Tuyên truyền pháp luậtGia đình - Xã hội

Xuất khẩu lao động vẫn còn… xô bồ

Tạp Chí Giáo Dục

0
(0)

Xuất khẩu lao động (XKLĐ) của Việt Nam đã có nhiều chuyển biến tích cực, tuy nhiên tình trạng “bôi trơn” môi giới, thu phí cao so với quy định, lừa đảo… vẫn còn diễn ra.

Người lao động tìm việc tại Sàn giao dịch việc làm dành cho người lao động tại Hàn Quốc trở về

6 tháng: xuất khẩu hơn 60 ngàn lao động

Trong 6 tháng đầu năm 2018, cả nước có gần 61.000 lao động đi làm việc ở nước ngoài, đạt 55% kế hoạch năm 2018. Thị trường chính mà lao động Việt Nam hướng tới là: Đài Loan với 30.882 người, nâng tổng số lao động Việt Nam đang làm việc tại đây lên 213.000 người (mức thu nhập bình quân đạt khoảng 16 triệu đồng/tháng); Nhật Bản có 126.000 lao động; Hàn Quốc có 38.000 lao động với mức thu nhập khoảng 26 triệu đồng/tháng; Ả Rập Xê Út có 9.000 lao động với mức thu nhập 9 triệu đồng/tháng… Đó là số liệu được ông Tống Hải Nam (Phó Cục trưởng Cục Quản lý lao động ngoài nước, Bộ LĐ-TB&XH) báo cáo tại buổi làm việc mới đây giữa Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Đào Ngọc Dung với cục này về tình hình thực hiện nhiệm vụ XKLĐ. Được biết, năm 2017, Việt Nam có 134.000 lao động đi làm việc ở nước ngoài, đây là con số cao nhất từ trước đến nay.

Tại buổi làm việc, ông Tống Hải Nam thông tin tính đến tháng 6, cả nước có 335 doanh nghiệp hoạt động dịch vụ đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài, trong đó có 14 doanh nghiệp Nhà nước, 256 công ty cổ phần, 65 công ty TNHH; các doanh nghiệp hoạt động chủ yếu ở Hà Nội (chiếm 60%), TP.HCM (20%) và 20% tại các địa phương khác. Hiện tại, Cục Quản lý lao động ngoài nước đã nhận hồ sơ đề nghị đổi giấy phép của 80 doanh nghiệp và trình Bộ LĐ-TB&XH cấp mới 20 giấy phép kinh doanh hoạt động XKLĐ.

Tuy hoạt động XKLĐ có tăng về số lượng, mở rộng thị trường ở nhiều nước nhưng vẫn còn tình trạng bát nháo. Trong 6 tháng đầu năm, Cục Quản lý lao động ngoài nước đã phối hợp với Thanh tra Bộ LĐ-TB&XH tiến hành thanh tra tại 7 doanh nghiệp, trong đó thanh tra đột xuất  1 doanh nghiệp. Qua thanh tra, phát hiện nhiều doanh nghiệp vi phạm hành chính trong lĩnh vực đưa người Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài, phạt hành chính 550 triệu đồng và thu hồi 1 giấy phép. Để chấn chỉnh tình trạng này, Cục Quản lý lao động ngoài nước đã xây dựng kế hoạch và thành lập Hội đồng thanh tra định kỳ tại 30 doanh nghiệp trong 6 tháng cuối năm. Ông Tống Hải Nam cho hay, Cục Quản lý lao động ngoài nước đang hoàn thiện và trình Bộ LĐ-TB&XH các văn bản quy phạm pháp luật trong lĩnh vực XKLĐ, như: Hồ sơ xây dựng Luật sửa đổi Luật Người Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng; trình Chính phủ Nghị định thay thế Nghị định 126/2007/NĐ-CP hướng dẫn thi hành một số điều luật Luật sửa đổi Luật Người Việt Nam đi làm việc ở nươc ngoài theo hợp đồng; trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định sửa đổi, bổ sung Quyết định số 1465/QĐ-TTg về thực hiện thí điểm ký quỹ đối với người lao động đi làm việc tại Hàn Quốc theo chương trình EPS; trình Chính phủ ban hành quyết định về tín dụng ưu đãi đối với người lao động tại huyện nghèo và các xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ven biển và hải đảo đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng…

Khắc phục tình trạng lừa đảo

Đánh giá về hoạt động XKLĐ hiện nay, ông Doãn Mậu Diệp (Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH, kiêm Cục trưởng Cục Quản lý lao động ngoài nước) cho rằng dù đạt được những kết quả đáng khích lệ song vẫn còn những hạn chế. Cụ thể là tỷ lệ lao động Việt Nam làm việc ở nước ngoài hết hạn hợp đồng không về nước đúng thời hạn còn diễn ra, đặc biệt là tại thị trường Hàn Quốc. Nguyên nhân là do phía bạn chưa có những biện pháp xử lý quyết liệt đối với những doanh nghiệp tiếp nhận lao động bỏ trốn.

“Để phấn đấu đạt và vượt chỉ tiêu đưa được 110.000 lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng trong năm 2018, Bộ LĐ-TB&XH sẽ tiếp tục chỉ đạo Cục Quản lý lao động ngoài nước duy trì và phát triển các thị trường tiếp nhận lao động truyền thống. Đẩy nhanh tiến độ đàm phán với Nhật Bản về bản ghi nhớ hợp tác (MOC) về các điều kiện đối với những doanh nghiệp tham gia phải cử thực tập sinh hộ lý của Nhật Bản…”, Thứ trưởng Doãn Mậu Diệp nhấn mạnh.

Tại buổi làm việc, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung thẳng thắn nhìn nhận kết quả XKLĐ hiện nay khá tốt, song xã hội vẫn chưa hài lòng, bức xúc vì tình trạng lừa đảo còn xảy ra. Theo đó, các cơ quan quản lý chưa kịp điều chỉnh một số vấn đề mới phát sinh, thủ tục còn rườm rà, cải cách hành chính còn chậm. Tình trạng “bôi trơn” môi giới, thu lạm phí, lừa đảo trong XKLĐ còn nhiều; tỷ lệ bỏ trốn, vi phạm pháp luật còn cao ở thị trường lao động Hàn Quốc. Do đó, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung yêu cầu tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, xử lý kịp thời những vi phạm pháp luật trong lĩnh vực đưa lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài. Công tác thanh tra, kiểm tra không chỉ vì mục đích xử lý, thu hồi giấy phép mà còn nhắc nhở để làm tốt hơn và dự phòng có tính chất cảnh báo nhất là những lĩnh vực nhạy cảm. Đặc biệt là thông tin tuyên truyền chính xác, có định hướng để người lao động tin tưởng.

Tuy nhiên, để khắc phục triệt để tình trạng này, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung yêu cầu các địa phương tiếp tục cải cách thủ tục hành chính, công khai minh bạch việc cấp phép cho doanh nghiệp, tiến tới cấp phép hoàn toàn trên mạng. Tăng cường việc kiểm định, nhất trong đào tạo nghề, ngoại ngữ, kỹ năng của các doanh nghiệp đã được cấp phép nhất là những ngành nghề có tính chất đặc thù như điều dưỡng viên.

T.Anh

 

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết 0 / 5. Số lượt đánh giá: 0

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)