Kinh tế - Giáo dụcChuyện doanh nghiệp

Xuất khẩu thuỷ sản: Có thêm 300 triệu đô la

Tạp Chí Giáo Dục

Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (Vasep) trong cuộc họp với Bộ Công Thương ngày 5/9 cho biết với nhiều diễn biến ở thị trường nhập khẩu gần đây, xuất khẩu thuỷ sản, chủ yếu là 2 mặt hàng tôm và cá tra sẽ bứt phá trong năm nay, mang về thêm 300 triệu đô la so với kim ngạch năm 2010.

Theo ông Trương Đình Hoè, Tổng thư ký Vasep, trong 8 tháng đầu năm xuất khẩu đã đạt xấp xỉ 3 tỉ đô la, sản lượng tăng 5% nhưng đa số các mặt hàng tăng đến 20% về giá trị so với cùng kỳ.

Thu hoạch cá tra, mặt hàng xuất khẩu chủ lực của thủy sản Việt Nam

Dự báo xuất khẩu thuỷ sản vượt 5,2 tỉ đô la trong năm 2010, đạt 5,5 tỉ đô la, chủ yếu dựa trên dự báo giá sẽ tiếp tục tăng tương ứng với nhu cầu thế giới.

Tuy nhiên, dự báo của Trung tâm tin học và thống kê, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn trong cuối tháng 8 qua cho rằng thủy sản xuất khẩu năm nay có khả năng đạt 6 tỉ đô la, cao hơn nhiều so với dự báo của Vasep.
Ông Hoè cho biết nguyên liệu cá tra bắt đầu thiếu do đã thu hoạch xong lứa cá nuôi tháng 1 năm nay nên cá ít trở lại.
Giá cá tra nguyên liệu tại nhiều tỉnh ĐBSCL đang lên hơn 25.000 đồng/kg do nhu cầu nguyên liệu chế biến bắt đầu tăng trở lại.
Vasep dự báo khan hiếm nguyên liệu có thể kéo dài đến hết năm nay và dồi dào trở lại vào đầu năm 2012.
Riêng về tôm nguyên liệu, Vasep cho biết ở nhiều địa phương sau đợt dịch bệnh làm cho tôm sú chết hàng loạt thì các hộ đã bắt đầu thả tôm thẻ nhưng tôm vẫn tiếp tục chết. Tôm thẻ chân trắng sẽ trở thành mặt hàng thay thế cho tôm sú do được giới chuyên gia nhận định có năng suất cao và sức chống chịu bệnh tật tốt.
Ông Hoè cho biết dự báo tỷ trọng tôm thẻ chân trắng trong xuất khẩu sẽ tăng lên khoảng 200.000 tấn, còn tôm sú sẽ giảm từ 350.000 tấn còn 300.000 tấn khi đưa vào lưu thông xuất khẩu.
Kết hợp các yếu tố như tăng giá trên thị trường thế giới do sức mua hồi phục cộng với tình hình mất mùa của các nước xuất khẩu tôm thì kim ngạch xuất khẩu của mặt hàng này trong năm nay có thể đạt 2 tỉ đô la, tương đương năm ngoái.
Một tin vui nữa theo đại diện Vasep là Bộ Thương mại Mỹ (DOC) đầu tháng 9 cũng đã công bố kết quả thuế chống bán phá giá (CBPG) mà các doanh nghiệp tôm Việt Nam phải chịu trong đợt xem xét hành chính lần thứ 5 (POR 5 giai đoạn 1-2-2009 đến 31-1-2010) thấp hơn nhiều so với kết quả của POR 4.
Ba bị đơn bắt buộc là Minh Phú giảm từ 2,95% xuống còn 1,15%; Nha Trang Seafood giảm từ 4,89% còn 0%; Camimex giảm từ 3,92% xuống còn 0,83%. 28 công ty còn lại cũng được giảm thuế từ mức 3,92% trong đợt xem xét trước xuống còn 1,04%.
Còn đối với cá tra, với mức thuế CBPG bằng 0 trong kết quả sơ bộ của POR 7 (giai đoạn 1-8-2009 đến 31-7-2010), ngoài công ty Vĩnh Hoàn, các công ty là bị đơn của đợt xem xét lần này có mức thuế khoảng 15% do phía Mỹ đã sử dụng cùng lúc hai quốc gia là Indonesia, Bangladesh cho việc tính toán giá thành thay vì một quốc gia như trước.
Vasep cho biết sẽ tiếp tục cùng với doanh nghiệp và luật sư có biện pháp đấu tranh pháp lý để yêu cầu DOC chọn quốc gia thay thế.
Theo ông Trần Tuấn Anh, Thứ trưởng Bộ Công Thương, các tranh chấp thương mại vừa qua như vụ tôm, cá tra đã cho thấy phối hợp giữa hiệp hội, các doanh nghiệp và các cơ quan quản lý trong suốt thời gian dài đã mang lại nhiều tín hiêu tích cực.
“Bản thân phía Mỹ đã ghi nhận và thấy những điểm cần phải điều chỉnh trong chính sách thuế chống bán phá giá với tôm và cá tra. Về phía doanh nghiệp Việt Nam, như Vĩnh Hoàn đã có bài học kinh nghiệm tốt, sử dụng tư vấn và luật sư để giúp doanh nghiệp, phối hợp xử lý các vụ kiện. Các doanh nghiệp khác cần phải học hỏi để áp dụng trong giai đoạn tới”, ông nói.
Nguồn: TBKTSG

 

Bình luận (0)