Người lao động làm việc trong nghề trồng và chế biến rau hiện có mức thu nhập trên dưới 80.000 đồng/ngày. |
Hiện đã sắp hết năm 2008, nhưng cả tỉnh Lâm Đồng chỉ mới có chưa đến 100 người được đưa đi xuất khẩu lao động trong tổng số gần 400 người nằm trong danh sách dự kiến ra nước ngoài làm việc của kế hoạch năm.
Giải thích vấn đề này, bà Đào Thị Tâm Mai – Phó GĐ Sở LĐTBXH Lâm Đồng – cho rằng: "Có nhiều nguyên nhân, trong đó có nguyên nhân thị trường XKLĐ chưa thực sự hấp dẫn".
XKLĐ đạt thấp
So với mọi năm, tình hình XKLĐ ở Lâm Đồng năm 2008 là tệ hơn cả: Không những số lao động đã đi thấp nhất mà số lượng dự kiến cũng thấp nhất. Bên cạnh đó, một thực trạng đáng quan tâm nữa là số lượng người lao động đi XKLĐ về nước trước thời hạn ở Lâm Đồng trong thời gian qua cũng "đạt" ở con số khá cao so với cả nước. "Nếu không có những biện pháp giải quyết kịp thời thì công tác XKLĐ của Lâm Đồng rơi vào tình cảnh khó khăn không tháo gỡ được" – bà Đào Thị Tâm Mai nói.
Theo số liệu báo cáo của Sở LĐTBXH, tính đến cuối tháng 12, trong lúc chỉ có chưa đến 100 lao động được đưa đi lao động ở nước ngoài theo kế hoạch cả năm thì tỉnh này buộc phải "đón" 99 LĐXK trở về nước trước thời hạn (trong vài năm gần đây). Lâm Đồng hiện có 12 đơn vị được hoạt động đưa người lao động ra nước ngoài làm việc. "Nhưng trong thực tế, chỉ không đến một phần ba trong số đó có triển khai công tác XKLĐ trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng" – bà Đào Thị Tâm Mai cho biết.
Cũng trong năm 2008, Lâm Đồng đã tổ chức được 8 phiên giao dịch việc làm, trong đó công tác XKLĐ được chú trọng một cách đặc biệt, nhưng số lượng người đăng ký đi XKLĐ ở mỗi phiên chỉ là một con số quá thấp nên cả năm chỉ không đến 400 người. Con số vừa ít và vừa thể hiện sự không hứng thú của người lao động ấy buộc các cơ quan chức năng cần xem lại vấn đề thị trường lao động nước ngoài. "Tuy nhiên, về phía người lao động ở Lâm Đồng, công bằng mà nói thì họ chưa thực sự đáp ứng được yêu cầu của thị trường lao động nước ngoài" – bà Mai phát biểu tiếp.
Những con số không "câm"
Trước hết, cần nhìn nhận một cách khách quan: Con số hàng trăm lao động ở Lâm Đồng về nước trước thời hạn không phải là một con số "câm"! Bởi lẽ, hầu hết những người lao động đi làm việc ở nước ngoài là những người nghèo; trước khi đi, phải vay một khoản tiền của ngân hàng (từ 18 – 20 triệu đồng/người) và món tiền ấy sẽ trở thành gánh nặng cho họ và cả gia đình nếu người lao động đó trở về nước trước thời hạn.
Một lao động ở huyện Đạ Tẻh đã ghi thành văn bản gửi Sở LĐTBXH Lâm Đồng đại ý rằng: Mức thu nhập ở thị trường lao động ở Malaysia không thực sự hấp dẫn – chỉ không quá 2,5 triệu đồng mỗi tháng (có người còn thấp hơn, chỉ 1 triệu đồng) – là nguyên nhân chính để người lao động về nước trước thời hạn.
Ngược lại, phía cơ quan quản lý nhà nước trên lĩnh vực lao động còn đưa ra một vài nguyên nhân khác: Trình độ tay nghề của người lao động không đáp ứng được yêu cầu; một số lao động vô kỷ luật dẫn đến những sai phạm khiến người sử dụng lao động buộc phải cắt hợp đồng (đã xảy ra trường hợp đánh nhau dẫn đến chết người ở nước ngoài); chính quyền địa phương không có sự chọn lọc kỹ đối tượng khi phối hợp tuyển chọn (ở huyện Đạ Tẻh đã xảy ra trường hợp người lao động được tuyển chọn là đối tượng càn quấy vẫn cứ được chính quyền đưa vào danh sách của nhà tuyển dụng như một sự "chạy nợ")…
Hiện chỉ có chưa đến 2.000 lao động đang làm việc ở nước ngoài theo chương trình XKLĐ là một con số quá thấp so với mục tiêu đặt ra của Lâm Đồng là đến năm 2010 có khoảng 4.000 lao động được đi XKLĐ. Như vậy, với mục tiêu đặt ra, có thể hiểu trong hai năm tới, mỗi năm Lâm Đồng sẽ giải quyết cho hơn 1.000 lao động đi XKLĐ. Song, trong năm 2008, cả tỉnh chỉ có không đến 100 người được đưa đi XKLĐ (tính cho đến trung tuần tháng 12) là một thực trạng đáng báo động!
Khắc Dũng (laodong)
Bình luận (0)