Sự kiện giáo dụcVấn đề - Sự kiện

Xuất khẩu lao động ở ĐBSCL: Càng đi càng nghèo

Tạp Chí Giáo Dục

Chuẩn bị đi lao động ở nước ngoài (ảnh minh họa). Ảnh: I.T

Xuất khẩu lao động (XKLĐ) là một chương trình lớn của cả nước nhằm giúp cho những hộ gia đình nghèo có điều kiện thoát nghèo một cách bền vững. Thế nhưng điều nghịch lý là tại các tỉnh ĐBSCL, khi những hộ gia đình vốn trước đây đã nghèo khi tham gia XKLĐ thì sau đó lại càng nghèo thêm…
Lao động qua đào tạo còn thấp
Theo kết quả điều tra lao động – việc làm năm 2012,  lực lượng lao động khu vực phía Nam trẻ và dồi dào nhưng trình độ tay nghề và chuyên môn kỹ thuật thấp, nhất là vùng ĐBSCL (chỉ 8,6% đã qua đào tạo và đào tạo nghề có chứng chỉ, thấp nhất cả nước).
Trong lĩnh vực công nghiệp, xây dựng và dịch vụ thì vùng ĐBSCL cơ cấu lao động khá lạc hậu: Lao động chủ yếu làm việc trong khu vực nông nghiệp (52,8). Từ đó tỷ lệ thiếu việc làm ở nông thôn chiếm khá cao (4,6%) do hoạt động sản xuất trong vùng chịu ảnh hưởng bởi các yếu tố thời tiết kết hợp những khó khăn chung của nền kinh tế. Cũng theo kết quả điều tra, thất nghiệp của thanh niên ở vùng ĐBSCL cao gấp 2,5 lần.
Kết quả giảm nghèo ở một số tỉnh của ĐBSCL chưa bền vững, tỷ lệ hộ tái nghèo hàng năm còn cao; sức ép tạo việc làm lớn, cơ cấu lao động chuyển dịch chậm… Đi tìm nguyên nhân dẫn đến thực trạng này, ông Nghiêm Trọng Quý, Phó tổng cục trưởng Tổng cục Dạy nghề, Bộ LĐ-TB&XH, thẳng thắn nhìn nhận: “Chất lượng dạy nghề ở đây còn hạn chế, chưa đáp ứng được yêu cầu ngày càng cao của thị trường lao động trong các khu công nghiệp, khu chế xuất, các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài… Chưa có các trường có năng lực đào tạo nghề chất lượng cao tiếp cận trình độ các nước phát triển của khu vực Đông Nam Á và thế giới…”.
Thực tế, mạng lưới dạy nghề tuy có bước phát triển song tại vùng ĐBSCL vẫn còn mỏng, trang thiết bị yếu và thiếu. Đội ngũ giáo viên thiếu về số lượng, hạn chế về chất lượng; năng lực quản lý dạy nghề còn yếu… Do vậy, đa số lao động trong vùng, khi rời quê lên làm việc trong các khu công nghiệp, khu chế xuất tại TP.HCM, Bình Dương, là lao động phổ thông. Và họ rất dễ mất việc khi chủ doanh nghiệp bị tác động bởi suy thoái kinh tế.
Về chính sách hỗ trợ học nghề cho lao động nông thôn, bên cạnh một số thành quả, vẫn còn nhiều bất cập trong công tác dạy nghề ngắn hạn, rất nhiều lao động học xong rồi để đó, không ít địa phương chạy theo chỉ tiêu mà không chú ý đến hiệu quả của người học. Bà Nguyễn Thị Hải Vân, Phó cục trưởng Cục Việc làm, Bộ LĐ-TB&XH, thừa nhận: “Hiện nay lực lượng lao động khu vực phía Nam dồi dào nhưng chất lượng thấp cả về trình độ chuyên môn, kỹ thuật, kỹ năng nghề nghiệp trong khi nhiều địa phương chưa tích cực chủ động có những giải pháp mạnh nhằm nâng cao chất lượng lao động. Phần lớn lao động vùng ĐBSCL có được kiến thức, kỹ năng sản xuất qua kinh nghiệm sản xuất là chính, sự tác động của kỹ thuật tiên tiến còn hạn chế”.
Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Phạm Thị Hải Chuyền cũng thừa nhận những hạn chế trong công tác đào tạo của hệ thống trường nghề cũng như trong thực hiện quyết định 1956. “Nhiều khu công nghiệp mới mở rất cần người lao động có tay nghề cao nhưng các trường nghề chỉ dạy những gì ta có, không phải cái xã hội đang cần. Đây là một trong những lý do khiến trường nghề ít sức hút, vì rất nhiều người không tìm được việc làm sau khi học xong. Do vậy các trường phải có chuyển biến, phải đào tạo theo địa chỉ, đáp ứng yêu cầu xã hội. Yêu cầu này cũng là nguyên tắc trong triển khai quyết định 1956. Các đơn vị không được chạy theo chỉ tiêu với bất cứ giá nào”, Bộ trưởng Phạm Thị Hải Chuyền yêu cầu.
“Đau đầu” với XKLĐ
Điều đáng nói là người lao động không có tay nghề, chuyên môn kỹ thuật cao cũng là một trong những nguyên nhân khiến công tác XKLĐ của khu vực luôn đứng rất thấp so với tỷ lệ chung của cả nước. Năm 2012, vùng ĐBSCL chỉ đưa được 2.801 lao động đi làm việc ở nước ngoài (đạt chưa đến 60% kế hoạch). Nhiều địa phương ở ĐBSCL chỉ tiêu đề ra chỉ trên dưới 100 lao động đi làm việc ở nước ngoài nhưng cũng chỉ đạt được gần 50% kế hoạch.
Thực trạng XKLĐ ở ĐBSCL cũng khiến nhiều gia đình đã nghèo muốn thoát nghèo nhưng khi đi XKLĐ lại càng nghèo thêm. Bởi khi vay tiền đi XKLĐ, không làm việc được bị đối tác cho thôi việc và buộc trở về nước sớm nên không thể trả được tiền vay ngân hàng! Vậy là nợ gốc cộng tiền lãi, tiền vay ngày càng lớn.
Thực tế hiện nay, các tỉnh, thành trong khu vực đang rất vất vả để thu hồi vốn vay từ chính sách ưu đãi tín dụng cho XKLĐ. Cụ thể, tỉnh Bạc Liêu đang “gánh” khoản nợ này hơn 7 tỷ đồng.  
Có thể nói, hiện nay XKLĐ là một lĩnh vực đóng góp rất hiệu quả trong công cuộc xóa đói giảm nghèo của cả nước, tuy nhiên ở ĐBSCL, hầu hết người lao động làm việc tại thị trường đòi hỏi tay nghề thấp; trong đó nhiều nhất là Malaysia, nên thu nhập chỉ 7 hoặc 8 triệu đồng/ tháng, không hơn nhiều so với Việt Nam; nên nhiều người chán nản bỏ việc là điều dễ hiểu. Để khắc phục, Bộ trưởng Phạm Thị Hải Chuyền hứa sẽ dành ưu tiên tại những thị trường cao cấp như Hàn Quốc, Nhật Bản cho vùng ĐBSCL. Tuy nhiên, phải làm thế nào để người lao động trong khu vực đáp ứng được yêu cầu về chuyên môn, về ngoại ngữ, về ý thức vươn lên và ý chí làm việc trong môi trường công nghiệp… Đây là những vấn đề cần có sự tham gia của cả hệ thống GD-ĐT và sự cố gắng nâng cao chất lượng của hệ thống dạy nghề ở khu vực ĐBSCL.
Đan Phượng
Tại  TP.Cần Thơ, “3 năm qua, chúng tôi cố gắng lắm mới thu hồi được 3 tỷ đồng. Số tiền vay còn lại khá lớn. Người lao động thường đổ lỗi cho đơn vị đưa đi XKLĐ là không đảm bảo thời gian làm việc. Trong khi những đơn vị này thì nói rằng: Do người lao động tự ý phá hợp đồng, bỏ về trước”, ông Nguyễn Thanh Xuân, Giám đốc Sở LĐ-TB&XH TP.Cần Thơ nêu thực tế.
 

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)