Kinh tế - Giáo dụcNghề nghiệp việc làm

Xuất khẩu lao động: Vi phạm tràn lan

Tạp Chí Giáo Dục

Cơ quan chức năng chưa xử lý nghiêm và chưa rốt ráo đối với doanh nghiệp vi phạm trong hoạt động xuất khẩu lao động

Đầu tháng 9-2009, Cục Quản lý Lao động ngoài nước đã xử phạt 4 doanh nghiệp (DN). Công ty CP Traenco và Công ty CP Cung ứng XNK Hàng không (Alsimexco) bị phạt do đưa lao động đi làm việc tại Malaysia vượt quá số lượng đã đăng ký; Công ty CP XNK và Hợp tác đầu tư Vilexim bị phạt do không nêu rõ số lượng lao động tuyển dụng, không công khai chi phí của người lao động (NLĐ).  Riêng Công ty CP XNK 3-2 Hòa Bình (Hogamex) bị phạt do đưa 499 lao động đi xuất khẩu lao động (XKLĐ) mà không thực hiện đăng ký hợp đồng cung ứng. Tình trạng DN XKLĐ vi phạm hoạt động đưa NLĐ đi làm việc ở nước ngoài gia tăng trong thời gian gần đây.

Lao động VN làm việc ở Malaysia làm thủ tục về nước. Đây là thị trường có nhiều doanh nghiệp không báo cáo hợp đồng

Không báo cáo tình hình lao động
Pháp luật hiện hành quy định DN chỉ được đưa lao động ra nước ngoài khi được thẩm định hợp đồng và phải báo cáo số lượng lao động xuất cảnh. Việc báo cáo này giúp cơ quan chức năng biết rõ NLĐ nào đến  quốc gia nào, làm công việc gì; thu nhập, tiền lương ra sao. Trên cơ sở đó  thực hiện các biện pháp quản lý, bảo hộ, hỗ trợ giải quyết rủi ro. Đây là vấn đề rất quan trọng nhưng lại là nội dung bị DN coi thường, vi phạm nhiều nhất.
Trước đó, trong tháng 6-2009, Cục Quản lý Lao động ngoài nước đã phạt Công ty CP Phát triển Quốc tế Việt Thắng (VTC Corp) 25 triệu đồng và tạm đình chỉ hoạt động 3 tháng do tổ chức đưa NLĐ ra nước ngoài nhưng không đăng ký hợp đồng cung ứng lao động và không trực tiếp tuyển chọn lao động sang Nga. Cũng trong thời gian này, 77 DN vi phạm quy định không báo cáo việc đưa lao động ra nước ngoài cũng đã bị xử phạt đồng loạt.
Phớt lờ cơ quan ngoại giao
Trong thời gian làm việc ở nước ngoài, NLĐ phải được Nhà nước bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp. Vì tính chất quan trọng trên, pháp luật hiện hành quy định trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày NLĐ xuất cảnh, DN phải báo cáo danh sách lao động cho cơ quan đại diện ngoại giao, lãnh sự VN tại nước sở tại.
Tuy nhiên, tình trạng đưa lao động “chui” vẫn diễn ra phổ biến. Ông Lê Thanh Hà, Bí thư thứ ba – Đại sứ quán VN tại Các Tiểu Vương quốc Ả Rập Thống nhất (UAE), cho biết hiện có hơn 50 DN đưa lao động sang UAE nhưng  hầu hết không thực hiện chế độ báo cáo lao động xuất cảnh cho cơ quan đại diện ngoại giao. Việc không báo cáo này gắn liền với tình trạng DN không nắm bắt tình hình lao động, thậm chí không giải quyết các vấn đề phát sinh liên quan đến NLĐ mà DN đưa đi. Còn theo báo cáo của Cục Lãnh sự – Bộ Ngoại giao, nhiều hợp đồng đưa NLĐ đi làm việc ở nước ngoài thiếu chặt chẽ, dẫn đến những tranh chấp bất lợi cho NLĐ. Đáng tiếc là khi  ký kết hợp đồng với đối tác nước ngoài, DN thường không tham khảo ý kiến cơ quan đại diện ngoại giao. Do vậy, khi vụ việc xảy ra, việc can thiệp, bảo vệ thường rất bị động.
Xử lý chưa nghiêm
Câu hỏi đặt ra là vì sao DN bất tuân quy định, thường xuyên vi phạm? Báo cáo mới đây của Ủy ban Các Vấn đề xã hội của Quốc hội cho thấy một trong những nguyên nhân chủ yếu là do xử lý chưa nghiêm minh và chưa rốt ráo với DN vi phạm trong hoạt động XKLĐ.
Dù quy định hiện hành về xử phạt vi phạm trong lĩnh vực XKLĐ là rất rõ ràng nhưng  việc xử lý vi phạm của cơ quan chức năng còn nhẹ tay, dẫn đến DN… bị “lờn thuốc”. Theo quy định, trường hợp đưa lao động ra nước ngoài làm việc mà không đăng ký hợp đồng cung ứng lao động theo quy định, DN sẽ bị phạt từ 10 triệu đến 15 triệu đồng, bị đình chỉ hoạt động từ 6 đến 12 tháng hoặc thu hồi giấy phép, buộc bồi thường thiệt hại và mọi chi phí phát sinh nếu gây rủi ro cho NLĐ. Tuy nhiên, trong nhiều năm qua, chưa có DN XKLĐ nào bị rút giấy phép dù sai phạm đã rành rành.

Chỉ 30% doanh nghiệp hoạt động hiệu quả

Theo báo cáo của Bộ LĐ-TB-XH, trong tổng số 165 DN XKLĐ hiện nay, chỉ có khoảng 30% hoạt động hiệu quả. Trong đợt khảo sát mới đây, Ủy ban Các Vấn đề xã hội của Quốc hội khuyến cáo nhiều hạn chế của DN XKLĐ cần phải được khắc phục. Đó là, quy mô DN quá nhỏ, thiếu kinh nghiệm và năng lực; nhiều hợp đồng tìm qua môi giới chất lượng không bảo đảm, quyền và lợi ích của NLĐ quá thấp; một số DN khoán trắng cho chi nhánh, trung tâm, tuyển chọn lao động qua môi giới, liên kết tràn lan; thiếu trách nhiệm trong quản lý, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của NLĐ…

Theo nld

 

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)