như vậy, thành tựu lớn nhất trong xuất khẩu gạo năm 2010 vẫn là khối lượng đạt kỷ lục chưa từng có. Song giá gạo xuất khẩu sau “bước chạy đà phấn chấn” trong cung ứng những khối lượng gạo rất lớn cho Philippines, các doanh nghiệp nước ta đã có phần “hụt hơi” nên kết quả vẫn hạn chế. Do vậy, bài học của 22 năm xuất khẩu gạo trên quy mô lớn vẫn là bài học về dự báo, dù dự báo giá của loại nông sản chiến lược này luôn là vấn đề nan giải đối với bất kỳ ai.
Nguồn TTO

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết 0 / 5. Số lượt đánh giá: 0

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)