Sự kiện giáo dụcVấn đề - Sự kiện

Xuất khẩu lao động: Rủi ro từ đường không chính ngạch

Tạp Chí Giáo Dục

Tiền mất, nợ mang, đó là tình trạng chung của rất nhiều người muốn đi xuất khẩu lao động nước ngoài nhưng không phải theo con đường chính ngạch (không đi theo các công ty được Nhà nước cấp phép).
Ngày 30-10, tại Hà Nội, Trung tâm Nghiên cứu và ứng dụng khoa học về giới – gia đình – phụ nữ và vị thành niên (CSAGA) đã công bố kết quả khảo sát về thực trạng buôn bán người vì mục đích bóc lột lao động và nhu cầu của nạn nhân khi trở về. Những kết quả được công bố sẽ khiến không ít người giật mình.
Muôn kiểu lừa đảo
N.T.N quê ở Hưng Yên cho biết đơn vị nhận xuất khẩu lao động bảo phải đi học nghề, học tiếng nước ngoài, phỏng vấn mất 2 năm; sau đó mất 3 năm… đợi. “Lúc đầu người ta bảo đóng 2.000 USD, sau đó nói đóng thêm nữa để nhanh được bay, tôi lại đóng thêm 2.000 USD nữa, tổng là 4.000 USD. Tiền thì đã đóng, học tiếng thì học rồi, nghề cũng học rồi nhưng đợi mãi vẫn không được đi Nhật”, N. nói. Tương tự, H.T quê ở Thái Bình làm thủ tục đi Cộng hòa Séc. Trong khi thực tế T. phải nộp cho công ty là 11.000 USD nhưng trong giấy biên nhận giao cho T., công ty chỉ ghi có 6.500 USD.
Theo thống kê của CSAGA, có rất nhiều hình thức lừa đảo trong quá trình tuyển dụng lao động xuất khẩu. Trong đó, người lao động (NLĐ) bị lừa bởi môi giới tư nhân do họ làm thủ tục xuất khẩu lao động thông qua “cò” mà không giao dịch trực tiếp với công ty được phép đưa NLĐ ra nước ngoài làm việc. Các chi phí liên quan đến xuất khẩu lao động không rõ ràng, NLĐ bị mất tiền hoặc trả phí quá cao. Theo điều tra của CSAGA cho thấy, có 24,14% NLĐ không biết chi phí thực tế của chuyến đi cũng như chi phí phải bồi thường; 23,5% NLĐ không nhận được thông tin đầy đủ về công việc sẽ làm tại nước đến; 17,24% NLĐ không làm công việc được thông tin trong hợp đồng; 6% không biết công việc chính xác. Ngoài ra, hầu hết NLĐ không biết rõ ràng về mức lương và các chi phí khấu trừ từ lương. Một hình thức NLĐ bị các công ty xuất khẩu lao động không chính thống lừa đó là cố tình che giấu nội dung hợp đồng hoặc ép NLĐ ký trong điều kiện không có lợi cho họ. Các hợp đồng thường dài, có nội dung khó hiểu mà không được giải thích, thậm chí hợp đồng bằng tiếng nước ngoài, NLĐ chỉ được ký trước lúc xuất phát hoặc 1-2 ngày trước chuyến bay…
Ngoài ra, đi xuất khẩu lao động theo các công ty không được cấp phép của Nhà nước, hoặc thông qua môi giới, NLĐ còn gặp rất nhiều rủi ro như bị ép làm việc quá thời gian, quá sức mà không được trả lương hợp lý, không được đào tạo nghề và các kiến thức di cư an toàn, bố trí công việc không đúng hợp đồng, điều kiện làm việc không đảm bảo an toàn, điều kiện sống tồi tàn…
Nghèo vẫn hoàn… nghèo
Đối với trường hợp của N. ở Hưng Yên, do hoàn cảnh gia đình khó khăn, tất cả chi phí đi Nhật N. đều phải đi vay nóng. Giờ không đi được mà nợ cứ tăng theo cấp số nhân nên lại càng nghèo hơn trước. Trường hợp khác là H.V (cũng ở Hưng Yên) vì muốn thoát nghèo nên đã vay tiền để mong được đi xuất khẩu lao động sang Malaysia, nhưng không đi được, nợ nần chồng chất, anh phải bán 70m2 đất hương hỏa để trả nợ. Đấy là đối với những người không đi được, còn những người được đi, khi trở về, họ cũng không khá hơn. CSAGA cho biết, đa số những NLĐ đi theo con đường này chủ lao động không hoàn thành trách nhiệm  với NLĐ: Khi trở về nước họ không được thanh lý hợp đồng, không hoàn hoặc hoàn không đủ tiền đặt cọc. 66,5% NLĐ không được trả lại tiền đặt cọc hoặc chỉ trả một phần; 16,67% NLĐ không tìm được thông tin công ty cho đi do đã giải thể hoặc chuyển địa điểm. 13% NLĐ được hỏi cho rằng tình hình tài chính khi trở về còn tồi tệ hơn trước khi đi xuất khẩu lao động.
Chính vì vậy, để bảo vệ NLĐ, CSAGA kiến nghị với cơ quan quản lý cấp Trung ương là cần tăng cường các hoạt động quản lý Nhà nước đối với việc tuyển chọn lao động xuất khẩu của các doanh nghiệp. Xử lý nghiêm minh những cá nhân, công ty tuyển dụng/môi giới không đúng pháp luật quy định. Đối với địa phương, cần trang bị thêm kỹ năng nhận diện và hỗ trợ nạn nhân của buôn bán người nói chung và nạn nhân buôn bán lao động cho cán bộ lao động xã hội các cấp, cán bộ trợ giúp pháp lý…
Thiên Lam

 

Bình luận (0)