Sự kiện giáo dụcVấn đề - Sự kiện

Xuất khẩu lao động sôi động trở lại

Tạp Chí Giáo Dục

Các lao động Việt Nam ra sân bay chuẩn bị đi XKLĐ

Dự kiến năm 2010, Việt Nam sẽ đưa 85.000 lao động ra nước ngoài làm việc. Theo Cục Quản lý lao động ngoài nước, Bộ LĐ-TB&XH, xuất khẩu lao động (XKLĐ) năm 2010 vẫn tập trung phát triển các thị trường truyền thống đã và đang tiếp nhận lao động Việt Nam (LĐVN) với số lượng lớn như: Trung Đông, Đài Loan, Malaysia, Nhật Bản, Hàn Quốc…
2009: một năm lao đao của XKLĐ Việt Nam
Nhiều doanh nghiệp cho biết, những tháng đầu năm 2009 khá vất vả đối với công tác XKLĐ. Nhiều hợp đồng XKLĐ từ đối tác nước ngoài đã bị thu hẹp về số lượng tuyển dụng. Những thị trường mà số lượng vẫn ổn định thì lại có xu hướng giảm lương. Rất nhiều lao động đã phải về nước trước hạn. Đặc biệt là thị trường Nga đã gây tâm lý hoang mang cho nhiều lao động trong nước đang có ý định đi XKLĐ. Bên cạnh đó, chưa kể đã có trên 9.000 lao động Việt Nam làm việc trong các lĩnh vực sản xuất, chế tạo ô tô, điện tử, may mặc… phải về nước trước thời hạn cũng tập trung ở thời điểm đó. Số lượng lao động xuất cảnh của hơn 100 doanh nghiệp XKLĐ đều giảm, thậm chí có những doanh nghiệp đã bỏ ra một khoản phí khai thác thị trường lớn cũng phải từ bỏ vì không tuyển được lao động.
Một trong những “thất bại” nặng nề nhất của hoạt động XKLĐ năm 2009 là số lượng lao động sang thị trường truyền thống Malaysia sụt giảm 90%. Nếu như năm 2008, chúng ta đưa được 30.000 lao động sang thị trường này thì năm 2009 chỉ đưa được khoảng 3.000 lao động. Những thông tin về khủng hoảng, lao động không có việc làm, thu nhập thấp ở thị trường này từ cuối năm 2008 đầu năm 2009 đã làm cho các hợp đồng đưa lao động sang thị trường này của các doanh nghiệp hầu như bị phá sản. Trong khi đó, theo nhận định của Bộ LĐ-TB&XH thì Malaysia vẫn là thị trường thích hợp với số đông LĐVN bởi không đòi hỏi tay nghề, chi phí thấp và là một trong những thị trường trọng điểm để thực hiện công cuộc xóa đói giảm nghèo. Hoạt động bất hợp pháp của một số tổ chức, cá nhân lừa đảo lao động vẫn chỉ tập trung vào 2 thị trường thu nhập cao là Nhật Bản và Hàn Quốc.
2010: đưa 85.000 người đi XKLĐ
Sau một năm nỗ lực vượt qua khủng hoảng, nền kinh tế của một số nước tiếp nhận nhiều lao động VN đã có dấu hiệu phục hồi qua việc tiếp nhận trở lại số lượng lớn lao động, mở ra những triển vọng tốt đẹp cho hoạt động XKLĐ của Việt Nam trong năm 2010. Theo Cục Quản lý lao động ngoài nước, Trung Đông vẫn được xem là thị trường trọng điểm đưa lao động đi những năm tới. Bộ LĐ-TB&XH sẽ tiếp tục chỉ đạo triển khai chương trình đưa 4.000 lao động sang làm nhân viên bảo vệ tại UAE. Đây là chương trình hợp tác giữa Chính phủ hai nước nên nếu thực hiện tốt sẽ là cơ sở để tiếp tục mở rộng hợp tác lao động giữa hai nước. Ả Rập Xê Út cũng là quốc gia Bộ dự kiến tăng cường đầu tư, khai thác để đưa lao động sang làm việc. Để đưa được nhiều lao động sang Trung Đông, Cục trưởng Cục Quản lý lao động ngoài nước cho biết: Sẽ mở rộng công tác đào tạo các nghề có nhu cầu cao như nghề hàn 3G, 6G; các nghề xây dựng, cơ khí, dịch vụ; hỗ trợ đào tạo ngoại ngữ và nghề trong các lĩnh vực khác cũng có nhu cầu như du lịch, khách sạn, thương mại bán lẻ.
Bên cạnh đó, Đài Loan vẫn là thị trường trọng điểm, đang có nhu cầu tiếp nhận lao động VN trong lĩnh vực sản xuất chế tạo và khán hộ công trong viện dưỡng lão. Libya hiện đang có nhu cầu xây dựng lại đất nước nên khả năng tiếp nhận lao động nước ngoài vào làm việc vẫn cao, dự kiến từ 30-40 ngàn lao động/năm. Các thị trường truyền thống khác như Hàn Quốc, Nhật Bản sẽ tiếp tục được đẩy mạnh trong năm 2010.
Theo kế hoạch, năm 2010, XKLĐ của VN phấn đấu đạt chỉ tiêu đưa 85.000 lao động ra nước ngoài. Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Nguyễn Thanh Hòa cho biết, để đẩy mạnh số lượng lao động đưa sang làm việc tại các thị trường, Cục Quản lý lao động ngoài nước và các DN XKLĐ cần làm tốt công tác thẩm định hợp đồng, đảm bảo ổn định, ít rủi ro cho lao động. Công tác quản lý, bảo về quyền lợi của người lao động làm việc ở nước ngoài cũng cần được tăng cường. Theo đó, ngoài việc tăng cường công tác quản lý của các cơ quan đại diện, Ban Quản lý lao động phải xây dựng để thực hiện cơ chế quản lý lao động của DN phù hợp với từng thị trường tiếp nhận, quản lý chặt, bảo vệ tốt quyền lợi của người lao động, kịp thời xử lý các vấn đề phát sinh.
Nghiêm Huê

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)