Chỉ trong hơn hai tháng đầu năm 2009 tổng giá trị kim ngạch vàng xuất khẩu của Việt Nam đã đạt khoảng 900 triệu USD, cao hơn so với cả năm 2008. Tuy nhiên có nghịch lý đang diễn ra là lượng vàng xuất khẩu lớn trong khi các doanh nghiệp lại không được phép nhập khẩu vàng từ giữa năm 2008.
Doanh nghiệp không được tự chủ
Trước đây có một số ý kiến cho rằng do lượng vàng trong nước chủ yếu phụ thuộc vào nhập khẩu, không có lợi thế về quặng mỏ nên cần hạn chế xuất. Tuy nhiên đó là thời điểm giá vàng trong nước luôn cao hơn giá vàng thế giới. Còn hiện nay, đặc biệt là trong những ngày giá vàng tăng cao (trên 19 triệu đồng/lượng) thì giá vàng trong nước lại thấp hơn giá vàng thế giới (tính theo tỷ giá quy đổi USD/VND) là cơ hội rất tốt để các doanh nghiệp xuất khẩu vàng. Hơn nữa theo tính toán của Hiệp hội kinh doanh vàng Việt Nam thì hiện đang có khoảng 500 tấn vàng nằm “chết” trong dân.
Cùng với sự phát triển mạnh của các sàn giao dịch vàng, cũng như ngày càng có nhiều nhà đầu tư coi đây là một kênh đầu tư hấp dẫn khi thị trường vàng trong nước và thế giới được liên thông. Và việc cấp quota cho một số doanh nghiệp xuất khẩu vàng trong năm 2008 và năm 2009 cho thấy thành công nhất định, nhưng nếu tăng quyền chủ động cho các doanh nghiệp thì có thể thu được một nguồn ngoại tệ lớn hơn rất nhiều.
Theo ông Nguyễn Thanh Trúc – TGĐ công ty vàng bạc đá quý Ngân hàng NN – PTNT Việt Nam: Cách đây vài ngày, Ngân hàng nhà nước cấp phép cho một số doanh nghiệp xuất khẩu vàng với số lượng khoảng 7 tấn, trong đó công ty chúng tôi được xuất khoảng 1 tấn. Vào thời điểm hiện tại do giá vàng trong nước đã ngang với giá vàng thế giới (tính theo tỷ giá quy đổi), nên việc lựa chọn thời điểm xuất cũng phải cân nhắc. Xuất khẩu không còn thuận lợi như những tháng trước. Khi giá vàng tăng cao, có những ngày công ty mua vào lượng vàng trị giá trên 100 tỷ đồng. Phần lớn là lượng vàng dự trữ do nhân dân bán ra khi được giá và chờ thời điểm giá thấp để mua lại. Nếu được chủ động xuất khẩu doanh nghiệp sẽ hoạt động hiệu quả hơn bởi nếu như lượng vàng mua vào lớn mà không có đầu ra sẽ rất khó khăn.
Thị trường biến động thường xuyên, nếu tiếp tục quản lý theo kiểu hành chính thì các doanh nghiệp kinh doanh vàng sẽ không thể theo kịp nhịp của thị trường.
Có đầu ra, tắc đầu vào
Cũng theo ông Trúc, từ đầu năm đến nay qua hai lần được cấp giấy phép các doanh nghiệp của Việt Nam đã xuất khẩu lượng vàng trị giá khoảng 900 triệu USD nhiều hơn so với cả năm 2008. Nếu tính cả lượng vàng được xuất khẩu đợt 3 này thì giá trị kim ngạch xuất khẩu vàng có thể lên tới trên 1 tỷ USD trong quý I/2009. Tuy nhiên có một nghịch lý đang xảy ra là trong khi lượng vàng được xuất khẩu khá lớn trong thời gian gần đây thì từ tháng 7/2008 Ngân hàng nhà nước lại không cho phép các doanh nghiệp được nhập khẩu vàng. Nếu kéo dài sẽ tạo ra sự mất cân đối cung cầu.
Các doanh nghiệp kinh doanh vàng cũng đã nhiều lần kiến nghị Ngân hàng nhà nước cần bỏ giấy phép xuất nhập khẩu vàng như nhiều nước đã làm nhằm tăng tính linh hoạt cho doanh nghiệp. Bởi trong bối cảnh hiện nay, nếu như giá vàng trong nước thấp hơn giá vàng thế giới thì xuất khẩu không chỉ mang lại lợi nhuận mà còn mang lại nguồn ngoại tệ đáng kể đồng thời góp phần thúc đẩy lượng vàng nằm “chết” trong dân lưu thông. Bên cạnh các biện pháp kỹ thuật như thuế có thể khống chế lượng nhập của doanh nghiệp phải cân đối với lượng nhập.
Rõ ràng nếu không có một cơ chế linh hoạt cho thị trường vàng thì khó có thể tạo nên sự phát triển lành mạnh của thị trường được coi là đầy nhạy cảm này.
Phan Nam (dddn)
Bình luận (0)