Kinh tế - Giáo dụcChuyện doanh nghiệp

Xuất khẩu hàng hóa – Nhiều vướng mắc cần chấn chỉnh

Tạp Chí Giáo Dục

Mặc dù kinh tế thế giới còn nhiều khó khăn nhưng hoạt động xuất khẩu của Việt Nam (VN) năm 2013 vẫn có những thuận lợi từ những thỏa thuận, hiệp định thương mại mang lại. Để tận dụng tốt những lợi thế từ thị trường nhằm đạt chỉ tiêu tăng trưởng kim ngạch 10% so với năm 2012, xuất khẩu hàng hóa của VN còn rất nhiều vấn đề cần chấn chỉnh.

Chưa chú trọng hình ảnh, thương hiệu Việt

Theo ông Nguyễn Trung Dũng, Tham tán thương mại VN tại Nhật Bản, từ khi Hiệp định đối tác toàn diện VN – Nhật Bản được ký kết, hàng hóa của VN, đặc biệt là các mặt hàng nông lâm, thủy sản xuất khẩu sang Nhật có rất nhiều lợi thế do thuế suất đang giảm dần theo lộ trình. Trong tổng số hơn 2 tỷ USD kim ngạch xuất khẩu hàng nông lâm, thủy hải sản xuất khẩu vào Nhật Bản năm 2012, con tôm hiện chiếm khoảng 700 triệu USD. Với con số này, VN đã trở thành một trong những quốc gia xuất khẩu tôm nhiều nhất vào thị trường Nhật. Nhưng gần đây, tôm của VN liên tục gặp phải vấn đề dư lượng chất Ethoxyquin. Chính điều này đã làm cho thủy sản xuất khẩu của VN sang Nhật bị kiểm tra gắt hơn. Trên thực tế, những lô hàng bị trả về đã có xu hướng giảm so với những năm trước, nhưng ít nhiều đều ảnh hưởng xấu đến xuất khẩu của VN.

Chế biến cá xuất khẩu tại Công ty APT. Ảnh: CAO THĂNG

Theo ông Dũng, ngoài lý do từ các quy định của Nhật Bản về an toàn thực phẩm đối với hàng hóa nhập khẩu ngày càng khắt khe, gay gắt bản thân các doanh nghiệp (DN) VN chưa có nhiều nỗ lực để khắc phục những điểm yếu về chất lượng, chưa kiểm tra chặt chẽ dư lượng thuốc kháng sinh nhằm đáp ứng đầy đủ yêu cầu về an toàn thực phẩm theo quy định của đối tác. Gần đây, có thông tin một vài DN VN mua lại số lô hàng tôm của Ấn Độ đã bị Nhật trả về, không rõ liệu những lô thủy sản này sau đó có được DN tiếp tục xuất khẩu trở lại hay không, nhưng đây là cách làm gây phản cảm, tạo hình ảnh không tốt đối với các DN Nhật.

Ông Nguyễn Bảo, Tham tán thương mại VN tại Australia, cũng cho rằng, ngành thủy sản VN vẫn chưa chú trọng đến việc xây dựng hình ảnh, thương hiệu trên thị trường quốc tế. Cụ thể, mặt hàng phi lê cá tra, cá basa VN đang “thống lĩnh” thị trường Australia và được người tiêu dùng tại Australia rất ưa chuộng. Thế nhưng, cách thức tổ chức mặt hàng này để xuất khẩu vẫn còn nhiều vấn đề. “Tôi không hiểu vì lý do gì mà mặt hàng cá tra, basa đang làm chủ thị trường nhưng giá bán thì ngày càng giảm? Phải chăng DN VN vẫn thực hiện các đơn hàng theo kiểu “tranh mua, tranh bán” bằng cách kéo giá bán xuống mức thấp nhất. Nếu cứ xuất khẩu theo kiểu “ăn xổi” thì hàng hóa VN sẽ khó tránh khỏi các vụ kiện tụng về bán phá giá. Đó là chưa kể chất lượng của con cá tra cũng không được quảng bá tốt tại thị trường này. Đã có lúc ngành y tế của Australia lấy hình ảnh con cá tra của VN để minh họa về hàng thủy sản không an toàn…” – ông Bảo cho biết.

Tương tự, ông Vũ Cường, Tham tán thương mại VN tại Myanmar, cho biết, hàng tiêu dùng và thực phẩm của VN có nhiều lợi thế so sánh do VN đã có thời gian dài cung ứng cho Myanmar qua các nghị định thư. Những thương hiệu của VN như nhựa Tiền Phong, bóng đèn Điện Quang… đã trở thành những thương hiệu uy tín, chất lượng cao. Nhưng điều khiến ông Cường băn khoăn là kim ngạch 2 chiều vẫn còn rất khiêm tốn. Nguyên nhân chính là do thu nhập của người dân chưa cao, xu hướng tiêu dùng hàng giá rẻ vẫn khá phổ biến, cộng với VN không có nhiều lợi thế về vị trí địa lý khi đưa hàng sang Myanmar…

Gần đây, có khá nhiều DN cho rằng, tiêu thụ hàng hóa trong nước khó khăn nên đã nhờ thương vụ tại Myanmar hỗ trợ để đưa hàng sang nước này. Trên thực tế, ý tưởng kinh doanh này chủ yếu mang tính chụp giựt, thời vụ. Họ chưa thật sự xem Myanmar là thị trường tiềm năng để hoạch định đầu tư một cách bài bản. Đây cũng là lý do khiến DN VN không thành công tại thị trường này so với các “đối thủ” khác. Đó là chưa kể, đã xuất hiện tình trạng DN VN mua hàng Trung Quốc rồi gắn các logo, nhãn mác của VN để xuất sang Myanmar đã làm tổn hại đến hình ảnh và thương hiệu hàng hóa của VN.

Khai thác tốt cơ hội từ FTA

Theo nhận định của các tham tán thương mại VN tại nhiều quốc gia, trong năm 2013, kinh tế còn nhiều khó khăn song VN vẫn còn nhiều cơ hội để tăng lượng hàng xuất khẩu. Bên cạnh thế mạnh từ việc đa dạng hóa các mặt hàng xuất khẩu, đặc biệt là ở nhóm hàng có thâm dụng lao động cao và hàng nông lâm thủy hải sản thì việc VN đã và đang tiến hành ký kết các Hiệp định thương mại (FTA) song phương và đa phương, là điều kiện để nhiều mặt hàng của VN được hưởng thuế suất 0%, góp phần tăng khả năng cạnh tranh của hàng hóa VN vào các thị trường lớn.

Theo Thứ trưởng Bộ Công thương Trần Anh Tuấn, tính đến nay VN đã ký kết được các Hiệp định FTA gồm VN – ASEAN, ASEAN+ (Nhật Bản, Trung Quốc Ấn Độ, Australia, New Zealand và Hàn Quốc); FTA VN – Chile, FTA VN – Nhật Bản (hay còn gọi VJEPA)… Hiện VN đã đang tích cực triển khai đàm phán Hiệp định đối tác kinh tế chiến lược xuyên Thái Bình Dương (TPP) với 10 quốc gia lớn trên thế giới; đang đàm phán FTA VN và EU, FTA VN – Hàn Quốc, Hiệp hội mậu dịch tự do châu Âu (EFTA). Gần đây nhất, vòng đàm phán FTA giữa VN và Liên minh Hải quan Nga, Belarus, Kazakhstan đã chính thức khởi động.

Ông Koos Van Eyk, Giám đốc chương trình CBI tại VN, kỳ vọng, một khi FTA giữa VN và EU được ký kết sẽ mang lại nhiều lợi ích cho DN các bên, trong đó có ít nhất 90% số dòng thuế hàng hóa xuất khẩu của VN vào EU sẽ giảm xuống theo lộ trình, đồng thời DN VN sẽ tiếp cận được thị trường. Song để tận dụng được các cơ hội này, ngay từ bây giờ DN phải lo cấu trúc lại sản xuất, hoạch định chiến lược thị trường để đáp ứng những yêu cầu mới có thể được EU đưa ra.

THÚY HẢI (SGGP)

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)