Lao động Việt Nam ra nước ngoài làm việc ngày càng đông, đặc biệt là Nhật Bản nhưng chủ yếu vẫn là lao động thô (lao động phổ thông), thiếu kỹ năng nghề nghiệp nên thu nhập khó cải thiện. Thêm vào đó, họ thường xuyên “nhảy” việc khiến các trường đào tạo và doanh nghiệp cung ứng mất uy tín. Thông tin này được đưa ra tại buổi tọa đàm “Giáo dục nghề nghiệp phục vụ xuất khẩu lao động trên địa bàn TP.HCM” do Sở LĐ-TB&XH TP.HCM tổ chức ngày 23-11.
Nhiều trường nghề đang tích cực đổi mới chương trình đào tạo để đáp ứng nhu cầu thị trường lao động trong nước và xuất khẩu. Ảnh: D.Bình |
Lượng nhiều, chất ít
Theo thống kê của Sở LĐ-TB&XH TP.HCM, từ năm 2011-2016, thành phố và các doanh nghiệp đóng trên địa bàn đã đưa được 55.643 lao động Việt Nam ra nước ngoài làm việc, trong đó lao động có hộ khẩu tại thành phố hơn 4.000 người (chiếm 7,28%). Thị trường thu hút nhiều lao động Việt Nam là Nhật Bản với hơn 31.200 người (chiếm 56%), Đài Loan – 12.630 người (chiếm 22%), Malaysia gần 4.900 người (chiếm gần 9%), Hàn Quốc gần 3.600 người (chiếm 6,4%). Riêng năm 2017, nhu cầu tiếp nhận lao động đi làm ở nước ngoài là 16.000 người, tập trung ở những lĩnh vực như cơ khí chế tạo, xây dựng, tiếp viên hàng không, thuyền viên, nông nghiệp.
Hiện trên địa bàn TP.HCM có 46 công ty và 23 chi nhánh tổ chức hoạt động đưa người lao động ra nước ngoài làm việc. Ngoài ra, người lao động có thể ra nước ngoài làm việc theo hình thức hợp đồng cá nhân hoặc do Trung tâm Lao động ngoài nước thuộc Bộ LĐ-TB&XH đưa đi.
Theo báo cáo của Công ty TNHH Nhật Huy Khang, số lượng thực tập sinh Việt Nam sang Nhật Bản liên tục tăng. Năm 2013 vượt ngưỡng 10.000 người, năm 2014 đạt mức 20.520 người, năm 2015 hơn 27.000 người, dự kiến kết thúc năm 2016 có hơn 35.000 người.
Ông Nguyễn Xuân Lanh, Trợ lý Giám đốc phụ trách quản trị chiến lược và đối ngoại, Công ty TNHH Esuhai cho biết: “Hiện thị trường Nhật Bản, Đài Loan… có nhu cầu tuyển dụng lao động Việt rất lớn. Năm 2010 chúng tôi bắt đầu đưa được thực tập sinh sang Nhật làm việc, năm 2015 đưa khoảng 1.000 người, năm 2016 hơn 1.500 người và dự kiến những năm tới sẽ nhiều hơn”.
Nhu cầu tuyển dụng lao động ra nước ngoài làm việc ngày càng đông, tuy nhiên đại diện các công ty vẫn “đau đầu” với bài toán làm sao tìm được lao động có đủ tay nghề và kỹ năng để đáp ứng yêu cầu thị trường lao động các nước sở tại. Ông Huỳnh Hồ Đại Nghĩa, Phó Trưởng phòng Thị trường, Trung tâm Xuất khẩu lao động thuộc Công ty cổ phần Dệt may Sài Gòn cho hay: “Chỉ trong quý I năm 2016, Việt Nam đã đưa 7.110 lao động, trong đó có hơn 3.400 lao động nữ sang Nhật Bản làm việc. Tuy nhiên, vấn đề khó khăn là những lao động tốt nghiệp CĐ, TC chưa đủ tay nghề do chương trình đào tạo trong nước chưa theo sát chương trình đào tạo với Nhật Bản. Hơn nữa, sự bất đồng ngôn ngữ khiến lao động Việt làm việc thiếu hiệu quả nên nhiều doanh nghiệp buộc phải chấm dứt hợp đồng lao động trước thời hạn”.
Ông Nguyễn Xuân Lanh thẳng thắn: “Các trường đào tạo nghề có 4 lỗ hổng chính là thiếu kỹ năng chuyên môn, tiêu chuẩn làm việc chưa nghiêm ngặt, kỹ thuật công nghệ còn lạc hậu và giải quyết việc làm sau đào tạo nghề. Do đó, lao động Việt ra nước ngoài làm việc gặp rất nhiều khó khăn”.
Thấy lợi trước mắt bỏ quên hậu quả
Thiếu năng lực và kỹ năng nghề nghiệp, ngoại ngữ yếu là những yếu tố chính khiến thu nhập của lao động Việt ở nước ngoài khó được cải thiện. Theo Sở LĐ-TB&XH TP.HCM, thị trường Malaysia, UAE, Brunei, Nga, Ma Cao mức lương bình quân (chưa tính làm thêm giờ) khoảng 5-12 triệu đồng/tháng/người, sau khi về nước khả năng tích lũy của người lao động dưới 500 triệu đồng; đối với thị trường Nhật Bản, Bồ Đào Nha, Israel, Đài Loan mức lương bình quân từ 13-20 triệu đồng/tháng/người, khả năng tích lũy từ 500-800 triệu đồng…
Với mức lương này, ông Trần Viết Phú, Phó Hiệu trưởng Trường CĐ Kỹ nghệ II cho rằng: “Nguồn xuất khẩu lao động của nước ta dồi dào nhưng mới chỉ dừng lại ở lao động thô nên thu nhập thấp hơn nhiều so với người bản xứ hoặc các nước cùng khu vực như Philippines, Malaysia…”.
Ông Phú dẫn chứng: “Một lao động xuất khẩu thô ở Nhật Bản nhận mức lương trung bình khoảng 1.000 USD/tháng, trong lúc đó lao động có tay nghề đạt chuẩn sẽ nhận được khoảng 4.000 USD”.
Không chỉ thu nhập thấp, việc thiếu kỹ năng và năng lực nghề nghiệp cũng khiến lao động Việt tại nước ngoài chưa có tầm nhìn xa và gây ra nhiều hậu quả đáng tiếc. “Tỷ lệ thực tập sinh bỏ trốn vẫn ở mức cao (năm 2015 hơn 5%), nhiều hệ lụy khác như ăn cắp, đánh nhau, băng nhóm… gây ảnh hưởng xấu đến uy tín lao động Việt Nam” (ông Trần Tiến Duy, Phó Tổng giám đốc Công ty TNHH Nhật Huy Khang chia sẻ).
Về vấn đề này, ông Nguyễn Xuân Lanh cũng bức xúc: “Lao động Việt ở Nhật sẵn sàng vi phạm hợp đồng, trốn ra ngoài làm việc để có nhiều tiền hơn chứ không tập trung lấp đầy kỹ năng, kỹ thuật, xây dựng mối quan hệ để đưa doanh nghiệp Nhật trở về Việt Nam đầu tư”.
Không chỉ ảnh hưởng đến người lao động và công ty, chính trường học cũng bị hệ lụy. Bà Nguyễn Thị Lý, Hiệu trưởng Trường CĐ Công nghệ Thủ Đức cho hay: “Từ năm 1997, chúng tôi đã đào tạo theo đơn đặt hàng của một doanh nghiệp Nhật Bản. Tuy nhiên, đến năm 2012 thì đơn đặt hàng này bị chấm dứt do một số tu nghiệp sinh bị lôi kéo ra ngoài”.
Với những tu nghiệp sinh chịu khó làm việc ở doanh nghiệp đã cam kết, sau khi về nước cơ hội của các em rộng mở. Bà Lý chia sẻ thêm: “Trong số 318 sinh viên được đào tạo để xuất khẩu lao động tại Nhật, nhiều em chăm chỉ làm việc sau 3 năm trở về được khoản thu nhập khá cao khoảng 850 triệu để khởi nghiệp. Nhiều em lúc đi trình độ tiếng Nhật ở N4 nhưng về nước đã đạt cấp độ N2, cộng với tay nghề lên cao đã được các tập đoàn Nhật Bản đón nhận, thậm chí có em còn được làm quản lý”.
Ông Huỳnh Hồ Đại Nghĩa cũng khẳng định: “Sau 3 năm xuất khẩu lao động, các em có thu nhập từ 400 đến 700 triệu đồng. Về nước với tay nghề giỏi, tác phong nghề nghiệp nghiêm túc, ngoại ngữ tốt… các em có thể xin vào một doanh nghiệp nước ngoài ở Việt Nam hoặc có thể khởi nghiệp. Thực tế, có nhiều người xuất khẩu lao động trở về đã trở thành quản lý ở các doanh nghiệp nước ngoài”…
Dương Bình
Bình luận (0)