Kinh tế - Giáo dụcChuyện doanh nghiệp

Xuất khẩu nông sản: Lợi về giá bù giảm về lượng

Tạp Chí Giáo Dục

0
(0)

Thị trường và giá cả đang có lợi cho xuất khẩu nông sản. Nhưng khó khăn nguyên liệu đang cản bước tiến của kim ngạch.

Trong bản tin dự báo mới cập nhật của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, xuất khẩu gạo vẫn được giữ nguyên mức dự báo 6,1 triệu tấn trong năm nay. Tuy nhiên, hồ tiêu xuất khẩu cả năm ước chỉ còn đạt gần 114 nghìn tấn, thấp hơn dự báo 132,5 nghìn tấn được đưa ra vào tháng trước.
Trong khi đó, xuất khẩu thủy sản dự báo đạt 4,815 tỷ USD, cao hơn so với con số 4,786 tỷ USD được đưa ra cách đây 1 tháng; xuất khẩu cà phê lên mức 1,17 triệu tấn và 1,8 tỷ USD, trước đó được dự báo ở mức 1,1 triệu tấn với kim ngạch 1,67 tỷ USD; khối lượng cao su xuất khẩu ước đạt 744 nghìn tấn với giá trị gần 2,3 tỷ USD.
Xuất khẩu gạo đứng ở mức 6,1 triệu tấn

Mặc dù Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tiếp tục khẳng định con số dự báo lượng gạo xuất khẩu trong năm nay ở mức 6,1 triệu tấn, không thay đổi so với cách đây 1 tháng, xuất khẩu gạo của Việt Nam đang có lợi thế về giá cũng như thị trường tiêu thụ.

Do có những dự báo về sự sụt giảm sản lượng gạo toàn cầu cũng như sự tăng giá của đồng Baht, giá gạo đã tăng lên đáng kể trong quý 3. Giá gạo của Thái Lan tăng 4-13% kể từ giữa tháng 8.
Ở trong nước, sản lượng ước đạt 11,5 triệu tấn, tăng 269,1 nghìn tấn do tăng diện tích gieo trồng. Tính đến ngày 24/9, cả nước đã xuất khẩu 5,256 triệu tấn, đạt giá trị 2,22 tỷ USD, tăng 11,75% về lượng và 14,35% về giá trị so với cùng kỳ năm trước.
Biến động giá cả trên thị trường thế giới cũng tác động mạnh đến trong nước. Chỉ trong vòng hơn 1 tháng (cuối tháng 8, tháng 9) Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA) đã bốn lần tăng giá sàn xuất khẩu gạo, nâng giá gạo 5% tấm lên đến 475 USD/tấn, gạo 25% tấm lên 435 USD/tấn, gần bằng với giá gạo xuất khẩu của Thái Lan.
Vào tuần đầu của tháng 9/2010, giá gạo 5% tấm Việt Nam đã đạt mức 460 USD/tấn , tăng 15% so với tháng trước, nhưng vẫn thấp hơn giá xuất khẩu bình quân 8 tháng đầu năm ở mức 470 USD/tấn.
Dự báo xuất khẩu thủy sản lên mức 4,8 tỷ USD

Với thủy sản, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn vừa điều chỉnh mức dự báo kim ngạch xuất khẩu mặt hàng này lên mức 4,815 tỷ USD trong năm nay, cao hơn con số 4,786 tỷ USD tại dự báo tháng trước nhưng vẫn thấp hơn mức 4,84 tỷ USD đưa ra vào hồi quý 2 năm nay.

Riêng xuất khẩu cá tra, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tiếp tục điều chỉnh giảm so với dự báo tháng 8 và quý 2, ước đạt khoảng 1,352 tỷ USD với khối lượng đạt gần 630 nghìn tấn do áp lực của việc áp thuế mới của Mỹ (dự báo tháng 8, giá trị xuất khẩu cá tra đạt khoảng 1,384 tỷ USD).
Sự phục hồi kinh tế ở một số nước, nhất là các nền kinh tế phát triển đã làm cho khối lượng thủy sản giao dịch toàn thế giới tăng nhẹ, ước đạt khoảng 52,8 triệu tấn, tăng so với con số 52,5 triệu tấn của năm ngoái.
Giá xuất khẩu một số mặt hàng thủy sản tăng khiến kim ngạch đạt mức tăng trưởng khá cao trong năm nay. Kim ngạch xuất khẩu thủy sản 8 tháng đầu năm của cả nước đã đạt 2,978 tỷ USD. Dự kiến con số này sẽ vượt mức 3 tỷ USD trong tháng 9/2010, đưa tổng kim ngạch xuất khẩu của ngành 9 tháng đầu năm 2010 lên mức gần 3,5 tỷ USD, tăng hơn 14% so với cùng kỳ năm ngoái.
Ở trong nước, giá tôm sú tại Cà Mau có xu hướng tăng lên qua từng tháng của quý 3. Tôm sú nguyên liệu cỡ 20 con/kg tháng 7 ở mức 182 nghìn đồng/kg thì đến tháng 9 đã là 185 nghìn đồng/kg. Giá tôm nguyên liệu cũng tăng trung bình 5-7 nghìn đồng/kg ở các chủng loại tôm khác.
Ngược lại, đứng trước những áp lực về việc áp thuế mới của Mỹ, giá cá tra nguyên liệu có xu hướng giảm liên tục từ đầu quý 2 đến giữa quý 3, trước khi phục hồi nhẹ. Hiện giá cá tra nguyên liệu tại An Giang đang dao động ở mức 15,5-16 nghìn đồng/kg.
Cà phê hướng tới đạt kim ngạch 1,8 tỷ USD

Triển vọng về giá cà phê xuất khẩu Việt Nam đưa Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đến việc điều chỉnh mức dự báo xuất khẩu cả phê năm 2010 lên 1,17 triệu tấn sản lượng và 1,8 tỷ USD kim ngạch. Trước đó, các mức dự báo của quý 2 và tháng 8 lần lượt là 1 triệu tấn, 1,1 triệu tấn với kim ngạch tương ứng 1,5 tỷ USD và 1,67 tỷ USD.

Trên thị trường New York, giá cà phê thế giới đã tăng trở lại trong phiên giao dịch ngày 27/9 do nhu cầu đầu tư tăng cao trong bối cảnh lo ngại lạm phát gia tăng bởi chính sách nới lỏng tiền tệ của Mỹ. Ngoài ra, giá cà phê Arabica trên thị trường New York còn đuợc hỗ trợ bởi thông tin tình hình thời tiết khô nóng ở Braxin vẫn chưa dứt hoàn toàn.
Giá cà phê xuất khẩu tại cảng Sài Gòn (FOB HCM) hiện đang đứng ở mức 1.755 USD/tấn.
Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho rằng, nguồn dự trữ cà phê thế giới còn rất thấp nên trong thời gian tới, nhiều khả năng giá cà phê sẽ dao động ở mức 1.700- 1.800 USD/tấn, kéo theo sự lên giá của cà phê trong nước.
“Sự cạn kiệt về nguồn cung cho xuất khẩu sẽ làm cho giá cà phê nguyên liệu trong nước tăng trong những thời gian còn lại của năm”, Bộ này nhìn nhận.
Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, xuất khẩu cà phê của nước ta trong niên vụ 2009/2010 kết thúc vào tháng 9/2010 ước đạt 1,19 triệu tấn, tương đương 19,87 triệu bao, tăng 5,3% so với niên vụ trước.
Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn dự báo, niên vụ cà phê 2010/2011 của Đắc Lắc có khả năng đạt sản lượng từ 430 nghìn tấn cà phê nhân trở lên, tăng 50 nghìn tấn so với niên vụ trước.
Cao su có thể tăng gấp 2 kim ngạch trong năm nay

Dự báo mới nhất của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho rằng, khối lượng cao su xuất khẩu năm 2010 có thể đạt khoảng 744 nghìn tấn với giá trị gần 2,3 tỷ USD, chỉ tăng nhẹ 1,7% về lượng nhưng gấp gần 2 lần về kim ngạch so với năm 2009 (năm 2009 đạt gần 1,23 tỷ USD). Nguyên nhân chính là do giá cao su xuất khẩu liên tục đạt mức cao kể từ đầu năm 2010.

Theo phân tích thường niên tháng 9/2010 của Hiệp Hội các quốc gia sản xuất cao su thiên nhiên (ANRPC), việc giá cao su thiên nhiên liên tục tăng trong thời gian qua là do hạn chế về nguồn cung và ảnh hưởng từ thay đổi tỷ giá đồng tiền bản địa tại các nước xuất khẩu lớn như Thái Lan, Malaysia. Các yếu tố này đã hỗ trợ thị trường bất chấp các yếu tố như lượng cầu đang yếu dần, giá dầu giảm và đồng Yên Nhật Bản tăng giá đáng kể.
Tại Malaysia, giá cao su SMR20 đã tăng từ 286.85 USD/100kg ngày 1/7 lên 342.05 USD/100kg vào ngày 23/9, tương đương mức tăng 19,2%. Giá cao su STR20 tại Bangkok, Thái Lan ngày 23/9 cũng đạt mức 341.7 USD/100kg, tăng 14,1% so với mức giá 299.41 USD/100 kg ngày 1/7.
Giá cao su xuất khẩu của Việt Nam cũng biến động theo giá của thị trường thế giới. Ngày 24/9, giá cao su RSS3 bình quân đạt 3.320 USD/tấn, tăng nhẹ 3,4% so với mức giá hồi đầu quý 3 và tăng 12,2% so với mức giá thấp nhất trong quý 3. Đây cũng là mức giá cao nhất đạt được trong quý 3 tính đến thời điểm này.
Trong quý 3, giá cao su SVR20 có biến động mạnh hơn so với giá cao su RSS3, với khoảng dao động giá từ mức thấp nhất là 2.615 USD/tấn (ngày 21/7) và mức cao nhất là 3.100 USD/tấn (ngày 24/9), mức chênh lệch tới 485 USD/tấn.
Theo dự báo của ANRPC, sản lượng cao su Việt Nam sẽ tăng 18,2% trong quý 3 và tăng 7,4% trong quý 4/2010 do mở rộng thêm 26 nghìn ha cao su trong năm nay. Trong năm 2010, Việt nam có thể đạt 770 nghìn tấn sản lượng, tăng 8,3% so với năm 2009.
Xuất khẩu hồ tiêu giảm mức dự báo xuống 114 nghìn tấn

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho rằng, xuất khẩu hồ tiêu năm nay có thể chỉ đạt mức 114 nghìn tấn, thấp hơn rất nhiều so với con số dự báo cũng được Bộ này đưa ra cách đây 1 tháng, ước khoảng 132,5 nghìn tấn, do sản xuất hồ tiêu đang phải đối mặt với tình hình hạn hán và sâu bệnh trên diện rộng.

Tuy nhiên, Việt Nam không phải là quốc gia duy nhất bị suy giảm sản lượng trong năm nay. Hiệp hội Hồ tiêu Thế giới (IPC) dự báo, sản lượng tiêu toàn cầu trong năm nay ước đạt khoảng 230 nghìn tấn, giảm khoảng 18% so với năm 2009. Trong khi đó, tiêu dùng hồ tiêu toàn cầu năm 2010 sẽ đạt khoảng 320 nghìn tấn, tăng 10% so với năm ngoái.
Khi sản lượng và dự trữ đều giảm mạnh, giá hồ tiêu trên thị trường thế giới liên tục tăng cao. Tại sàn NCDEX – Ấn Độ, giá đóng cửa hợp đồng tiêu giao tháng 10/2010 ngày 23/9 đạt 19.075 Rupi/tạ. Như vậy, giá tiêu đen kỳ hạn trên sàn NCDEX đã tăng 4.864 Rupi/tạ tương đương mức tăng 34% so với ngày đầu năm.
Theo Hiệp hội Hồ tiêu Việt Nam (VPA), do được lợi về giá, 8 tháng đầu năm 2010 Việt Nam đã xuất khẩu 90.096 tấn hồ tiêu, giảm 6,8% về lượng nhưng tăng tới 22,5% về kim ngạch so với cùng kỳ 2009, đạt 298 triệu USD.
Hiện Việt Nam đang chào hàng với mức giá cao từ 3.779-3.821 USD/tấn đối với tiêu đen và 5.077 USD/tấn đối với tiêu trắng.
Theo dự báo của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, do nhu cầu tiêu dùng hồ tiêu thế giới sẽ tiếp tục tăng cao trong mùa đông năm nay, cùng với lượng dự trữ của các nước còn thấp, khả năng giá hồ tiêu sẽ biến động tăng trong thời gian tới.
Hiện giá tiêu đen tại Đắc Lắc đang dao động quanh mức 71 nghìn đồng/kg, tăng 60% so với thời điểm đầu tháng 1 và là mức giá cao nhất trong vòng 4 năm trở lại đây. Tuy nhiên, nhiều nông dân đã không còn hàng để bán do đã bán hết ở thời điểm đầu vụ, khi giá tiêu chỉ bằng nửa giá hiện tại.
ANH QUÂN – VNECONOMY

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết 0 / 5. Số lượt đánh giá: 0

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)