Kinh tế - Giáo dụcChuyện doanh nghiệp

Xuất khẩu tôm: Giá cao vẫn thiếu hàng

Tạp Chí Giáo Dục

Giá tôm xuất khẩu đang ở mức cao nhất trong 10 năm trở lại đây, thế nhưng nhiều nhà máy chế biến thủy sản ở các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long không dám ký hợp đồng xuất khẩu vì thiếu nguyên liệu.
Chế biến tôm xuất khẩu tại Công ty thủy sản Fimex VN – Ảnh: D.Khang
Tại nhiều nhà máy chế biến thủy sản xuất khẩu, lượng tôm mua vào hằng ngày quá ít trong khi kho dự trữ nguyên liệu đã trống hoác.
Giá xuất khẩu tăng 30%
Ông Lê Văn Quang, tổng giám đốc Công ty CP thủy hải sản Minh Phú, cho biết hiện các nhà nhập khẩu tôm của Mỹ đang đẩy mạnh mua hàng bù vào nguồn cung đang thiếu hụt do ảnh hưởng bởi sự cố dầu tràn. Điều này đã kéo giá tôm xuất khẩu tăng khoảng 30% so với năm 2009. Cụ thể, đối với tôm sú loại 16-20 con/kg hiện đã lên mức 12,9-13,2 USD/kg, loại 13-15 con/kg tăng lên 16,6-17 USD/kg, đây là mức tăng cao nhất trong 10 năm trở lại đây.
Thiếu vốn thả tôm
Theo ông Tạ Minh Phú – phó giám đốc Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn Bạc Liêu, những năm qua có nhiều diện tích tôm sú bị thiệt hại làm không ít nông dân trắng tay nên không có vốn tái sản xuất, trong khi ngân hàng lại ngại cho vay nuôi tôm nên nông dân nuôi tôm công nghiệp buộc phải “treo ao”. Năm nay Bạc Liêu có trên 10.000ha đất nuôi tôm theo mô hình công nghiệp nhưng hiện có đến 3.000ha chưa được thả giống vì nông dân thiếu vốn.

Ngoài ra, theo ông Quang, do nắng nóng kéo dài nên tôm nuôi ở nhiều nước bị mất mùa là một trong những nguyên nhân đẩy giá tôm lên cao. Chỉ riêng vụ tôm thẻ chân trắng của Indonesia bị dịch bệnh làm chết trên 80%; Thái Lan, Malaysia bị chết trên 20%; Ấn Độ và Bangladesh giảm mạnh lượng thu hoạch. “Tình hình nguồn tôm nguyên liệu của các nước trong khu vực đã vậy, cộng thêm vụ tràn dầu ở vịnh Mexico càng làm nguồn tôm thiếu trầm trọng” – ông Quang cho biết.

Nguồn cung khan hiếm cũng đẩy giá tôm nguyên liệu trong nước tăng liên tục kể từ đầu năm đến nay. Sáng 17-6, tôm sú loại 40 con/kg có giá 130.000 đồng/kg (tăng 10.000 đồng/kg so với tuần trước), loại 30 con/kg giá 160.000 đồng/kg và loại 20 con/kg lên đến 190.000 đồng/kg.
Lỡ cơ hội
Nhiều doanh nghiệp cho rằng họ đang bỏ lỡ một cơ hội lớn để thu lợi nhuận vì không có nguồn nguyên liệu chế biến. Theo ông Lâm Ngọc Khuân – giám đốc Công ty TNHH chế biến thủy sản Phương Nam (Sóc Trăng), hiện đối tác nước ngoài liên tục đặt hàng nhưng công ty không dám ký hợp đồng mới vì đang lo “trả nợ” cho các hợp đồng cũ.
Chính vì thiếu nguyên liệu trầm trọng nên công ty phải “săn” tôm quảng canh ở Cà Mau và Bạc Liêu nhưng mỗi ngày chỉ mua được khoảng 40 tấn, trong khi công suất nhà máy lên đến 120 tấn/ngày. Các công ty chế biến thủy sản trong vùng như Fimex VN, Stapimex, Kim Anh, Thái Tân, Út Xi… cũng bị thiếu nguyên liệu nên chỉ hoạt động 20-30% công suất.
Ông Hồ Quốc Lực, tổng giám đốc Công ty CP chế biến thực phẩm Sao Ta (Fimex VN), cho biết công suất chế biến tôm đông lạnh của nhà máy là 50 tấn/ngày nhưng hiện nay mỗi ngày chỉ mua được khoảng 20 tấn. Theo ông Lực, phải đến tháng 9-2010 các nhà máy trong khu vực mới đủ tôm để sản xuất.
Tình trạng tương tự cũng xảy ra với hầu hết nhà máy chế biến hải sản xuất khẩu. Bà Nguyễn Thị Thu Sắc, chủ tịch Ủy ban hải sản thuộc Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu thủy sản VN (VASEP), cho biết khó khăn do thiếu nguyên liệu còn lớn hơn khó khăn do tác động của đồng euro yếu khi xuất khẩu vào thị trường châu Âu.
DUY KHANG – TRẦN MẠNH / Tuoi Tre

Bình luận (0)