Kinh tế - Giáo dụcChuyện doanh nghiệp

Xuất khẩu thuỷ sản tăng: Sao doanh nghiệp vẫn kêu khó?

Tạp Chí Giáo Dục

0
(0)
Bảy tháng đầu năm, kim ngạch xuất khẩu thuỷ sản tăng 11,2%, đạt 2,4 tỉ USD, theo bộ Công thương.

Sáu tháng đầu năm 2010, bất chấp thực tế thiếu nguyên liệu, hàng loạt chi phí đầu vào tăng, thị trường khó khăn, giá nhiều loại sản phẩm tụt giảm, nhưng kim ngạch xuất khẩu thuỷ sản vẫn đạt 2,016 tỉ USD, tăng 14,2 so với cùng kỳ năm trước.

Tuy tăng trưởng, nhưng hầu hết doanh nghiệp trong ngành thuỷ sản lại cho rằng, cần phải tỉnh táo nhìn nhận con số tăng là do đâu.

Nhà nhập khẩu thuỷ sản Nga xem các mẫu thuỷ sản Việt Nam. Ảnh: Lê Quang Nhật
Khó khăn chồng chất
Theo bộ Công thương, đơn vị thống kê kim ngạch xuất khẩu thuỷ sản sáu tháng đầu năm 2010, mặt hàng tôm (tôm đông lạnh và chế biến) vẫn giữ được vị trí đứng đầu, khi mang về 712,77 triệu USD, tăng 14,42% về lượng và 20,64% về kim ngạch so với cùng kỳ. Kế đến là mặt hàng cá tra, sản lượng xuất khẩu đạt 306,4 ngàn tấn với kim ngạch 656,07 triệu USD, tăng 14,33% về lượng và 7,63% giá trị.
Nhìn lại diễn biến nội tình ngành thuỷ sản sáu tháng qua, ít ai có thể nghĩ đạt được con số tăng trưởng hấp dẫn như vậy. Ngay từ quý 1 năm nay, hàng loạt doanh nghiệp xuất khẩu tôm, cá tra kêu thiếu nguyên liệu nên chỉ duy trì công suất nhà máy 30 – 60%. Thực tế, nhiều tỉnh thống kê diện tích nuôi cá tra giảm tới 60% do người nuôi thua lỗ vì giá cá xoay quanh 15.500 – 16.000 đồng/kg, thấp hơn giá thành.
Những doanh nghiệp lớn như Hùng Vương, Vĩnh Hoàn, Nam Việt, Agifish, Minh Phú… buộc phải bỏ vốn đầu tư vào vùng nuôi nhằm tìm kiếm thêm nguồn nguyên liệu, số khác thì cầu viện vào nhập khẩu. Bộ Công thương thống kê, sáu tháng, doanh nghiệp nhập 178 triệu USD nguyên liệu, tăng 8,8% so với cùng kỳ.
Bên cạnh khó khăn về nguyên liệu, doanh nghiệp còn phải chịu chi phí tăng như lãi suất, điện, nước, lương nhân công, cước vận chuyển, nguyên liệu đầu vào, bao bì… Theo tính toán, những chi phí này làm tăng giá thành đầu vào từ 10 – 15% so với 2009. Trong khi đó, ngoại trừ mặt hàng tôm tăng giá, còn lại hầu hết các loại sản phẩm khác có xu hướng giảm.
Chẳng hạn, giá cá tra đông lạnh xuất khẩu trung bình sáu tháng qua tới khu vực EU, thị trường lớn nhất, chỉ còn 2,029 USD/kg, giảm 0,319 USD so với cùng kỳ năm trước. Nguyên nhân là do tác động từ tỷ giá EURO/USD giảm, khiến giá thuỷ sản tiêu dùng nội địa tại khu vực này tăng làm giảm sức mua, buộc cho các nhà nhập khẩu thuỷ sản vào EU chỉ đặt hàng với đơn giá thấp hơn trước trong đó có mặt hàng cá tra basa của Việt Nam.
Phục hồi chứ chưa tăng trưởng
Theo Ban điều hành xuất khẩu thủy sản vào thị trường Nga, 7 tháng đầu năm nay, xuất khẩu cá tra, ba sa vào thị trường này đạt 20.295 tấn, tăng 11,2% so với cùng kỳ năm 2009. Giá xuất khẩu bình quân đạt 1,71 USD/kg, tăng 0,09 USD/kg.
Kết quả này, theo Ban điều hành là do từ đầu năm đến nay không có doanh nghiệp nào vi phạm nặng đến mức bị đình chỉ xuất khẩu. Mặt khác, các mặt hàng như thịt gà, bò, heo… đang gặp khó khăn tại thị trường này do phải chịu những rào cản kỹ thuật nên cá là mặt hàng được tiêu thụ chủ yếu.
 

Năm 2010, mục tiêu xuất khẩu vào thị trường Nga sẽ là 100 triệu USD.

 Ông Nguyễn Văn Ký, tổng giám đốc công ty xuất nhập khẩu thuỷ sản An Giang (Agifish) không bình luận về con số này, nhưng lại nhắc đến lượng hàng tồn kho, yếu tố có thể tác động trực tiếp đến tăng trưởng xuất khẩu mà doanh nghiệp ngại đề cập vì là thông tin nhạy cảm.

Theo tìm hiểu, có khá nhiều nguyên nhân để doanh nghiệp ngại thông tin hàng tồn kho, chẳng hạn như sợ ngân hàng đánh giá thấp hiệu quả kinh doanh, hạn chế cho vay; sợ khách hàng nước ngoài “chê” chất lượng cá, đánh tụt giá mua và sợ bị ngay chính doanh nghiệp trong nước cạnh tranh.
Hồi tháng 4/2010, khá nhiều doanh nghiệp cho biết tồn lượng hàng lớn từ năm 2009 chuyển sang. Nhưng tổng cục Thống kê cho biết, đến 1.6, chỉ số tồn kho ngành chế biến bảo quản thuỷ sản và sản phẩm từ thuỷ sản đã giảm 14,3% so cùng kỳ năm 2009.
“Năm 2009, sản lượng cá nuôi vẫn chưa giảm mạnh như hiện nay, nghĩa là vẫn trên dưới 1,5 triệu tấn như 2008, nhưng do thị trường khó khăn, doanh nghiệp chỉ bán được 607.665 tấn sản phẩm, trị giá 1,342 tỉ USD, giảm 5,2% sản lượng và 7,6% giá trị so với cùng kỳ”, giám đốc một doanh nghiệp xuất khẩu cá tra nêu lên con số như vậy và cho rằng, xuất khẩu cá tra sáu tháng đầu năm nay, có sự đóng góp khá lớn từ hàng tồn kho 2009 chuyển qua.
Chính việc giải toả hàng tồn, trong khi giá bán lại thấp hơn 6,7% so với cùng kỳ, nên nhiều doanh nghiệp xuất khẩu cá tra cho rằng, con số tăng trưởng mặt hàng này không có nhiều ý nghĩa. “Giá xuất khẩu cá tra giảm trung bình từ 2,21 USD/kg năm 2008 xuống còn 2,14 USD năm 2009 và sáu tháng đầu năm nay lại giảm thêm 6,7% thì doanh nghiệp còn lời rất ít”, ông Nguyễn Văn Ký nói.

Ông Trương Đình Hoè, tổng thư ký hiệp hội Xuất khẩu thuỷ sản Việt Nam cũng cho rằng, sở dĩ có số liệu tăng trưởng xuất khẩu thuỷ sản sáu tháng đầu năm nay là do xuất phát điểm cùng kỳ năm trước quá thấp. Sáu tháng đầu năm 2009, do tác động khủng hoảng kinh tế thế giới, kim ngạch xuất khẩu thuỷ sản chỉ đạt 1,7 tỉ USD, giảm 11% so với cùng kỳ năm 2008.

Còn nếu so sánh xa hơn, sáu tháng đầu năm 2010 kim ngạch xuất khẩu thuỷ sản đạt 2,02 tỉ USD thì cùng kỳ năm 2008 con số này là 2,15 tỉ USD, nghĩa là xuất khẩu thuỷ sản mới phục hồi, chưa thể nói có tăng trưởng so với hai năm trước đây.
HOÀNG BẢY – SGTT

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết 0 / 5. Số lượt đánh giá: 0

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)