Kinh tế - Giáo dụcNghề nghiệp việc làm

Xuất khẩu lao động đổ dồn thị trường Malaysia

Tạp Chí Giáo Dục

Lâu nay, Libya, Nhật Bản được coi thị trường xuất khẩu lao động (XKLĐ) lớn của Việt Nam. Nay cả hai thị trường này gặp sự cố, liệu mục tiêu đưa 87.000 lao động đi làm việc nước ngoài năm 2011 có thành hiện thực?

lao động Việt Nam tại một cơ sở sản xuất ở Malaysia.
Quay lại thị trường truyền thống
Theo Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Nguyễn Thanh Hoà, trong bối cảnh này, sẽ tập trung mọi biện pháp để củng cố lại một số thị trường truyền thống (Malaysia, Đài Loan, Hàn Quốc). Trong đó, thị trường Malaysia hoàn toàn có thể thay thế thị trường Libya hiện đang gặp sự cố.
Đồng thời, sẽ tiếp tục mở thêm nhiều thị trường mới, phù hợp với lao động Việt Nam mà có thể cho thu nhập 500-600 USD/tháng. "Ngoài ra, Bộ cũng đang xúc tiến mở rộng thêm một số thị trường ở châu Âu để gia tăng đưa lao động đi làm việc ở nước ngoài nhằm đáp ứng mục tiêu đề ra từ đầu năm" – ông Hòa nói.
Ông Hòa cho biết, hiện Việt Nam đang có 100.000 lao động làm việc ổn định tại Malaysia. Việc quan trọng và cần kíp phải làm ngay lúc này là các doanh nghiệp XKLĐ phải ký kết được các đơn hàng cho thu nhập cao, điều kiện làm việc, ăn ở tốt.
Theo Bộ Nguồn nhân lực Malaysia, nước này đang thiếu trầm trọng lao động trong khu vực dịch vụ và sản xuất. Vì thế, trong năm 2011, Bộ Nguồn nhân lực Malaysia quyết định cho phép các doanh nghiệp trong nước tuyển dụng 90.000 lao động nước ngoài. Số lao động này sẽ được phân bổ cho 13 khu vực sản xuất kinh doanh hiện đang thiếu hụt lao động nghiêm trọng.
Ông Đào Công Hải – Phó Cục trưởng Quản lý lao động ngoài nước (Bộ LĐ-TB&XH), cho biết mới đây, khi làm việc với Bộ trưởng Nguồn nhân lực Malaysia, phía Malaysia cũng đã hứa sẽ tăng chỉ tiêu tiếp nhận lao động cho Việt Nam. Dù có sự cạnh tranh khá gay gắt của lao động Trung Quốc, Bangladesh, Myanmar, Indonesia… nhưng phía Malaysia cam kết sẽ dành chỉ tiêu cao cho Việt Nam.
Theo ông Hải, trong 90.000 chỉ tiêu, Malaysia sẽ tuyển vào làm các vị trí phục vụ trong nhà hàng, khách sạn. Đây là lĩnh vực khó đối với lao động Việt Nam vì trình độ tiếng Anh của ta thấp hơn các nước bạn. Tuy nhiên, trong 45.000 chỉ tiêu còn lại có tới 10.000 chỉ tiêu cho ngành dệt may, điện tử, số ít cho ngành xây dựng không đòi hỏi tay nghề cao sẽ rất phù hợp với lao động Việt Nam.
Theo ông Nguyễn Thanh Hoà, sau khủng hoảng, kinh tế Malaysia đang phục hồi nhanh và nhu cầu rất lớn về lao động trong nhiều lĩnh vực. Ngoài việc khuyến khích doanh nghiệp tiếp tục khai thác tốt những đơn hàng cho thu nhập cao, Bộ LĐ-TB&XH sẽ cùng với các địa phương hỗ trợ doanh nghiệp trong việc tìm nguồn lao động.
Để thu hút lao động, chúng ta cần phải thông tin đầy đủ, khách quan về thị trường. Phải nói rõ những cái được và chưa được để bản thân lao động tự nhận thức về thị trường. Đồng thời, cần phải tăng cường các biện pháp để bảo vệ lợi ích lao động trong suốt thời gian họ làm việc tại Malaysia.
Nhiều hợp đồng lương cao
Hiện một số doanh nghiệp đã chuyển hướng, tập trung khai thác thị trường Malaysia. Ông Tống Thanh Tùng – Phó Tổng GĐ Cty Cổ phần Thương mại Châu Hưng, cho biết Cty đang tập trung tuyển lao động nam và nữ đi làm việc tại nhà máy IDimension MSC SDN BHD. Tổng thu nhập tối thiểu theo cam kết là 15 triệu đồng/tháng và mức cao nhất là 25 triệu đồng/tháng.
Theo ông Tùng, với mức thu nhập trên, lao động chủ yếu được tuyển vào làm việc tại ba vị trí (chuyên viên, chuyên viên quản lý, chuyên viên phát triển mạng). Theo hợp đồng ký kết, phía Cty IDimension MSC SDN BHD sẽ cung cấp miễn phí nơi ở cũng như các chế độ chăm sóc y tế. Ngoài ra, khi lao động sang nhà máy làm việc sẽ được ở trong điều kiện tốt, môi trường làm việc công nghiệp, đảm bảo an toàn lao động.
Theo ông Phạm Đức An – Giám đốc Trung tâm Hợp tác Nhân lực Quốc tế Tranconsin (Bộ GT-VT), thời điểm này, lao động Việt Nam đăng ký sang Malaysia làm việc là phù hợp nhất. Vừa cho thu nhập cao vừa phù hợp với trình độ tay nghề trong khi phí thấp.
Hiện, Tranconsin đang tuyển hàng trăm lao động sang Malaysia làm trong nhà máy điện tử và nhà máy dệt. Theo đơn hàng ký kết với đối tác là Cty Điện tử V.S.Plus, Tranconsin cần 200 lao động, thu nhập trung bình 8-9 triệu đồng/tháng; đơn hàng ký với Nhà máy dệt Ramatex cần 200 lao động (chủ yếu là nữ), thu nhập 7 triệu đồng/tháng.
Còn ông Đoàn Đại Thành – Chủ tịch Cty Sona (Bộ LĐ-TB&XH), cho biết trước sự cố lao động (chủ yếu làm xây dựng) phải về nước do bạo loạn tại Libya, Sona đang thoả thuận với đối tác tại Malaysia để đưa số lao động từ Libya sang làm nghề xây dựng. "Nếu thoả thuận xong, mức thu nhập của lao động cũng tương đối cao, vào khoảng 5,5-6,5 triệu đồng/tháng" – ông Thành nói. Hiện, nhiều Cty khác cũng đang đẩy mạnh lao động sang Malaysia như Sovilaco, Cty Vĩnh Cát, Cty Gmas…
Phong Cầm / TPO

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)