Xuất khẩu lao động (XKLĐ) đang khó khăn khi nhiều thị trường đóng băng, nhưng hiện tượng lừa đảo người đi làm việc ở nước ngoài vẫn xuất hiện nhiều nơi. Tại sao?
Đại diện nhóm lao động bị ông Dương Đình Sơn lừa đảo “kêu cứu” tại tòa soạn báo Tuổi Trẻ – Ảnh: H.V. |
“Khi biết bị lừa đảo, chúng tôi nhờ công ty mẹ tại Hà Nội can thiệp giúp đỡ nhưng đến nay họ vẫn im lặng. Chúng tôi chẳng biết kêu cứu ai để lấy lại tiền” – Phan Huy Hoài, đại diện nhóm lao động (LĐ) là nạn nhân của chi nhánh cung ứng LĐ tại Nha Trang của Công ty cổ phần XKLĐ thương mại và dịch vụ (TTLC – thuộc Tổng công ty Công nghiệp ôtô VN), bức xúc.
Lừa bằng hợp đồng liên kết
Theo nhiều công ty XKLĐ, khi tuyển dụng LĐ qua các trung tâm giới thiệu việc làm thuộc sở LĐ-TB&XH một số tỉnh miền Trung thường phải chi hoa hồng 500.000 – 2 triệu đồng/LĐ. Nếu không sẽ khó tuyển được LĐ, thậm chí không được cấp giấy phép con về các địa phương. Để tránh “lệ làng” này, thay vì vất vả xin giấy phép con, họ tìm cách nuôi chân rết tại các địa phương để săn tìm LĐ, gọi là “hệ thống cò mồi”. Các cò mồi này được giao khoán hoa hồng trên mỗi LĐ, tiền hoa hồng này chính là tiền mà các công ty thu từ người LĐ. |
Theo Hoài, nhóm của anh gồm 20 người vì tin vào uy tín của công ty mẹ tại Hà Nội là TTLC nên đã đóng hàng nghìn USD/người cho ông Sơn, giám đốc chi nhánh của TTLC tại Nha Trang. Trước đó, ông Sơn có đưa được 21 người qua làm việc tại Mỹ thông qua công ty mẹ tại Hà Nội, nên khi vào Thủ Đức, TP.HCM mở văn phòng (bất hợp pháp) tuyển dụng LĐ đi Mỹ và Ba Lan, ông Sơn đã thuyết phục được nhóm của Hoài tin tưởng giao tiền và ký hợp đồng.
Nhưng sau hơn một năm, hàng ngàn USD của người LĐ cùng với ông Sơn biệt tăm. TTLC đến nay cũng chỉ trả lời người LĐ: khi nào tìm được ông Sơn mới có cách giải quyết vì việc làm của ông Sơn công ty không hề biết (!).
Còn tại Cửa Lò (Nghệ An), dù không có chức năng XKLĐ nhưng công ty TNHH một thành viên, trung tâm dạy nghề và cung ứng LĐ (gọi tắt là công ty cung ứng LĐ) vẫn thu tiền bất hợp pháp của hơn 80 gia đình (15-23 triệu đồng/người) cho đơn hàng “đi làm việc tại Bulgaria” mà chính quyền địa phương vẫn không biết. Đến khi người LĐ kêu cứu và Cục Quản lý LĐ ngoài nước gửi công văn thì Sở LĐ-TB&XH Nghệ An mới tá hỏa.
Đa số vụ lừa đảo đều xuất phát từ các trung tâm cung ứng LĐ không có chức năng XKLĐ và một hệ thống chân rết cò do các công ty XKLĐ hoặc các trung tâm “nuôi dưỡng”. Điển hình là vụ hàng trăm LĐ tin vào dự án “đi LĐ ngành nông nghiệp tại Hàn Quốc” của một đường dây lừa đảo (Tuổi Trẻ từng điều tra phát hiện).
Những cò mồi lừa đảo dụ dỗ và thu tiền đặt cọc (4.000 đến hơn 10.000 USD/người) của hàng trăm LĐ, sau đó đưa tất cả họ vào tập trung ở một số địa điểm tại TP. HCM chờ ngày đi Hàn Quốc. Nhưng chẳng có dự án nông nghiệp nào đi làm tại Hàn Quốc như trong hợp đồng.
“Cần câu” tạo lòng tin là trong tay các cò thường có bản hợp đồng liên kết cung ứng tạo nguồn LĐ cho các công ty XKLĐ. Từ “lá bùa” đó, cò đưa người LĐ vào tròng, thu tiền rồi cao chạy xa bay.
Cơ chế quản lý kém tạo điều kiện?
Tại sao người LĐ bị lừa đảo quá dễ dàng như vậy? Tại sao hệ thống các công ty, trung tâm cung ứng, tạo nguồn, các chân rết cò mồi tự do hoạt động khi không có chức năng XKLĐ?
Điều này, theo giám đốc một công ty XKLĐ tại Hà Nội, là do cơ chế sinh ra. Cụ thể, cơ chế quản lý công tác XKLĐ của các cơ quan chức năng quá kém dẫn đến phát sinh nhiều vụ lừa đảo. Luật XKLĐ quy định các công ty chỉ được phép mở ba chi nhánh hoạt động. Tuy nhiên các chi nhánh này mở thêm bao nhiêu trung tâm hay liên kết với bao nhiêu trung tâm môi giới thì hầu như luật không nói đến và cơ quan quản lý cũng không hề biết. Đến lượt các trung tâm nuôi một bộ phận chân rết cò mồi tự do về các xã, phường săn LĐ.
“Riêng Thanh Hóa cũng có trên vài trăm trung tâm cung ứng, môi giới LĐ. Họ tự ý thu tiền, cam kết với người LĐ nhờ dựa vào các hợp đồng liên kết với các công ty XKLĐ” – ông Nguyễn Xuân Vui, tổng giám đốc Công ty Airseco, cho biết.
Dù Luật XKLĐ quy định các công ty có chức năng XKLĐ được phép tuyển dụng trên phạm vi cả nước, nhưng khi về bất cứ địa phương nào tuyển dụng thì phải theo “lệ làng” là phải có giấy phép con của địa phương mới được phép tuyển LĐ. Giấy phép con này sinh ra tiêu cực cả hai chiều từ người môi giới lẫn công ty tuyển dụng.
“Nếu một địa phương có nhiều công ty XKLĐ cùng tuyển dụng, một số cán bộ địa phương sẽ “cầm cân nảy mực” tùy theo chế độ… bồi dưỡng. Ai không biết “lệ làng” thì đơn hàng tốt kiểu nào cũng không tuyển được LĐ vì không được cán bộ địa phương ưu ái.
Đây là một dạng môi giới được hợp pháp hóa, nói cách khác là một số cán bộ chính quyền địa phương đã làm cò mồi” – giám đốc một công ty XKLĐ tại TP.HCM cho biết sau nhiều lần về các địa phương tuyển dụng.
HỒ VĂN (TTO)
Bình luận (0)