Kinh tế - Giáo dụcNghề nghiệp việc làm

Xuất khẩu lao động: người lao động bị “bóp cổ”

Tạp Chí Giáo Dục

Lao động Việt Nam làm thủ tục nhập cảnh Đài Loan. Đây là thị trường mà người lao động chịu phí cao – Ảnh: N.Duy

So với lao động các nước cùng khu vực Đông Nam Á, lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài đang phải gánh chịu chi phí cao nhất. Tình trạng doanh nghiệp (DN) xuất khẩu lao động (XKLĐ) thu phí tràn lan, lạm thu, trục lợi đã đẩy chi phí lên cao.

Chi phí bị đẩy lên

Luật về người lao động (NLĐ) Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng và các văn bản pháp luật hiện hành quy định cụ thể chi phí NLĐ đi làm việc ở nước ngoài theo từng thị trường. Thế nhưng chi phí thực tế mà họ bỏ ra thường cao hơn nhiều lần so với quy định. Ở Đài Loan, thị trường NLĐ bị thu vô tội vạ nhất với khoản chi phí môi giới từ 3.000 – 4.000 USD/người, cao gấp đôi quy định.

Nếu cộng phí dịch vụ, lý lịch tư pháp, khám sức khỏe, tiền vé máy bay, lệ phí visa, chi phí đào tạo, bồi dưỡng kiến thức cần thiết… thì tổng chi phí NLĐ nộp trước khi sang Đài Loan khoảng 6.000 – 7.000 USD/người. Với mức chi phí này, phải mất một nửa thời hạn làm việc theo hợp đồng, NLĐ mới tích lũy được thu nhập để bù đắp chi phí.

Ở thị trường Nhật Bản, theo quy định của nước này, lao động nước ngoài vào Nhật Bản theo chương trình tu nghiệp và thực tập kỹ thuật (gọi chung là chương trình tu nghiệp sinh – TNS)  được chủ sử dụng lao động đài thọ một lượt vé máy bay, chi phí đào tạo ngoại ngữ, nơi ở, chu cấp dụng cụ sinh hoạt… Nhưng thực tế, để được sang Nhật Bản, chi phí một lao động phải bỏ ra khoảng 90 triệu đồng; chưa kể khoản tiền bảo lãnh hoặc tiền thế chấp, giấy tờ nhà đất thế chấp… trị giá từ 150 triệu đến 200 triệu đồng.

Ở thị trường khác, nhất là thị trường mới, NLĐ phải nộp mức phí cao ngất ngưởng. Mức thu một lao động sang thị trường Canada, Úc hiện đang được các DN XKLĐ áp dụng xấp xỉ 200 triệu đồng/người, trong đó chỉ riêng phí môi giới đã hơn 5.000 USD. Ở Mỹ, chi phí này lên đến khoảng 13.000 – 15.000 USD, trong đó phí môi giới từ 8.000 – 10.000 USD/người, tùy đơn hàng.

Trên 90% lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài là lao động nghèo. Chi phí quá cao khiến số lượng lao động Việt Nam được đưa đi làm việc ở nước ngoài không nhiều. Từ năm 2007 đến nay, cả nước chỉ có khoảng 300 người được đưa sang ba thị trường mới nói trên và hằng năm chỉ có khoảng 70.000 lao động Việt Nam ra nước ngoài làm việc, trong khi quốc gia ở cạnh chúng ta là Philippines có tới 1 triệu người đi XKLĐ mỗi năm.

Doanh nghiệp XKLĐ là thủ phạm

Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO) đã từng lên án những mặt trái của di cư quốc tế, nổi cộm là tình trạng lợi dụng buôn người và bóc lột thông qua hình thức hợp tác XKLĐ. Để ngăn chặn tình trạng này, nhiều nước, lãnh thổ tiếp nhận lao động đã đưa ra những chính sách, quy định có lợi hơn cho lao động nước ngoài.

Tại Hàn Quốc, chương trình TNS đã được thay thế bằng chương trình cấp phép lao động EPS  giúp NLĐ Việt Nam sang Hàn Quốc chỉ mất khoảng 700 USD thay vì 4.000 – 5.000 USD như trước.

Chính quyền Đài Loan cũng siết chặt quản lý bằng quy định mới áp dụng từ tháng 9-2009; theo đó buộc các tổ chức cung ứng, tiếp nhận lao động vào Đài Loan phải thực hiện đúng cam kết chi phí do Việt Nam và Đài Loan thống nhất; không được lợi dụng o ép NLĐ ký những khoản vay không có thật để thu phí bất hợp pháp.

Nếu làm đúng quy định thì mức phí của một lao động sang Đài Loan chỉ khoảng 3.000 USD – 4.000 USD, thay vì 6.000 – 7.000 USD như hiện tại.

Tại Nhật Bản, dự kiến đến tháng 4-2010 sẽ có quy định hướng dẫn thực hiện chương trình TNS; nhiều khả năng sẽ nghiêm cấm việc thu tiền bảo lãnh và giấy tờ nhà đất của lao động nước ngoài vào Nhật Bản.

Theo ông Saichi Kurematsu, Chủ tịch Công đoàn tỉnh Aichi – Nhật Bản, việc NLĐ bị o ép ký nhiều loại hợp đồng trái pháp luật, bị bóc lột sức lao động, bị phạt tiền, chiếm dụng tiền bảo lãnh, thu giữ giấy tờ nhà đất là những nguyên nhân chính khiến chính phủ Nhật Bản đang cân nhắc để loại bỏ. Khi quy định này được áp dụng, nếu phát hiện có sự trục lợi, thu tiền trái quy định, cơ quan quản lý xuất nhập cảnh Nhật Bản sẽ không cấp visa cho lao động vào Nhật Bản.

Chính sách tiếp nhận lao động của các quốc gia và vùng lãnh thổ đang có lợi hơn cho lao động Việt Nam. Vấn đề còn lại phụ thuộc vào cách làm XKLĐ của Việt Nam. Tình trạng tuyển dụng qua môi giới, thu phí tràn lan của DN XKLĐ khiến NLĐ phải gồng mình gánh chi phí cao từ nhiều năm nay cần phải được xử lý triệt để.

Ông Nguyễn Ngọc Quỳnh, Cục trưởng Cục quản lý lao động ngoài nước: tăng cường kiểm tra, xử lý

Đúng là thời gian qua vẫn có xảy ra tình trạng một số DN tuyển chọn lao động qua môi giới, thu phí không rõ ràng, cao hơn quy định, gây thiệt hại cho NLĐ.

Trong chức năng nhiệm vụ của mình, chúng tôi sẽ tăng cường hơn nữa công tác kiểm tra, xử lý vi phạm. DN nào vi phạm thu phí cao sẽ bị xử lý nghiêm, tùy mức độ sẽ bị tạm đình chỉ hoạt động hoặc rút giấy phép, bồi thường thiệt hại cho NLĐ. Quan điểm của chúng tôi là  phải tiết giảm tối đa chi phí cho NLĐ.

Theo MAI NGUYỄN – Người lao động

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)