Sự kiện giáo dụcVấn đề - Sự kiện

Xuất khẩu lao động: Nước mắt cho ngày về

Tạp Chí Giáo Dục

0
(0)

Sau 8 năm lao động “chui” ở Hàn Quốc, anh L. trở về phụ gia đình bán sắt xây dựng

Việc xuất khẩu lao động (XKLĐ) trong những năm gần đây đã làm thay đổi không ít những nếp nhà tranh nghèo khó ở các vùng quê ngoại thành. Từ đôi bàn tay trắng họ trở thành những tỷ phú đương đại với những mô hình làm ăn hiệu quả nhờ đồng vốn kiếm được từ XKLĐ. Bên cạnh đó cũng có không ít người ngày đi xe pháo đưa tiễn, còn ngày về thì âm thầm lặng lẽ với đôi bàn tay trắng…
Trở về với hai bàn tay trắng
Đứng trước ngôi nhà của anh T.Đ.H. ở xã Tân Thạnh Tây, huyện Củ Chi không ai tránh khỏi chạnh lòng vì cảnh trống trước trống sau. Còn anh thì suốt ngày lẫn đêm cứ khật khưỡng ở các quán rượu cóc, ổi ven đường. Với anh giờ chỉ còn biết mượn rượu để cố quên đi cái quá khứ 2 năm trời ròng rã sống nơi đất khách quê người của mình. Hơn 3 năm trước, sau khi có vợ, gia đình thấy H. không có công ăn việc làm ổn định tại địa phương nên quyên góp, vay mượn người thân để đóng đủ tiền cho anh đi XKLĐ tại Hàn Quốc. Những hi vọng đổi đời của gia đình anh hoàn toàn chính đáng nếu như sang bên ấy anh chí thú làm ăn. Nào ngờ, sang đến nơi chẳng những H. liên tục đổi công ty làm việc vì chê lương thấp, đã vậy mà còn rượu chè bê tha, đánh lộn… Hơn 2 năm lúc nào cũng sống trong cảnh túng quẫn nên H. mới sinh sự như vậy, cuối cùng thì cảnh sát Hàn Quốc bắt được và trục xuất anh về nước. Tiền mất, nợ mang giờ còn chịu cảnh thiên hạ chê cười nên H. suốt ngày mới mượn rượu để giải sầu!
P.T.Đ. phường 12, Gò Vấp cũng vỡ tan giấc mộng kiếm tiền ở Nhật. Theo hợp đồng, Đ. sang làm việc cho một công ty ở Nhật với thời gian 2 năm. Thế nhưng, bao hi vọng đổi tính nết, tu chí làm ăn về đứa con gái đầu lòng vốn ở gia đình chỉ biết ăn chơi lêu lổng cũng sớm tan đi. Chưa đầy một năm sau kể từ khi gia đình mở tiệc ăn mừng tiễn con ra sân bay thì giờ cô ta lại lục tục xách va ly về nước, đã vậy Đ. lại còn vác thêm cái bụng bầu hơn 5 tháng. Hỏi ra sự việc mới biết qua bên ấy, Đ. cùng một số người vô công rỗi nghề không chuyên tâm làm việc mà cứ ăn chơi. Khi tiền tiêu xài chẳng đủ, Đ. phải vay mượn và cuối cùng đến khi không còn ai cho mượn thì Đ. trộm cắp tiền của những người bạn cùng ở trọ chung. Sau đó cảnh sát Nhật buộc cô phải rời khỏi quốc gia này sớm hơn thời hạn hợp đồng lao động.
P.T.T.H cũng ở xã Tân Hiệp, Hóc Môn thì lại khác, gia đình khá giả nên H. dễ dàng tìm cơ hội đi XKLĐ ở nước ngoài. Nhưng mới chỉ sang đất Hàn làm việc chưa đầy 4 tháng thì H. nghe lời bạn bè rủ rê ra ngoài làm sẽ được trả nhiều tiền hơn. Thế là H. trốn ra ngoài, nhưng những lời đồn đại ở bên ngoài hoàn toàn khác với thực tế. Cứ làm chỗ này được vài tháng thì bị đuổi, hoặc hết hàng nên công ty tạm nghỉ, và mỗi lần như thế H. lại lục tục xin đi chỗ khác. Trong khi đó tiền lương không đủ tiền thuê nhà và chi phí ăn ở. Gần 2 năm như vậy, đến khi cảnh sát Hàn Quốc truy quét và bắt được đưa về nước. Không một đồng xu gửi về gia đình, giờ còn phải vay mượn bạn bè để mua vé máy bay, đền tiền bồi thường hợp đồng với công ty…
Khóc thầm mong ngày về
“Con đã sai rồi mẹ ơi, mẹ hãy tha lỗi cho con. Giá như 8 năm trước con không có chuyến đi này thì bây giờ đời con và gia đình mình đâu ra nông nỗi như hôm nay” – anh Nguyễn Hoàn Ph. ở quận 4, TP.HCM bật khóc nức nở khi vừa đáp xuống sân bay Tân Sơn Nhất.
Anh Ph. kể, 8 năm trước mới sang đất Hàn được 6 tháng thì anh đã nghe theo lời bạn bè rủ ra ngoài làm tự do cho một công ty. Những tưởng lương cao để có tiền gửi về quê cho cha mẹ sớm chuộc tấm sổ đỏ đã cầm cố trước đó. Nào ngờ từ đây Ph. sống như một người cùng khổ. Anh thuê một căn phòng nhỏ, gọi là phòng chứ thật ra đây chỉ là một cái “hang” không hơn không kém. Mỗi tối về mở cửa “hang” phải cúi gập người mới chui vào được và diện tích thì chỉ đủ đặt vừa thân người lên sàn để ngủ. Vậy mà giá tiền cũng phải tính đến hơn 2 triệu đồng/tháng. Cuộc sống chật vật lại là kẻ sống ngoài vòng pháp luật nên không dám bước chân ra đường, bởi vậy khi ăn uống thứ gì cũng phải bấm bụng mà mua. Chẳng hạn như mua 1 trái ớt cũng bị “chặt” với giá 150.000 đồng. Dưa, cà, bầu, bí… hay bất cứ món ăn gì đặc sản của quê nhà Việt Nam là đều bị “chặt” với giá hơn 150.000 đồng/món. Ph. cho biết cùng hoàn cảnh như anh thì cũng có đến hàng trăm lao động Việt Nam sống lang thang vật vã như vậy.
Cùng chuyến về với Ph. có Nguyễn Văn L. xã Tân Thạnh Tây, Củ Chi cũng là kẻ lang thang cơ nhỡ ở Seoul (Hàn Quốc) hơn 8 năm. Nhưng L. còn bi đát hơn Ph. nhiều, vốn thân hình nhỏ nhắn lại yếu ớt nên tình trạng thất nghiệp luôn xảy ra với anh. Cuộc sống của L. chỉ trông chờ vào mùa đông giá lạnh, với công việc cào tuyết mà ai cũng chê thì L. mới có cơ hội tìm được việc. Đã vậy sống chung trong khu vực với những người làm mướn từ Trung Quốc nên L. thường xuyên bị những người này hiếp đáp. Mỗi lần đi lãnh tiền lương ở công ty, L. đều nhờ Ph. đi theo hộ tống. Nhưng rồi khi về đến nhà cũng bị đám người Trung Quốc trấn lột. Có lần L. bị bọn này hành hung tưởng đâu chết trên đất Hàn. Đối với những nhười lang thang cơ nhỡ như Ph. và L. vào lúc này nỗi thèm khát được trở về quê hương Việt Nam đến cháy lòng, nhưng câu hỏi luôn thường trực trong họ là tiền đâu để mua vé mà về, về nhà rồi ăn nói với gia đình ra sao?…
Cuộc sống bươn chải, vật vờ của những lao động bỏ trốn ở Hàn Quốc như L. và Ph. hiện nay không phải là ít. Tất cả họ đều cháy bỏng nỗi khát khao được trở về quê nhà, nhưng điều đó có lẽ với họ thì quá xa và dường như họ đang bỏ mặc cho số phận của mình…
Huỳnh Sang

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết 0 / 5. Số lượt đánh giá: 0

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)