Kinh tế - Giáo dụcChuyện doanh nghiệp

Xuất khẩu nông sản Giảm tiểu ngạch, tăng chính ngạch

Tạp Chí Giáo Dục

Buôn bán tiểu ngạch với Trung Quốc (TQ) có thể sẽ còn nhiều hệ lụy với các mặt hàng nông sản, đe dọa đến cuộc sống của nông dân và doanh nghiệp (DN) Việt Nam bởi sự bấp bênh cả về giá và thất thường về đầu ra. Vì vậy, vấn đề là phải biết “cách chơi” để có sự bình đẳng.

Sản phẩm Vinamit được chế biến để xuất khẩu sang nhiều nước, trong đó có Trung Quốc.

Mạnh dạn và kiên trì

Bên cạnh số đông mặt hàng nông sản vào thị trường TQ qua đường tiểu ngạch, dù chưa nhiều nhưng vẫn có DN đưa nông sản Việt vào TQ bằng đường chính ngạch. Một số mặt hàng nông sản chế biến đã thâm nhập thị trường này bằng đường chính ngạch và hiện diện ở hệ thống siêu thị nhiều thành phố của TQ. Điển hình như sản phẩm của Công ty CP Vinamit, gồm: mít, chuối, khoai lang, đậu… sấy khô trở thành loại thức ăn nhanh được người tiêu dùng nhiều nước ưa chuộng, trong đó có TQ, đến mức một công ty TQ đã giả nhãn hiệu sản phẩm Vinamit, dẫn đến cuộc tranh chấp pháp lý kéo dài hơn 3 năm với phần thắng thuộc về Vinamit.

Theo ông Nguyễn Lâm Viên, Chủ tịch HĐQT, Tổng Giám đốc Vinamit, đầu những năm 2000, hàng của Vinamit được bán cho các đại lý, trong đó có đại lý ở Hà Nội. Nhưng mức tiêu thụ tại TP này tăng nhanh đến không ngờ, khi tìm hiểu mới biết, từ Hà Nội hàng lại được bán lại cho các đại lý ở TP Hải Phòng và Móng Cái, rồi từ đây được vận chuyển sang TP Đông Hưng (TQ).

Năm 2011, Công ty CP Vinamit lập văn phòng tại TP Quảng Châu để triển khai chiến lược xâm nhập vào TQ bằng đường chính ngạch. Năm đầu, văn phòng Vinamit tại TP Quảng Châu chỉ bán 3 – 5 container/tháng do giá cao vì phải đóng nhiều loại thuế tổng cộng đến 20%, trong khi với hàng tiểu ngạch thuế rẻ nên xuất 25 – 30 container/tháng. Để giải quyết tình trạng chênh lệch giá này, lãnh đạo Vinamit dùng phương cách “vừa kéo, vừa nâng”, sản phẩm chính ngạch chấp nhận giảm lãi và nâng giá hàng tiểu ngạch lên 10%.

Cách làm này chấp nhận hy sinh lúc đầu. Khi nâng giá hàng tiểu ngạch, một loạt khách hàng cửa khẩu tẩy chay, phản đối việc nâng giá và phản ứng kịch liệt để tạo áp lực ngăn không cho DN Việt Nam bán chính ngạch. Nếu mạnh dạn chuyển đổi, chấp nhận việc hàng bán tụt giảm nhưng DN chuyển từ chỗ lệ thuộc hoàn toàn vào thương nhân biên giới sang buôn bán bình đẳng và ổn định. Thế nhưng, với cách này, nhiều DN, trong đó có những DN hùng mạnh không dám làm do e ngại mất khách hàng tiểu ngạch nên luôn bị thua thiệt và bấp bênh đầu ra như cao su, khoai mì (sắn)…

Không thể thiếu vai trò nhà nước

Phải hơn 2 năm Vinamit mới có được sự chuyển đổi căn bản sang buôn bán chính ngạch tại thị trường TQ. Bài học của Vinamit là phải mạnh dạn và có niềm tin về cách làm này. Sau năm 2012 trở đi, sản phẩm của Vinamit bán vào TQ bằng chính ngạch tăng dần lên và đến năm 2013 gần như đã chuyển hẳn sang chính ngạch. Sự thành công của Vinamit khích lệ nhiều DN trong nước làm theo. Hiện có cả chục DN bạn nhờ Vinamit như là đại diện chính thức về sản phẩm ở TQ, đặc biệt thời gian gần đây khi vấn đề biển Đông nóng lên.

Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Lâm Viên, để DN thâm nhập và làm chủ được thị trường nước ngoài phải rất vất vả, chi phí lớn và mất nhiều thời gian. Nếu không có sự tiếp sức khó làm được. Việc làm nhà phân phối các mặt hàng nông sản Việt ở nước ngoài như TQ, một mình DN không thể kham nổi cả về nguồn lực, thông tin mà phải có sự tiếp sức trực tiếp từ nhà nước về chủ trương, chính sách hỗ trợ. Nhà nước mới có đủ sức mạnh, nguồn vốn, thông tin… trong khi Vinamit nếu có cũng chỉ am hiểu một phần. Vì vậy, với những thị trường xuất khẩu nông sản chính, nhà nước nên góp sức hay hình thành các công ty phân phối, nơi nhận các hàng nông sản chế biến của DN trong nước để giao dịch trực tiếp khách hàng các nước, cũng như thông tin cho DN biết nhu cầu thị trường. Khi có sự tiếp sức DN sẽ làm tốt hơn.

Việc thanh toán tiền, nhất là đồng nhân dân tệ (NDT) cũng là vấn đề. Hiện nay, Vinamit đưa hàng sang TQ bán vào siêu thị trả chậm, nhưng các ngân hàng Việt Nam chưa có dịch vụ mở LC trả chậm ở TQ. Khách hàng thanh toán bằng NDT, khi chuyển vào Việt Nam chưa có ngân hàng của Việt Nam chuyển tiền từ đồng NDT sang USD, trong khi điều này chỉ 2 TP lớn là Hà Nội và TPHCM đã có 5 ngân hàng của TQ thực hiện việc chuyển đổi này để hỗ trợ các DN TQ.

Chỉ có buôn bán chính ngạch mới làm chủ thị trường, nếu không sẽ mãi nằm trong “vòng xoáy” của thương nhân biên giới. Đầu tiên, những thương nhân này mua giá cao, khuyến khích làm, thanh toán sòng phẳng; sau đó tới nơi sản xuất để tìm hiểu. Do sỏi tiếng Việt, am hiểu hạn chế của DN Việt và nắm giá thành sản phẩm nên họ khống chế lợi nhuận của DN Việt ở mức thấp nhất có thể. Đặc biệt, khi buôn bán với DN Việt một thời gian thương nhân biên giới TQ ứng vốn, tìm người Việt đứng tên mở nhà xưởng ngay tại vùng nguyên liệu, thuê công nhân của DN Việt với giá cao hơn, tranh mua nguyên liệu và chế biến.

Cứ thế, nhóm thương nhân này ngày càng khống chế giá. Có thể thấy rõ ở nhiều mặt hàng nông sản như hạt điều, khoai mì (sắn) lát, kẹo dừa, cao su, cà phê… Từ đó, họ ép phải bán trả chậm, nếu hàng hóa ế ẩm lập tức đè giá xuống nếu muốn họ trả tiền.

CÔNG PHIÊN

(SGGP)

Bình luận (0)