Gần đây, liên tiếp xảy ra các vụ việc liên quan đến thuyền viên Việt Nam tử nạn hoặc mất tích khi đang làm việc trên các tàu đánh cá xa bờ của Đài Loan và Hàn Quốc, trong khi thu nhập nghề này thấp. Dẫu thế, theo lãnh đạo Bộ LĐ-TB&XH, chưa có lý do đủ mạnh để dừng chương trình này.
Người nhà thuyền viên Nguyễn Văn Sơn (Kỳ Ninh, Kỳ Anh, Hà Tĩnh) đau đớn khi biết tin anh Sơn mất tích trong vụ tàu In Sung-1 (Hàn Quốc) bị chìm ngày 13-12 vừa rồi.
Theo thống kê của Cục Quản lý lao động ngoài nước (Bộ LĐ-TB&XH), Việt Nam bắt đầu xuất khẩu thuyền viên từ năm 1992. Tính đến thời điểm này, cả nước có khoảng 40 doanh nghiệp chuyên cung ứng thuyền viên và đã đưa được hơn 18.000 lượt thuyền viên đi làm việc trên các tàu đánh cá của Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan. Nhiều Cty có số lượng thuyền viên đưa đi hằng năm cao như: LOD, INMASCO, TTLC, SERVICO, Vạn Hoa…
Theo lãnh đạo các Cty này, đối tượng tham gia trên các tàu cá xa bờ chủ yếu đến từ các tỉnh miền Trung (Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình…). Nếu so sánh với lao động làm việc trên bờ (làm nghề xây dựng, sản xuất linh kiện điện tử,…) thì nghề đánh bắt xa bờ rất vất vả, đòi hỏi phải có kỹ năng về nghề chài lưới và phải chấp nhận làm việc hằng tháng trời trên tàu. Dù biết nguy hiểm luôn rình rập, nhưng vì chi phí trước khi đi thấp nên nhiều lao động vẫn đăng ký làm thuyền viên, mong có cơ hội đổi đời.
Ông Vũ Đình Tuân – Trưởng phòng Đài Loan (Cty INMASCO) cho biết, riêng thị trường Đài Loan, mỗi năm, INMASCO đưa đi 300 – 400 thuyền viên. Để đi thuyền viên, lao động chỉ phải bỏ ra 4,5 triệu đồng tiền đặt cọc, nộp tiền quản lý (1 tháng lương/năm cho Cty) và nộp 100 ngàn đồng cho Qũy việc làm ngoài nước nên việc tạo nguồn lao động rất dễ. Thời gian làm việc thường 3 năm, với mức lương 250 USD/tháng (đối với người đi mới) và hơn 300 USD/tháng (người có kinh nghiệm).
Theo ông Tuân, đã đi biển là phải chấp nhận rủi ro nên trước khi đi, bao giờ người lao động cũng được Cty mua bảo hiểm rủi ro ngoài ý muốn (đề phòng các trường hợp lao động bị tai nạn, bị thương tật, tử vong…).
Đối với thị trường Hàn Quốc, ông Lê Nhật Tân – Phó Tổng Giám đốc Cty LOD cho biết, hằng năm, Cty đưa 500-700 lao động sang Hàn Quốc làm thuyền viên. Mức thu nhập hàng tháng tùy theo kinh nghiệm của từng người. Có thể 700-1.000 USD/tháng/người, hoặc 300-400 USD/tháng/người…
Nhiều lao động là thuyền viên cho rằng, sở dĩ họ chấp nhận rủi ro để đi đánh bắt xa bờ vì gia đình không có tiền để đi xuất khẩu lao động trên bờ.
Thuyền viên Trần Đình Khánh – người vừa thoát khỏi lưỡi hái tử thần khi đang làm việc trên tàu In Sung – 1 (Hàn Quốc) bị chìm tại Nam Cực ngày 13-12 tâm sự: “Chúng tôi nghèo lấy đâu ra tiền để đi Nhật, Hàn hay Đài Loan, khi mà chi phí lên tới hàng nghìn USD. Dù biết làm nghề thuyền viên nguy hiểm, thậm chí phải đánh đổi cả tính mạng nhưng cũng phải chấp nhận vì ở quê không có việc làm”.
Để hạn chế rủi ro, giám đốc nhiều Cty cung ứng thuyền viên cho rằng các doanh nghiệp phải cung cấp nguồn thuyền viên chất lượng tốt và tạo nguồn thu nhập ổn định cho họ. Khi xảy ra sự cố, doanh nghiệp phải có chính sách tốt với thuyền viên.
“Cục Quản lý lao động ngoài nước nên tham mưu cho Bộ LĐ-TB&XH có chương trình tập huấn chi tiết đối với doanh nghiệp, xây dựng quy chuẩn về lao động thuyền viên. Doanh nghiệp nào làm đúng quy chuẩn thì cho xuất cảnh, nếu không đúng thì phải dừng” – một vị giám đốc nói.
Một cán bộ UBND xã Cương Gián (Nghi Xuân, Hà Tĩnh) cho biết, trên địa bàn xã có hàng trăm lao động đi làm thuyền viên đánh bắt xa bờ ở Đài Loan, Hàn Quốc và Nhật Bản. Đến nay, xã này có gần 30 người chết khi làm thuyền viên ở nước ngoài.
Trả lời phóng viên về việc có nên dừng xuất khẩu thuyền viên hay không, ông Nguyễn Ngọc Quỳnh – Cục trưởng cục Quản lý lao động ngoài nước cho biết, hiện, Cục chưa có chủ trương dừng hẳn việc xuất khẩu lao động thuyền viên sang các nước Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan.
Sau các vụ việc vừa rồi, Cục đang xem xét đến tính chất từng vụ để báo cáo lãnh đạo Bộ là có nên dừng hay không dừng chương trình thuyền viên. Tuy nhiên, chưa có lý do đủ mạnh để dừng chương trình này. “Thực tế, thuyền viên của ta khi làm việc trong nước cũng gặp rủi ro. Không nên vì rủi ro mà cấm họ đi biển”- Ông Quỳnh nói.
|
Phong Cầm / Tiền Phong
Bình luận (0)