Kinh tế - Giáo dụcChuyện doanh nghiệp

Xuất khẩu gỗ có nhiều lợi thế

Tạp Chí Giáo Dục

Năm 2013 kim ngạch xuất khẩu các mặt hàng gỗ chế biến tăng hơn 19%, đạt 5,5 tỷ USD. Như vậy, dù vẫn gặp khó khăn chung do suy thoái kinh tế, nhưng ngành chế biến gỗ vẫn tiếp tục duy trì tốc độ phát triển ấn tượng với 2 con số.

Thời cơ

Do ảnh hưởng suy thoái thị trường châu Âu, giá thành tăng không cạnh tranh được, nhiều nhà máy của những nước chế biến đồ gỗ lừng lẫy thế giới như Ý, Đức, Mỹ đã thu hẹp sản xuất hoặc đóng cửa, trong khi mặt hàng đồ gỗ chế biến của Trung Quốc đã bị Mỹ áp thuế chống bán phá giá cao, làm mất lợi thế cạnh tranh, đó là chưa nói đến nhân công lao động của ngành chế biến gỗ không còn là lợi thế của Trung Quốc. Đây là cơ hội để ngành gỗ chế biến Việt Nam mở rộng thị trường và thị phần. Theo ông Nguyễn Chiến Thắng, Giám đốc Điều hành Công ty Scansia Pacific, nguyên Chủ tịch Hội Mỹ nghệ và chế biến gỗ TPHCM (Hawa), những nhà xưởng chế biến gỗ của các nước Âu, Mỹ đều có thiết bị tiên tiến, chủ những doanh nghiệp (DN) này sẵn sàng bán lại, đồng thời cử chuyên gia sang đào tạo, huấn luyện và vận hành thời gian đầu. Đây có thể nói là cơ hội cho DN Việt Nam tiếp cận thiết bị mới nhất của ngành chế biến gỗ các nước tiên tiến với giá vừa phải. Vấn đề là nhà nước nên có gói chính sách hỗ trợ cho việc mua sắm thiết bị này, bởi lẽ đa phần DN ngành chế biến gỗ đều thuộc dạng vừa và nhỏ.

Sản xuất đồ gỗ xuất khẩu tại TPHCM. Ảnh: Cao Thăng

Trong khi đó, ông Huỳnh Văn Hạnh, Phó Chủ tịch Hawa cho rằng, Việt Nam là quốc gia đứng thứ 6 thế giới về xuất khẩu sản phẩm gỗ, thứ 2 châu Á sau Trung Quốc và thứ nhất khu vực Đông Nam Á, nhưng với kim ngạch xuất khẩu 5,5 tỷ USD, ngành chế biến gỗ Việt Nam chỉ mới chiếm 1,5% thị phần xuất khẩu gỗ thế giới. So với 10 nước xuất khẩu đồ gỗ nhiều nhất, Việt Nam là nước có nhiều ưu thế về sản xuất, lao động, khu vực chế biến tập trung với bán kính khoảng 50km… Tiêu biểu như khu vực Đông Nam bộ và TPHCM. Tiềm năng và cơ hội của ngành còn rất nhiều. Nếu có chính sách phát triển phù hợp, ngành chế biến gỗ Việt Nam có thể nâng thị phần xuất khẩu hàng năm từ 1,5% hiện nay lên 5% trong khoảng chục năm tới, tương đương với 15 tỷ USD. Riêng năm 2014, kim ngạch xuất khẩu đồ gỗ có thể tăng 20%, đạt trên 6,5 tỷ USD.

Thị trường nội địa khởi sắc

Nhiều người cho là không tưởng về kim ngạch xuất khẩu gỗ trong tương lai với con số quá cao như vậy. Nhưng những người công tác lâu năm và tâm huyết trong nghề chế biến gỗ thì cho rằng, con số này không phải là mơ mộng và nếu như Nhà nước có cái nhìn toàn diện hơn về ngành này thì ngành chế biến gỗ hoàn toàn có đủ điều kiện trở thành một ngành kinh tế mũi nhọn. Nếu được sự hỗ trợ bằng chính sách của nhà nước, giúp ngành công nghiệp phụ trợ phát triển để cung cấp những thiết bị, nguyên vật liệu cho ngành xuất khẩu gỗ chế biến thì điều được xem là viển vông đó hoàn toàn là hiện thực. Hawa đã có đề án về tham vọng này để báo cáo với lãnh đạo TPHCM cùng với những kiến nghị và bước đi cụ thể.

Trong khi đó, theo khảo sát của ban tổ chức tại Hội chợ Đồ gỗ nội địa Vifa home 2013 (tháng 11-2013), dù còn khiêm tốn khi tổng mức giao dịch tại chỗ là 16 tỷ đồng, nhưng tăng đến 30,3% so với lần hội chợ cùng kỳ năm trước. Đây là hội chợ chuyên ngành đồ gỗ nội địa mới được tổ chức vài năm gần đây nhưng sự tăng trưởng như vậy cho thấy, thị trường đồ gỗ nội địa có nhiều chuyển biến mạnh những năm gần đây. Các DN thông qua Vifa home tiếp cận nhanh hơn tới người tiêu dùng và các công trình xây dựng. Theo khảo sát của một công ty độc lập nước ngoài, với quy mô 90 triệu người, thương mại đồ gỗ Việt Nam 4 năm gần đây khoảng 19,8 tỷ USD/năm. Trong đó, tiêu dùng đồ gỗ của người dân thành thị chiếm khoảng 30% cho hộ gia đình và 40% cho các công trình dự án mới; 30% thị phần còn lại là từ 70% dân cư ở nông thôn. Được biết, trước giai đoạn suy thoái kinh tế, thương mại đồ gỗ nội địa khoảng 3 tỷ USD/năm. Với sự hồi phục này, tiêu dùng nội địa năm nay nhiều khả năng đạt mức 2 tỷ USD trở lên.

Tuy nhiên, cũng theo Hawa, khó khăn của ngành chế biến gỗ vẫn còn nhiều, ngoài những vấn đề tự thân từng DN phải giải quyết như lao động kỹ thuật, công nghệ sản xuất, vận chuyển nội bộ, kiểm soát chi phí đầu vào… Trên bình diện quốc gia có một số thách thức phải đối mặt: Nâng cao tỷ lệ hiệu quả sử dụng gỗ và giảm chi phí vận chuyển bằng sản xuất trung gian (các loại ván nhân tạo, gỗ ghép…) tại các vùng trồng rừng tập trung; gỗ hợp pháp và trách nhiệm giải trình nguồn gốc; kiểm soát hàng tạm nhập và tái xuất để lấy xuất xứ sau khi Việt Nam ký TPP… Đây là những thách thức không chỉ của DN mà còn là thách thức về quản lý nhà nước khi TPP có hiệu lực và khi khu vực các nước Asean trở thành cộng đồng kinh tế chung năm 2015.

Hội chợ quốc tế Đồ gỗ và mỹ nghệ xuất khẩu Việt Nam, VIFA-EXPO 2014 do Sở Công thương TPHCM và Hội Mỹ nghệ và chế biến gỗ (Hawa) diễn ra từ ngày 11-3 đến 14-3 tại Trung tâm Hội chợ và triển lãm Sài Gòn (SECC), quận 7. Có 141 doanh nghiệp tham gia với hơn 625 gian hàng, tăng 3% so với năm trước. Là điểm đến thứ 2 trong chuỗi hội chợ đồ gỗ Đông Nam Á của AFIC (Asean Furniture Show Circuit), sau hội chợ EFE của Malaysia, VIFA-EXPO 2014 đón khách quốc tế tham quan trước khi đến các hội chợ khác trong khu vực. Đây là cơ hội nhưng cũng là thách thức cho các DN để giới thiệu những nét đặc sắc trong sản phẩm. Ban tổ chức cho biết, đã có 700 khách là DN từ 50 quốc gia và vùng lãnh thổ đăng ký tham quan.

CÔNG PHIÊN (SGGP)

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)